Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 22/5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Ngọc Ánh phát biểu tại tổ. Ảnh: An Đăng – TTXVN |
Qua thảo luận, nhiều ý kiến đánh giá hai dự án Luật có nhiều quy định mới, bước đầu đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, thể hiện được một số định hướng cải cách tư pháp của Đảng liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân.
Thảo luận về Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật hiện hành xuất phát từ việc Hiến pháp năm 2013 đã có những nội dung mới, quan trọng về chế định viện kiểm sát nhân dân; dự thảo Luật cần quy định, làm rõ những nguyên tắc mới, tiến bộ của tố tụng tư pháp liên quan trực tiếp đến hoạt động của viện kiểm sát nhân dân. Các ý kiến cho rằng việc sửa đổi Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân theo yêu cầu cải cách tư pháp nhằm tạo cơ sở pháp lý đổi mới toàn diện về: hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, các nguyên tắc hoạt động, chuẩn hóa các chức danh tư pháp và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng...
Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật là sửa đổi cơ bản, toàn diện theo chủ trương cải cách tư pháp được ghi trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng về cải cách tư pháp, nhất là Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013…
Tán thành với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) nhấn mạnh thêm, việc sửa đổi nhằm đảm bảo tính độc lập chỉ tuân theo pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp. Nội dung này được thể hiện trên các phương diện mô hình, cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chức danh tư pháp và mối quan hệ công tác giữa các thiết chế viện kiểm sát, tòa án, cơ quan điều tra…
Một số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật về sự cần thiết phải quy định rõ nội dung, phạm vi chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp; về nhiệm vụ, thẩm quyền, các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của viện kiểm sát nhân dân trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ (các điều 2, 3, 4 và 5), trách nhiệm phối hợp của Cơ quan điều tra, Tòa án, Thi hành án đối với hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân… Việc quy định này tạo cơ sở pháp lý để quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của viện kiểm sát trong các đạo luật tố tụng. Nhiều ý kiến cũng cơ bản tán thành với dự thảo Luật về tổ chức 4 cấp viện kiểm sát nhân dân theo yêu cầu cải cách tư pháp (gồm viện kiểm sát nhân dân tối cao, viện kiểm sát nhân dân cấp cao, viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, viện kiểm sát nhân dân cấp huyện/khu vực); tổ chức bộ máy, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi cấp viện kiểm sát nhân dân, viện kiểm sát quân sự.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo tán thành với quy định Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục duy trì cơ chế Hội đồng tuyển chọn đa thành phần như hiện nay đối với Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đại biểu phân tích quy định này để đánh giá toàn diện về phẩm chất đạo đức và uy tín nghề nghiệp mà không cần thiết phải áp dụng hình thức thi tuyển, vì Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao là những cán bộ đầu ngành đã được thi tuyển, rèn luyện qua nhiều ngạch Kiểm sát viên. Đối với các ngạch Kiểm sát viên khác thì cần thiết phải kết hợp giữa hình thức Hội đồng tuyển chọn và thi tuyển để vừa đánh giá được tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, vừa lựa chọn được Kiểm sát viên có trình độ, năng lực, phù hợp với xu hướng tuyển chọn công chức hiện nay theo định hướng cải cách tư pháp; đồng thời bảo đảm tính thận trọng, khách quan, công bằng và sự giám sát của các cơ quan, tổ chức đối với công tác cán bộ của ngành Kiểm sát…
Thảo luận Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), nhiều ý kiến tán thành với quan điểm chỉ đạo việc soạn thảo dự án Luật. Các ý kiến cho rằng việc sửa đổi phải thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 quy định “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”; làm rõ hệ thống, cơ cấu, tổ chức của các Tòa án nhân dân nước và cơ cấu, tổ chức bộ máy trong từng Tòa án nhân dân cũng như cơ chế quản lý Tòa án nhân dân về tổ chức để bảo đảm tính độc lập của hoạt động xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Một số ý kiến tán thành việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực như Phương án 1 (Điều 32) của dự thảo Luật, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập về việc tổ chức Tòa án nhân dân cấp huyện hiện nay, tăng cường tính độc lập của Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực trong xét xử, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, tránh dàn trải, bình quân, lãng phí…
Có ý kiến tán thành với quy định chức danh Thẩm phán sẽ được chia theo 4 gạch, gồm: Thẩm phán tòa án nhân tối cao, Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp. Quy định này phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về cán bộ, công chức và các ngạch công chức. Đồng thời bảo đảm phân hóa đội ngũ Thẩm phán một cách rõ ràng về tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, năng lực nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác. Thẩm phán giữ ngạch càng cao thì tiêu chuẩn càng phải cao; phù hợp với cơ chế tuyển chọn khi được bổ nhiệm lần đầu hoặc nâng ngạch Thẩm phán và tổ chức Tòa án nhân dân 4 cấp.
Quỳnh Hoa