Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được nhiều cử tri quan tâm

Sáng 26/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Cử tri nhiều tỉnh, thành phố đang quan tâm theo dõi sát sao nội dung này.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Những tín hiệu đáng mừng 

Ông Phạm Đình Huỳnh - Phó trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long đánh giá cao khi dự luật có riêng một chương hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

Từ thực tiễn tại Quảng Ninh, theo ông Huỳnh, trong những năm qua, cùng với các chương trình bảo vệ, phát huy giá trị di sản, vấn đề bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm. Trong đó, hoạt động hợp tác quốc tế về môi trường ngày càng thu hút sự quan tâm của các tổ chức trong và ngoài nước, nhất là các hoạt động, lĩnh vực: Thu gom, xử lý chất thải trên vịnh Hạ Long, đánh giá tác động môi trường, kiểm soát ô nhiễm, bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường…

Đến nay, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường vịnh Hạ Long được mở rộng và tăng cường thông qua nhiều đối tác hợp tác song phương của tỉnh Quảng Ninh như Nhật Bản, Hàn Quốc… và các tổ chức quốc tế như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Cơ quan Hợp tác phát triển Hoa Kỳ (USAID), Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Trung tâm Di sản thế giới UNESCO, Trường Đại học Osaka Nhật Bản…

Kết quả của quan hệ hợp tác quốc tế thể hiện qua các dự án về bảo vệ môi trường được ký kết, tài trợ như: Dự án hỗ trợ xây dựng tuần hoàn tài nguyên có sự tham gia của người dân địa phương Hạ Long do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tài trợ 50 triệu yên; Dự án nâng cao nhận thức môi trường vịnh Hạ Long do Quỹ sáng kiến Darwin và Tập đoàn Dầu khí Santos (Australia) tài trợ 500.000 USD; Dự án “Sáng kiến Liên minh Hạ Long - Cát Bà” do Cơ quan Hợp tác phát triển Hoa Kỳ tài trợ 630.000 USD nhằm xây dựng liên minh hợp tác giữa các các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức và cộng đồng trong bảo vệ môi trường, bảo tồn bền vững các giá trị của vịnh Hạ Long; Dự án thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt thành phố Hạ Long bằng nguồn vốn vay ODA 154 triệu USD…

Theo Phó trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long, luật hóa việc hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường là những tín hiệu đáng mừng đối với công cuộc bảo vệ tài nguyên môi trường trong nước, góp phần tích cực trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long bền vững, lâu dài. Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường với các quốc gia, tổ chức quốc tế được thực hiện trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, đảm bảo lợi ích hợp pháp, tăng cường sức mạnh tổng hợp và nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của quốc gia.
 
Cần điều chỉnh sát hơn với thực tế

Ông Phạm Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Về cơ bản dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đủ cơ sở pháp lý để giải quyết những vấn đề môi trường đặt ra của giai đoạn phát triển mới; thống nhất, đồng bộ với pháp luật liên quan, tạo hành lang pháp lý đồng bộ về bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững. Đặc biệt, dự thảo Luật đã làm rõ, giải quyết các nội dung giao thoa, chưa thống nhất với các Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, Luật Quy hoạch, Luật Thủy lợi, Luật Xây dựng.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, cần làm rõ, bổ sung trách nhiệm của các Bộ trưởng các bộ liên quan như: Trách nhiệm của Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong rà soát và đưa ra lộ trình thắt chặt các quy chuẩn, tiêu chuẩn phát thải đối với các nhà máy nhiệt điện than và tiêu chuẩn không khí xung quanh, hay trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ này…

Ông Trần Đăng Thụy, Giám đốc Công ty Thiên Triều An (phường An Bình, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) cho rằng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung đối với những điều khoản, quy định của Luật bảo vệ môi trường hiện hành. Dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần được xây dựng với mục tiêu cao nhất đó là bảo vệ môi trường sống, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, của nhân dân được đặt lên hàng đầu. Thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm khói bụi, chất lượng môi trường không khí được các tổ chức trong và ngoài nước cảnh báo liên tục. Trên thực tế, những năm qua vấn đề bảo vệ môi trường không khí vẫn chưa được chúng ta coi trọng so với các chỉ tiêu khác như xả thải, ô nhiễm đất, nước… Do đó, ngoài những quy định cụ thể các tiêu chí về bảo vệ môi trường, dự án Luật này cần điều chỉnh đến các đối tượng, tác nhân gây ô nhiễm môi trường để từ đó có cơ sở áp dụng các chế tài về xử phạt, quy trách nhiệm rõ ràng hơn.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng quy chuẩn yêu cầu về xả thải trong chăn nuôi hiện nay là rất khó thực hiện. Để đầu tư một hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn tại các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ tạo thêm chi phí rất lớn cho người chăn nuôi.

Bà Võ Huệ Trang, chủ trang trại chăn nuôi lợn tại xã Gia Tân, huyện Thống Nhất (Đồng Nai), cho rằng có một số quy định trong Luật bảo vệ môi trường hiện hành còn nhiều bất cập cần được điều chỉnh. Đối với quy định xử lý nước thải trong chăn nuôi, Luật quy định phải đáp ứng quy chuẩn QCVN 62-MT:2016/BTNMT. Trong khi, để đạt được quy chuẩn này nghĩa là nguồn nước thải có thể sử dụng làm nước uống được. Quy định này thực tế rất khó khả thi đối với hoạt động chăn nuôi, đặc biệt đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vì đầu tư một hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn như quy định sẽ rất tốn kém, vượt ngoài khả năng của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Bà Trang cho rằng dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần điều chỉnh sát hơn với thực tế từng ngành, từng lĩnh vực hiện nay. Riêng trong quy định về xả thải trong chăn nuôi, cần nghiên cứu một cách phù hợp để vừa thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường vừa tạo điều kiện giúp người dân phát triển chăn nuôi.
 
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hy - Trung tâm Sinh thái và Môi trường quan tâm đến quy định về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường. Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hy, dự thảo Luật cần quy định điều tra đánh giá tác động đến môi trường có sự biến đổi, linh hoạt theo tình hình thực tế của vòng đời dự án, không nên quy định cứng nhắc vì những diễn biến môi trường luôn thay đổi theo thời gian.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hy cũng đề nghị cần quy định theo hướng thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường chỉ bao gồm những dự án đầu tư sử dụng diện tích đất, mặt nước lớn và có ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, hệ sinh thái, đa dạng sinh học và những dự án có phát sinh chất thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, dự thảo Luật cần đổi mới về phương thức, công cụ quản lý môi trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký thủ tục cấp phép; nên tích hợp nhiều nội dung cấp phép riêng lẻ vào giấy phép môi trường.

Về quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hy đề nghị dự thảo cần quy định về quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo hướng ngày càng nghiêm ngặt hơn để bảo vệ tốt hơn sức khỏe con người. Bởi đây cũng là xu hướng của thế giới; đặc biệt là cần tiêu chuẩn hóa cao hơn quy chuẩn kỹ thuật chất thải; quản lý chất thải.

PV TTXVN tại các địa phương
Tăng tính chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội
Tăng tính chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội

Sáng 26/5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN