Tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi. Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN |
Cùng với đó, các địa phương cần tiếp tục theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền để đảm bảo an toàn về người và tài sản; căn cứ vào diễn biến của bão, các địa phương chủ động đảm bảo an toàn cho các du khách, lồng bè nuôi thủy sản và tàu thuyền du lịch.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng phát sóng, kịp thời đưa tin diễn biễn của bão.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Bình Định chỉ đạo các đài truyền hình địa phương tăng cường đưa tin về diễn biến của bão; tổ chức trực ban 24/24h, tiếp tục thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo tại Công điện số 05 ngày 5/6; thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, tại các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Thanh Hóa, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp, thiệt hại do mưa lớn, lũ quét từ ngày 3 - 5/6 đã làm 1 người chết và 1 người bị thương tại tỉnh Thanh Hóa.
Hoàn lưu áp thấp cũng đã làm 2 nhà bị đổ sập, cuốn trôi tại Cao Bằng; 5 nhà bị thiệt hại do sạt lở đất (Lào Cai, Thanh Hóa); 1 trường học bị thiệt hại do sạt lở đất, 1 nhà bị tốc mái (Lào Cai); 53,4 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại (Lào Cai, Cao Bằng); 5 cống bị hư hỏng, 300 m3 đất đá đường giao thông bị sạt lở (Lào Cai); 2 cầu treo, 1 cầu dân sinh (dân tự làm) bị cuốn trôi ở Cao Bằng.
Theo Chi cục Phòng, chống thiên tai miền Trung và Tây Nguyên, từ ngày 4 - 5/6, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn ngập úng tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên làm 3.826 ha lúa hè thu bị ngập úng cục bộ (Huế 2.300 ha; Bình Định 1.526 ha). Ngoài ra, mưa lớn gây ngập úng diện tích sản xuất nông nghiệp tại một số vùng trũng thuộc các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên và đang được kiểm tra, thống kê đánh giá thiệt hại.
Tại tỉnh Cà Mau, từ ngày 4 - 5/6 có 4 nhà bị tốc mái; sạt lở 45m kênh Phòng Hộ xã Đất Mới và kênh Xáng Cái Ngay xã Hiệp Tùng huyện Năm Căn làm thiệt hại 1 cống vuông tôm, 25m đường giao thông nông thôn.
Còn tại tỉnh Sóc Trăng, đêm 4/6, rạng sáng 5/6, tại khu vực ấp Phụng An, xã Song Phụng, huyện Long Phú xảy ra sạt lở bờ sông Rạch Mọp với chiều dài 30m, rộng 8m, sâu 3m làm ảnh hưởng đến giao thông của người dân.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng huy động lực lượng giúp đỡ người dân khắc phục thiệt hại, sớm ổn định đời sống, khảo sát hiện trường, cắm mốc cảnh báo và làm đường tạm cho người dân đi lại.