Công nhân Công ty Truyền tải Điện 4 tăng cường kiểm tra kỹ thuật, phòng ngừa sự cố lưới điện. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN |
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Đợt nắng nóng vừa qua, ngành điện đã đáp ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng, đây là nỗ lực rất lớn; trong đó có vai trò qua trọng của EVN. Đặc biệt, thực hiện tốt việc công khai minh bạch trong sản xuất kinh doanh trong thời gian qua.
Thứ trưởng cũng nêu vấn đề việc tăng giá bán than trong nước cho sản xuất điện và cập nhật các thông số đầu vào như giá than nhập khẩu, giá dầu, giá khí, tỷ giá so với các thông số đã tính toán kế hoạch đầu năm khiến chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN trong năm 2017 tăng thêm khoảng 7.230 tỷ đồng sẽ ảnh hưởng đến thì giá bán điện sẽ như thế nào ?
Đánh giá về hiệu quả đầu tư, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng ngay từ khi thực hiện dự án, Tập đoàn cần kiểm soát chặt chẽ các chi phí, kể cả việc lựa chọn công nghệ, phương thức mua sắm thiết bị để đảm bảo các dư án đầu tư được thực hiện hiệu quả.
Đại diện cho Bộ Tài chính, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, cơ chế giá điện hiện nay đang đi ngược với mục tiêu, bằng khoảng 7,3 cent/kWh, trong khi giá điện của các nước trong khu vực từ 18 - 22 cent/kWh. Cơ chế tài chính giá là vấn đề then chốt có tính quyết định đến thu hút đầu tư.
“Ngoài việc người nghèo được hưởng ưu đãi giá điện, chúng ta không bỏ được bao cấp tràn lan trong giá điện, vì vậy phải tiết kiệm và công khai minh bạch để chi phí sản xuất kinh doanh điện không còn liên quan đến phúc lợi. Trong khi đó, ngành điện hiện nay còn chưa giải quyết xong nợ vay của 10 năm trước. Các dự án điện sử dụng than trong nước phải mua than với giá thấp hơn giá nhập khẩu thì mới cạnh tranh”, Thứ trưởng Bộ Tài chính đề cập.
Về phía Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cũng cho rằng qua những vấn đề mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo lần trước thì EVN đã có kế hoạch và giải pháp thực hiện ngay. Việc này thể hiện sự nghiêm túc và có trách nhiệm của Tập đoàn đối với nền kinh tế.
“Những con số sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm nay của EVN đã nói lên điều đó. Nếu trước năm 2010, tổn thất điện năng trên 10% thì nay Tập đoàn đã phấn đấu giảm xuống 7,47%, bằng với Thái Lan và Malaysia, thấp hơn Indonesia và Philippines. Đặc biệt đến thời điểm hiện nay, số hộ nông thôn trong cả nước được sử dụng điện đạt đến 98,69% là một nỗ lưc rất lớn của ngành điện nói chung và EVN nói riêng”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nhận xét.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng hiệu quả sản xuất kinh doanh của EVN còn chưa cao; Cần phải áp dụng công nghệ cao để giảm bớt chi phí sản xuất kinh doanh của ngành. Hiện nay, cái vướng của Tập đoàn là nguồn nhân lực chất lượng cao nên cần đề xuất các cơ chế để thu hút nhân tài.
Chủ tịch EVN, ông Dương Quang Thành cho biết, EVN cam kết đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng còn lại của năm 2017 với mức tăng trưởng trên 13,4% để đạt chỉ tiêu tăng trưởng điện cả năm là 11,5%.
Chủ tịch EVN cho biết, hiện chỉ tiêu tiếp cận điện năng từ 2013 đến nay đã nâng lên 60 bậc. EVN đang phấn đấu nâng cao năng lưc cạnh tranh lên top 4 của các nước trong khu vực. EVN đã thuê tư vấn độc lập để đánh giá độ hài lòng của các doanh nghiệp đối với việc cung ứng điện.
EVN cũng đang triển khai Đề án nâng cao năng suất lao động; áp dụng công nghệ mới vào nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh như trạm biến áp không người trực, trang bị đồng hồ đo đếm từ xa, giảm bớt lao động thủ công…
Thay mặt Tổ công tác của Chính phủ, ông Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ phó Tổ công tác kết luận thời gian qua, EVN đang đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, với chất lượng và dịch vụ tốt.
Về thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (153 nhiệm vụ), Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng EVN đã hoàn thành trước hạn 84,3% nhiệm vụ, còn 24 nhiệm vụ đang thực hiện, chiếm 15,7%; trong đó những nhiệm vụ liên quan đến thực hiện Chỉ thị/Công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì EVN cần thực hiện sớm, bảo đảm đúng hạn.
Đoàn công tác cũng lưu ý EVN cần quan tâm đến vấn đề cung ứng điện, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng điện là 11,5%. Đồng thời huy động tối ưu các nhà máy trong hệ thống để cung cấp điện trong mùa khô này, mặt khác chuẩn bị tích nước cho mùa khô năm tới.
Về đầu tư, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị EVN triển khai hiệu quả các dự án nguồn và lưới điện, bố trí đủ vốn; kiểm soát, giám sát chặt chẽ các chi phí đầu tư, quản lý tốt dự án để đảm bảo hiệu quả đầu tư, xử lý ngay những vướng mắc về giải phóng mặt bằng.
Tổ công tác cũng đề nghị EVN tiếp tục giảm chi phí trong sản xuất kinh doanh; đảm bảo an toàn cho vùng hạ du đối với các nhà máy thủy điện; đảm bảo môi trường đối với các nhà máy nhiệt điện.
Về việc mua than cho sản xuất điện, Tổ công tác đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam tiêu thụ 2 triệu tấn than theo giá thị trường.
“Đây là một trong những giải pháp giúp Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đặng Hoàng An, Tổng Giám đốc EVN cho biết, EVN đã tổ chức triển khai nghiêm túc 100% các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, từ Tập đoàn tới các đơn vị liên quan và thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện. Trong quá trình thực hiện đã kịp thời báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành các vướng mắc để xin ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ.