Với nhiều nội dung quan trọng đưa ra tại kỳ họp, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần SHINEC (Hải Phòng) quan tâm đến nội dung Quốc hội xem xét, phê chuẩn gồm: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Đây sẽ là bước đánh dấu quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, là tiền đề quan trọng tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu; xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch.
Theo ông Phạm Hồng Điệp, việc phê chuẩn các điều ước quốc tế này là phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế, lao động và xã hội. Hiệp định EVFTA, Hiệp định EVIPA được khởi động và kết thúc đàm phán trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam - EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.
Khi đi vào thực tế, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp cho chúng ta đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn, đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định EVIPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch. Từ đó, Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn đến từ EU và các nước khác. Về mặt chiến lược, việc đàm phán và thực thi các Hiệp định này cũng gửi đi một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị đang có những diễn biến phức tạp và khó đoán định.
Ông Phạm Hồng Điệp cho rằng, khi Quốc hội xem xét, phê chuẩn 3 điều ước quốc tế gồm: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức sẽ có tác động tích cực với nền kinh tế Việt Nam.
Trước hết, cam kết mở rộng thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản... rất đáng kể. Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay...
Ngoài ra, những cam kết về dịch vụ, đầu tư mua sắm Chính phủ cũng như những quy định cụ thể về mở của thị trường và biện pháp kỹ thuật trong một số lĩnh vực cụ thể sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU tiếp cận được thuận lợi hơn thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam; đồng thời giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao từ EU trong các lĩnh vực như dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạ tầng và giao thông công cộng.
Bên cạnh đó, những cam kết về quản trị Nhà nước sẽ đảm bảo một môi trường kinh doanh và pháp lý ổn định, thông thoáng cho nhà đầu tư của cả hai bên nói chung và các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ EU nói riêng. Thông qua EVFTA và EVIPA, nhà đầu tư EU cũng sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường các nước đã ký FTA với Việt Nam với những đối xử ưu đãi hơn. Hiệp định này cũng giúp thúc đẩy quan hệ giữa EU với từng nước ASEAN nói riêng và cả khối ASEAN nói chung tạo tiền đề hướng tới việc thảo luận một Hiệp định FTA giữa EU và ASEAN trong tương lai.
Vẫn theo ông Phạm Hồng Điệp, thành phố Hải Phòng đang vươn lên đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghiệp và cảng biển, du lịch, Logistics. Đây sẽ là một cơ hội rất lớn để đón luồng đầu tư, kinh doanh thương mại từ EU vào Hải Phòng cũng như các tỉnh phía Bắc Việt Nam...
Tuy nhiên, một việc tối quan trọng là thành phố cần cải cách hành chính nhanh chóng, với chuỗi cung ứng hành chính công đơn giản, gọn nhẹ, tiện ích phù hợp với Hiệp định EVFTA và EVIPA khi được Quốc hội thông qua, sẽ thu hút mạnh mẽ nguồn lực từ bên trong nội địa và nguồn lực từ bên ngoài vào thành phố để mang lại cho Hải Phòng trở thành cực tăng trưởng theo đúng nghĩa của tam giác phát triển tại khu vực phía Bắc Việt Nam, thực hiện thành công Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".