Đưa đường lối của Đảng về công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào cuộc sống

Chiều 24/12, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020.

Chú thích ảnh
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: CTV

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp điểm cầu Trung ương kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu tỉnh ủy, thành ủy.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh dự và chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo hiểm Xã hội; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Thường trực tỉnh ủy, thành ủy, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đã nêu rõ kết quả nổi bật; đồng thời chỉ ra những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW; từ đó đưa ra các giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong giai đoạn tiếp theo.

Các đại biểu khẳng định: Việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020 là chủ trương đúng đắn, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng đi vào cuộc sống, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội một cách bền vững; ổn định chính trị, an ninh quốc phòng; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước.

Hệ thống chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tiếp tục được hoàn thiện; số người tham gia bảo hiểm xã hội đều tăng qua các năm; số người tham gia bảo hiểm y tế vượt mục tiêu đề ra. Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng. Chất lượng dịch vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từng bước được cải thiện. Công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được chú trọng và tăng cường...

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng: Diện bao phủ bảo hiểm xã hội thấp, chưa đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra và có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn thấp so với tiềm năng. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế chưa bền vững, chủ yếu do có sự hỗ trợ của Nhà nước. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa phù hợp với thực tiễn, chưa đồng bộ với các chính sách kinh tế - xã hội khác…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn, đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, công tác an sinh xã hội được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, trong đó bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là hai chính sách lớn, giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị, các cấp ủy đảng cơ quan, ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phù hợp với mọi đối tượng; gắn thực hiện có hiệu quả công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã được nêu tại văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng như các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phòng, chống đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, cần phân công cụ thể cơ quan chủ trì có trách nhiệm rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trong đó, đối với bảo hiểm xã hội thực hiện theo đúng tinh thần, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; đối với bảo hiểm y tế đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các luật có liên quan....

Các ban, bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà địa phương có lợi thế; nhân rộng điển hình, mô hình, cách làm hay trong phát triển kinh tế nhằm thu hút nhiều lao động, tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt lực lượng lao động phi chính thức, chưa có quan hệ lao động, chưa tham gia bảo hiểm xã hội. Cần coi đây là giải pháp quan trọng nhất hướng đến đối tượng dễ bị tổn thương nhằm gia tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế; tiếp tục đầu tư nâng cấp, tích hợp, khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế gắn với cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, dân cư, y tế, lao động- việc làm; tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và cán bộ, đảng viên theo chức trách, nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm của mình có hành động cụ thể, thiết thực để đưa đường lối của Đảng về công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào cuộc sống.

Phan Phương (TTXVN)
Từ năm 2022, đóng bảo hiểm xã hội bao nhiêu năm để có mức lương hưu tối đa?
Từ năm 2022, đóng bảo hiểm xã hội bao nhiêu năm để có mức lương hưu tối đa?

Bạn đọc hỏi: Từ năm 2022, đóng bảo hiểm xã hội bao nhiêu năm mới được hưởng lương hưu mức tối đa?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN