Sáng nay 18/4, các đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung về một số vấn đề mà dư luận đang quan tâm hiện nay như chế độ, chính sách với người có công, giải quyết việc làm cho thanh niên, việc quản lý các trung tâm cai nghiện trong cả nước...
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Lâm Thành chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đặt câu hỏi: Tình trạng học viên một số trung tâm cai nghiện trốn trại thời gian qua gây dư luận xấu. Nguyên nhân và giải pháp của Bộ ra sao?
Trả lời câu hỏi này của đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ đã họp với 21 tỉnh trọng điểm về ma túy về vấn đề này. Hiện nay cả nước có khoảng 210.000 người nghiện ma túy.
Đặc biệt, việc sử dụng ma túy đá dễ dẫn đến rối loạn tâm thân, ảo giác và có nhiều hành vi nghiêm trọng. Số liệu của ngành công an thì 60% các vụ án đều liên quan đến tội phạm ma túy, mà hầu hết rơi vào giới trẻ.
Hiện cả nước có khoảng 60.000 người nghiện đang được cai nghiện ở các cơ sở cai nghiện ma túy. Cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa án khoảng 17.488 học viên, trong đó trên 10.000 học viên không có nới cư trú, ngoài ra có các cơ sở cai ngiện tự nguyên, cai nghiện cộng đồng (3.566 người).
Theo Bộ trưởng Dung, thời gian qua đã có tình trạng các học viên tại một số cơ sở cai nghiện ma túy tập trung trốn ra ngoài, thậm chí đập phá cơ sở. Gần đây là ở Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, trước đó là Hải Phòng.
Giải thích nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng cho rằng, việc đưa vào trại cai nghiện tập trung là điều không mong muốn vì các học viên này đã qua quá trình cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng. Các em vào trại cai nghiện chủ yếu là do gia đình ép buộc chứ không phải bản thân hoàn toàn tự nguyện.
Bộ trưởng cũng thừa nhận, việc đưa các đối tượng đi cai nghiện cũng được thực hiện không đúng tin thần của Quốc hội, không đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. “Có hiện tượng nhiều địa phương do muốn trong sạch địa bàn đã tìm cách đưa tất cả các đối tượng cứ bị nghiện, cứ sử dụng ma túy vào cơ sở cai nghiện. Lẽ ra phải phân biệt người sử dụng, người nghiện và người lạm dụng, thậm chí phải phân biệt cả người có nơi cư trú và không có nơi cư trú”, Bộ trưởng cho biết.
Điều này đã dẫn đến tình trạng quá tải ở những cơ sở cai nghiện. Chẳng hạn, ở Đồng Nai, cơ sở cai nghiện chỉ có thể tiếp nhận khoảng 500-600 học viên nhưng lại đưa tới trên 1.400 học viên vào đây, trong khi cơ sở vật chất, điều kiện ăn ở không đảm bảo.
Trong quá trình cai nghiện tự nguyện bắt buộc, phải phải phân biệt giai đoạn ban đầu, cai bắt buộc và và sau cai. Nhưng do cơ sở vật chất như vậy nên dẫn đến việc những người nghiện ở giai đoạn ban đầu còn đang trong quá trình xác định xem có phải thực hiện cai nghiện bắt buộc hay không ở chung với người đang trong diện cai nghiện bắt buộc. Việc này dẫn đến lôi kéo nhau, tác động lẫn nhau.
Nguyên nhân rất quan trọng nữa theo Bộ trưởng là hầu như ở những cơ sở cai nghiện này có 35-45% đối tượng có tiền án tiền sự, số này tâm lý thường thường quá khích, thậm chí xúi giục các học viên khác.
Trong khi đó, nếu có phá trại vượt ra ngoài, chế tài của chúng ta cũng không có gì ngoài việc cơ sở có trách nhiệm vận động, thuyết phục và đưa trở lại. “Sau việc của Đồng Nai, tiếp đến là Vũng Tàu, tôi có hỏi các em ở Vũng Tàu tại sao như vậy, các em trả lời: nếu các em có ra mà bị bắt lại thì cũng ở trại thôi, có sợ gì đâu”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn chứng.
Chưa kể, hiện nay, đội ngũ cán bộ ở cơ sở cai nghiện mỏng. Hiện cứ một cán bộ phục vụ 10 học viên, một gia đình phục vụ một người nghiện đã khó khăn, ở đây là 10 thì rất khó khăn. Tại Đồng Nai, Tỉnh ủy đã cho phép tăng cường thêm cán bộ, nhưng trong suốt thời gian qua việc đăng tuyển rất khó khăn, bởi lương hiện chỉ 2 triệu đồng. Cán bộ cơ sở cai nghiện không được trang bị công cụ, vũ khí gì để đảm bảo an nình cho chính mình, trong khi đó các đối tượng này chỉ tìm cách tìm trọc tức cán bộ để tạo cớ gây chuyện...
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trước thực trạng này, cần có các giải pháp để giải quyết tình trạng này như: Cần nâng cao nhận thức về tội phạm ma túy và hậu quả nghiêm trọng, xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, toàn dan chung tay phòng chống ma túy. Tập trung thực hiện "3 giảm": giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, nhất là sửa đổi Luật phòng chống ma túy, ... Cấp đầy đủ kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác đấu tranh, phòng chống ma túy, cai nghiện ma túy, đảm bảo quyền tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ...