Dự án Vành đai 3 có tổng chiều dài khoảng 76,34 km, đi qua địa phận TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An với 8 dự án thành phần độc lập. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 75.378 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, dự án Vành đai 3 có 2 dự án thành phần gồm xây lắp và giải phóng mặt bằng; trong đó, dự án thành phần 2 (bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) có khoảng 1.9 trường hợp bị ảnh hưởng, với diện tích đất thu hồi khoảng 410 ha. Theo Nghị quyết số 105/2022/NQ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ, khâu giải phóng mặt bằng bàn giao 70% diện tích vào tháng 6/2023 và hoàn thành 100% cuối năm 2023.
Đến 30/6/2023, tổng diện tích thu hồi phục vụ khởi công dự án đạt 336 ha (khoảng 82%) vượt tiến độ so với kế hoạch đề ra. Dù vậy, đến hết năm 2023, TP Hồ Chí Minh mới thu hồi được khoảng 97% diện tích; phần diện tích còn lại chủ yếu là các hộ có đất ở nằm rải rác trên tuyến, mặt bằng phục vụ thi công một số đoạn chưa thông suốt.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (Ban Giao thông) cho biết, nguyên nhân do dự án đi qua nhiều địa bàn, số trường hợp bị ảnh hưởng lớn nên việc chỉ đạo, giải quyết vướng mắc tốn nhiều thời gian. Tình trạng nguồn gốc đất phức tạp, chi phối bởi nhiều quy định, qua nhiều chủ sở hữu dẫn đến khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu, nguồn gốc pháp lý…
Trong 4 địa phương, huyện Hóc Môn đã sớm hoàn thành 100% diện tích thu hồi đất, trong khi thành phố Thủ Đức có tỉ lệ thu hồi đất thấp nhất với hơn 90%. Theo UBND thành phố Thủ Đức, kế hoạch triển khai kèm theo Nghị Quyết số 105/NQ-CP thì đến ngày 30/9/2022 bàn giao hồ sơ và cọc giải phóng mặt bằng cho địa phương. Tuy nhiên đến 16/11/2022, Ban Giao thông mới hoàn thành bàn giao bản đồ hiện trạng vị trí ranh thu hồi đất của tuyến, chậm so với Nghị quyết, dẫn đến các đầu công việc tiếp theo chậm.
Bên cạnh đó, số lượng hồ sơ tại Thủ Đức lớn với gần 600 hồ sơ, diện tích thu hồi gần 100 ha, chủ yếu là đất ở và đất nông nghiệp có nhà, ít trường hợp đất nông nghiệp thuần. Cùng đó, Vành đai 3 đi qua các tuyến đường lớn nên người dân có sự so sánh giá với các địa phương khác; trong đó người dân đề nghị được tính đơn giá bồi thường bằng 60 - 80% đơn giá đất ở đối với đất nông nghiệp cùng khuôn viên đất ở.
Theo đại diện Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng Thủ Đức, việc người dân so sánh giá đất bối thường giữa thành phố Thủ Đức và tỉnh Bình Dương là khó tránh khỏi. Nếu so mặt bằng chung giữa thành phố Thủ Đức với các địa phương xung quanh thì có sự tương đồng mức giá bồi thường đất nông nghiệp. Tuy nhiên, khi so với khu vực lân cận của tỉnh Bình Dương (chỉ cách nhau con đường) thì thành phố Thủ Đức thấp hơn. Điều này gây khó khăn cho giải phóng mặt bằng.
Liên quan vấn đề này, theo ông Huỳnh Bá Trung Nam, Trưởng phòng Bồi thường hỗ trợ tái định cư (Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh), với dự án Vành đai 3, TP Hồ Chí Minh sau khi rà soát trên địa bàn và áp mức giá đền bù cho đất nông nghiệp là khoảng 7 triệu đồng/m2. Việc thẩm định giá đất cho người dân là đúng theo quy định, do đó Thành phố Thủ Đức cần giải thích để người dân hiểu và không thể điều chỉnh thêm nữa.
Về tái định cư, dự án có 408 hộ đủ điều kiện tái định cư bằng nền đất; 176 trường hợp giải tỏa trắng nhưng không đủ điều kiện tái định cư đã được UBND TP Hồ Chí Minh tạo điều kiện bố trí căn hộ chung cư để người dân sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới và yên tâm công tác. Thành phố cũng bố trí 7 khu tái định cư đáp ứng đủ cho các hộ dân bị ảnh hưởng; trong đó 5 khu tái định cư có sẵn, xây dựng hạ tầng 2 khu tái định cư trên đất do nhà nước quản lý tại huyện Củ Chi và Hóc Môn.
Dù chưa đạt 100% như kỳ vọng, nhưng về tổng thể, ông Lương Minh Phúc cho biết, tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng cơ bản đáp ứng yêu cầu Nghị quyết của Chính phủ, đáp ứng mặt bằng để triển khai thi công. Hiện có 4 gói thầu xây lắp chính (XL3, XL6, XL8, XL9) đã khởi công tháng 6/2023 và đang thi công các hạng mục kết cấu phần dưới (cầu, hầm), xử lý nền đất yếu, khối lượng thi công đạt khoảng 5%. Các gói thầu xây lắp chính còn lại đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu, đang thực hiện thủ tục khởi công gói thầu trong tháng 1/2024.
Liên quan đến vật liệu, Ban Giao thông kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc điều phối nguồn vật liệu xây dựng, đặc biệt là nguồn cát đắp nền đường và đất đắp, để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Ngoài ra, kiến nghị các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hỗ trợ một phần trữ lượng cát đắp nền đường từ các mỏ đang khai thác, mỏ đang xin gia hạn giấy phép và mỏ quy hoạch cho dự án đường Vành đai 3; đồng thời cho phép các mỏ được bán thương mại cho nhà thầu thi công của dự án đường Vành đai 3.
Kết luận buổi giám sát, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Chí Minh cho biết, các địa phương đã tuyên truyền, vận động và người dân cũng đã bàn giao mặt bằng diện tích rất lớn để thực hiện dự án. Với phần còn lại, các địa phương tiếp tục vận động, giải thích và nêu rõ ý nghĩa của dự án để người dân ủng hộ. Bà Tuyết cũng đề nghị chủ đầu tư và địa phương đeo bám các sở ngành để giải quyết vướng mắc trong quá trình triển khai dự án; chăm lo, bố trí tái định cư tốt cho người dân.