Dư luận về chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư

Nhận lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam hôm nay rời Hà Nội lên đường thăm cấp nhà nước Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 19 đến ngày 22/11/2013. Truyền thông Ấn Độ và thế giới đã có nhiều bài viết xung quanh sự kiện này.

Theo tin trực tuyến của hãng thông tấn Ấn Độ PTI ngày 19/11, Việt Nam đã đánh giá cao “vai trò có tính chất xây dựng” của Ấn Độ tại Biển Đông bất chấp sự phản đối của Trung Quốc về sự dính líu của Ấn Độ tại khu vực này. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, người tới New Delhi ngày 19/11, bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ 4 ngày, cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có một giải pháp lâu dài cho vấn đề tranh cãi, trên cơ sở luật quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS), vốn bị Trung Quốc phản đối.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Ấn Độ theo lời mời của Thủ tướng Manmohan Singh, sẽ tiến hành hội đàm với ban lãnh đạo cấp cao Ấn Độ về các vấn đề song phương và khu vực chủ chốt, trong đó có vấn đề tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng của Trung Quốc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN


Trong cuộc trả lời phỏng vấn PTI, Tổng Bí thư nói “Tôi tin rằng hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải và hợp tác cùng có lợi trên Biển Đông là lợi ích thiết yếu của nhiều quốc gia, cả trong và ngoài khu vực; chúng tôi đánh giá cao lập trường xây dựng của Ấn Độ trên vấn đề này”. Bất chấp Trung Quốc phản đối Ấn Độ thăm dò dầu mỏ tại Biển Đông, Việt Nam khẳng định rằng Ấn Độ có quyền tiếp tục thăm dò dầu mỏ tại đây bởi chúng nằm trong phạm vi “vùng đặc quyền kinh tế” của Việt Nam.

PTI dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói “Trước mắt, tất cả các bên phải triệt để tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời, đẩy nhanh quá trình hình thành Bộ Quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC).

Ấn Độ tiếp tục cho rằng tất cả các nước hữu quan phải tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế trong giải quyết vấn đề, đồng thời khẳng định tự do hàng hải và tiếp cận các nguồn tài nguyên trong khu vực phải được bảo đảm theo các nguyên tắc đã đề ra.

Theo PTI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng Việt Nam hài lòng với mức độ hợp tác với Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực, song vẫn còn tiềm năng để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước. Ông nói: “Chúng ta có cơ sở để hài lòng về những kết quả đã đạt được trong việc thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong những năm gần đây; đồng thời tin tưởng và hy vọng vào sự phát triển tốt đẹp hơn nữa của mối quan hệ đó trong thời gian tới. Chúng tôi nhận thức rõ rằng, tiềm năng mở rộng, đi sâu, nâng cao hiệu quả của mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ còn nhiều; và một trong những mục đích chính của chuyến thăm Ấn Độ lần này là chúng tôi sẽ cùng các nhà lãnh đạo Ấn Độ trao đổi, tìm ra những biện pháp định hướng thiết thực, hữu hiệu để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ đi vào chiều sâu và thực chất hơn, biến những tiềm năng thành hiện thực, vì lợi ích của nhân dân hai nước”.

Trong khi đó, tạp chí Âu-Á (Eurasia Review) của Mỹ ngày 18/11 đăng bài viết của Giáo sư Subhash Kapila, thuộc Nhóm Phân tích Nam Á (SAAG), đánh giá về chuyến thăm New Delhi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị với chính phủ Ấn Độ.

Bài báo cho rằng, trong bối cảnh mối quan hệ chiến lược Việt Nam - Ấn Độ, chuyến thăm của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Cũng cần phải nói lại rằng Việt Nam là trục trung tâm trong Chiến lược Hướng Đông của Ấn Độ, chiến lược được coi là công thức chính sách minh định cho các thập kỷ sắp tới. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là người xa lạ với Ấn Độ vì ông đã từng thăm New Delhi năm 2010 khi giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam.

Ông Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu một đoàn đại biểu quyền lực trong chuyến thăm Ấn Độ lần này, trong đó có Phó Thủ tướng, Thứ trưởng các Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Công an và nhiều quan chức cao cấp khác trong Đảng Cộng sản. Thành phần đoàn lần này cho thấy mức độ sâu rộng của mối quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Trong chuyến thăm lần này, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có các cuộc gặp với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hạ viện. Ngoài ra, Đoàn công tác cũng sẽ có các cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ và Bộ trưởng Ngoại giao.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có kế hoạch đi thăm Mumbai dự cuộc gặp với các tổ chức doanh nghiệp hàng đầu của Ấn Độ. Việt Nam đang nỗ lực tăng thương mại song phương cũng như thu hút thêm các nguồn đầu tư từ Ấn Độ vào Việt Nam.


Việt Nam và Ấn Độ đang có mối quan hệ Đối tác Chiến lược mạnh mẽ. Trong bối cảnh hiện nay, sự hăm dọa của Trung Quốc gia tăng, từ biên giới Himalaya của Ấn Độ với vùng Tây Tạng do Trung Quốc chiếm đóng cho tới Biển Đông, tạo ra những động lực để đưa mối quan hệ đối tác chiến lược ký kết năm 2007 lên tầm cao mới.

Việt Nam kỳ vọng Ấn Độ sẽ có các công thức chính sách mạnh mẽ hơn đối với các tranh chấp tại Biển Đông, vốn sẽ có tác động tới an ninh và sự ổn định tại Ấn Độ Dương và châu Á - Thái Bình Dương. Ấn Độ hiện đang có sự hợp tác về hải quân và hàng hải với Việt Nam nhưng nước này có thể hành động nhiều hơn nữa trong việc xây dựng thực lực cho Không quân và Hải quân Việt Nam.

Tác giả khẳng định, Ấn Độ không cần thiết phải ngần ngại né tránh tăng cường quan hệ hợp tác an ninh với Việt Nam dưới cái ô hợp tác an ninh và quốc phòng đã được đề cập trong Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN-Ấn Độ năm 2012.

Các cuộc thảo luận và quyết định cuối cùng về các lĩnh vực trên có thể sẽ không được đề cập trên phương tiện truyền thông công khai, nhưng nhiều khả năng sẽ nằm trong chương trình nghị sự chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam lần này.

Quan trọng hơn, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ mang tới các cuộc thảo luận trong chuyến thăm này những cảm nhận của ông về chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng trước cũng như chuyến thăm của Tổng thống Nga tới Việt Nam trong tháng này.


TTXVN/Tin tức
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên đường thăm Ấn Độ

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội lên đường thăm cấp nhà nước Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 19 đến ngày 22 tháng 11 năm 2013.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN