Sau hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng tại đường ngang qua đường sắt thời gian qua, việc xác định rõ trách nhiệm cụ thể của địa phương, bộ, ngành trong Luật Đường sắt (sửa đổi) được đặt ra tại phiên họp sáng 15/3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều vụ tai nạn tại đường ngang dân sinh qua đường sắt. Điều này một phần là do đường ngang dân sinh quan đường sắt được mở trái phép quá nhiều.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện có 5.726 đường ngang và lối đi dân sinh, trong đó 1.511 đường ngang hợp pháp, hơn 4.200 đường ngang dân sinh mở trái phép. Các đường ngang dân sinh trái phép hầu hết không có biển cảnh báo, không nằm trong quy hoạch.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Trước thực trạng này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi, trách nhiệm thuộc về cơ quan nào, có gì vướng do luật hay do quản lý nhà nước?. Luật Đường sắt (sửa đổi) có giải quyết dứt điểm được vấn đề này không, để tránh tình trạng liên tục xảy ra các vụ tai nạn thời gian qua?.
Giải trình vấn đề này tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết, trước thực trạng này, Tổng công ty đường sắt Việt Nam cùng Bộ và các địa phương rà soát, nhất là những “điểm đen” về tai nạn.
“Trước mắt, giải pháp là cho người gác tạm thời để cảnh báo cho người dân vì hiện nay có hơn 4.200 đường ngang trái phép nên không thể lắp đặt cảnh báo. Đồng thời, yêu cầu địa phương xóa bỏ đường ngang và làm đường gom vào các vị trí có đường ngang để có thể lắp biển báo tự động”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa thông tin.
Cùng với đưa ra yêu cầu về xử lý đường ngang dân sinh trái phép, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý phải lưu ý đến nhu cầu thực tế của người dân. “Những nơi thực sự có nhu cầu thì Nhà nước phải tính đến kế hoạch đầu tư, chẳng hạn làm hầm chui chứ không thể chỉ có rào chắn. Không thể để dân chết thì mặc dân”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, Điều 48 dự thảo luật hiện quy định rất chung chung: “Chính phủ quy định trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp về đảm bảo trật tự, an ninh, an toàn giao thông đường sắt". Bà Nga đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cần thống kê xem 5 năm qua có bao nhiêu vụ tai nạn xảy ra tại giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; những vụ lớn ở nút giao cắt nào, thuộc trách nhiệm của ai, đã xử lý được những tổ chức, cá nhân nào. Từ đó rà soát lại các Điều 9, 17, 24, 48... để thấy được nên quy định vấn đề gì trong các điều luật.
Về trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương khi để xảy ra tình trạng trên, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, việc xảy ra nhiều tai nạn thảm khốc tại khu vực đường ngang dân sinh qua đường sắt, theo quy định thì trách nhiệm thuộc về Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty đường sắt Việt Nam... Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đang tập trung giải quyết tình trạng này.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trách nhiệm này còn thuộc cả về các địa phương. Thời gian qua, đường ngang dân sinh qua đường sắt được mở một cách tùy tiện, nhiều địa phương không nắm được. “Chiều mai, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia họp sẽ nêu vấn đề này, khẳng định trách nhiệm của địa phương trong quản lý đường ngang dân sinh. Chúng tôi cũng rất mong ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội là trong Luật đường sắt (sửa đổi) này phải thể hiện rõ trách nhiệm của địa phương”, Bộ trưởng Nghĩa đề xuất.