Tổng hợp COVID-19 tuần từ 10-17/10:

Gần 21,8 nghìn tỷ đồng tiền hỗ trợ đã đến tay 24,2 triệu lượt người gặp khó khăn; nhiều địa phương chưa công bố cấp độ dịch COVID-19

Triển khai thực hiện Nghị quyết /NQ-CP, Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19; Nghị quyết 116/NQ-CP về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, tính đến ngày 14/10, cả nước có 24,26 triệu lượt đối tượng được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết /NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg với tổng kinh phí gần 21,89 nghìn tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Đại diện Tổ Công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm, tặng quà cho bà con nhân dân và người lao động từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận tự trở về quê hiện đang được tiếp nhận, cách ly tạm thời tại Trường tiểu học Chu Văn An, phường Mỹ Xuyên, thành phố Long Xuyên, An Giang. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Theo Bộ Y tế, tính từ 17 giờ ngày 16/10 đến 17 giờ ngày 17/10, Việt Nam ghi nhận 3.193 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tại 48 tỉnh, thành phố. Trong số các ca nhiễm mới có 18 ca nhập cảnh và 3.175 ca ghi nhận trong nước (giảm 36 ca so với ngày trước đó) tại 48 tỉnh, thành phố (có 1.339 ca trong cộng đồng).

Cả nước có 24,26 triệu lượt đối tượng được nhận hỗ trợ

Nhấn mạnh Nghị quyết /NQ-CP đã được sửa rất căn bản, trong đó Chính phủ sẽ sửa Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đi kèm để đảm bảo việc triển khai chính sách thông thoáng nhất, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung lưu ý: Nghị quyết 116/NQ-CP bước vào giai đoạn rất quan trọng, yêu cầu các địa phương tập trung để thực hiện trên toàn tuyến. Đồng thời, các địa phương cần quan tâm tới việc giám sát, đôn đốc, rút kinh nghiệm trong việc triển khai chính sách.

"Từ Nghị quyết 42 tới Nghị quyết , Nghị quyết 116, các chính sách đều thể hiện tinh thần nhân văn, thể hiện sự chung sức chung lòng để chăm lo cho người lao động, chia sẻ với người lao động để vượt qua đại dịch”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.  

Chính phủ đang xây dựng chương trình phục hồi nền kinh tế và xây dựng chương trình khôi phục thị trường lao động là một bộ phận cấu thành của chương trình này. Đề án xây dựng kế hoạch phục hồi thị trường lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có khớp nối với chương trình chung của Chính phủ. Trong đó, kế hoạch của ngành lao động hướng mạnh vào 3 việc: Giữ chân người lao động; thu hút người lao động đã về quê quay trở lại; đào tạo, phát triển thêm lực lượng lao động bổ sung cho những lĩnh vực, ngành nghề, khu vực có nhu cầu rất cao cho khôi phục phát triển kinh tế.  Vấn đề thời sự, cấp bách cần tập trung giải quyết lúc này, theo ông Đào Ngọc Dung là thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là ở khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.

"Hà Nội và các tỉnh thành từ Đà Nẵng trở ra phía Bắc thì không đáng ngại lắm nhưng từ Đà Nẵng trở vào, các đầu tàu kinh tế như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bình Phước, Tây Ninh… rõ ràng rất đáng ngại", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

"Nếu để đứt gãy thị trường lao động thì tốn kém rất nhiều, hệ quả phải khắc phục nặng hơn rất nhiều lần. Nhưng thực tế vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn duy trì trả lương để giữ chân công nhân", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, tính đến ngày 14/10, cả nước có 24,26 triệu lượt đối tượng được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết /NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg với tổng kinh phí gần 21,89 nghìn tỷ đồng. Quá trình triển khai nghị quyết và quyết định, có một số quy định chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết /NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời, Bộ đang dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Đối với việc triển khai Nghị quyết 116 và Quyết định số 28 về việc hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy: Đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 428.894 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 111.212 người đã dừng tham gia với tổng số tiền hỗ trợ là 1.251 tỷ đồng. Tổng số tiền đã chi trả là 999,5 tỷ đồng cho 425.117 người lao động.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế đi từng nhà để lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân xã Quang Trung, Thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

"Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”

Ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Theo đó, toàn quốc tạm thời không áp dụng Chỉ thị 15, 16, 19; nhiều hoạt động, cơ sở kinh doanh được mở cửa trở lại. Nghị quyết 128/NQ-CP quy định phân loại cấp độ dịch theo 4 cấp: Cấp 1 - nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2 - nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3 - nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4 - nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ. Căn cứ quy định của Chính phủ, nhiều tỉnh, thành phố đã xác định cấp độ dịch, một số nơi ra quy định mới về phòng, chống dịch COVID-19.  

Các tỉnh, thành phố “vùng xanh” - cấp độ 1

Theo ông Bùi Tiến Thanh, Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Lai Châu, tỉnh thuộc “vùng xanh” do chưa có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện tỉnh Lai Châu thực hiện đúng quy định của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, để giữ “vùng xanh”, Lai Châu quy định thực hiện thêm gồm: F0 không điều trị tại nhà mà đưa đi điều trị đặc biệt tại cơ sở y tế; những người có biểu hiện sốt, ho được cách ly và thăm khám, xét nghiệm để điều trị.

Về vận tải hành khách, Lai Châu cho phép thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô các tuyến: Lai Châu đi tỉnh Lào Cai, Yên Bái và ngược lại có tần suất khai thác 50% số chuyến theo lưu lượng đã được công bố; tuyến vận tải hành khách Lai Châu đi Điện Biên khai thác 7 chuyến/ngày; tuyến Lai Châu - Thái Nguyên và Lai Châu - Sơn La khai thác 1 chuyến/ngày. Các phương tiện được phép chở theo thiết kế.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Cao Bằng xác định, địa phương thuộc cấp độ 1 - nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh cũng xác định, tình hình dịch bệnh đã có những chuyển biến tốt, do đó sẽ nới lỏng dần các quy định phòng, chống dịch, tuy nhiên vẫn phải thực hiện nghiêm theo nguyên tắc 5K. Tỉnh sẽ bỏ quy định cần có giấy xét nghiệm âm tính đối với các công dân từ tỉnh khác về Cao Bằng, tuy nhiên vẫn kiểm soát và cần có xét nghiệm âm tính đối với người trở về từ các tỉnh thuộc cấp độ 3, 4. Hiện Cao Bằng đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch thấp hơn các quy định của Chính phủ, người dân trong tỉnh đi lại, sản xuất sinh hoạt gần như bình thường.

Bắc Ninh, Bắc Giang là tâm dịch của cả nước trong đợt dịch thứ 3, hiện nay hai địa phương này đã kiểm soát tốt dịch và được xác định “vùng xanh” (cấp độ 1).

Một số tỉnh, thành khác xác định dịch ở cấp độ 1 - vùng “bình thường mới” gồm: Bắc Kạn, Điện Biên, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Bến Tre. Riêng tỉnh Quảng Ngãi có quy định ở mức độ cao hơn đối với quy định của Chính phủ. Tỉnh yêu cầu người từ vùng có dịch (vùng đỏ) đã tiêm đủ 2 mũi vaccine (có thẻ xanh sau 14 ngày) vẫn phải cách ly tại nhà 7 ngày (khác với Chính phủ chỉ tự theo dõi sức khỏe tại nhà).

Chú thích ảnh
 Đến nay, đã có 198.900 công nhân, người lao động của tỉnh Tiền Giang đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, trong đó tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 74,7%, mũi 2 đạt 22,3%. Ảnh: Hữu Chí/TTXVN

Nhóm tỉnh, thành phố xác định mức độ nguy cơ trung bình - cấp độ 2

Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 tại cộng đồng, đến nay sau 4 đợt dịch, tỉnh áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở cấp độ 2 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ. Vĩnh Phúc quy định, khách ngoài tỉnh ở vùng có dịch cấp độ 1, 2 đến Vĩnh Phúc phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc Giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm vào tỉnh (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19).

Khách du lịch phải có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-COV-2 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên hoặc Realtime-RT-PCR (trong vòng 7 ngày kể từ thời điểm lấy mẫu). Thành phố Đà Nẵng đã qua 14 ngày không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Căn cứ Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, tạm thời xác định cấp độ dịch đối với 56/56 phường, xã trên toàn địa bàn thành phố Đà Nẵng ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) để áp dụng một số biện pháp tương ứng.

Thành phố cho phép các bảo tàng, triển lãm, rạp chiếu phim, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí… được mở cửa trở lại với các điều kiện và biện pháp phòng, chống dịch. Để mở cửa trở lại, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp phải có thiết bị kiểm soát mã QR nhằm quản lý thông tin người tham gia các hoạt động. Đà Nẵng thống nhất tổ chức cho học sinh phổ thông trên địa bàn xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, đi học từ ngày 18/10/2021 theo kế hoạch; học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn đi học từ ngày 25/10/2021. Đối với các cấp học khác trên địa bàn toàn thành phố về cơ bản đi học lại từ ngày 1/11/2021.

Đà Nẵng chưa tổ chức điều trị tại nhà với người mắc COVID-19 do cơ sở điều trị của thành phố đủ khả năng để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại các bệnh viện. Tại Quảng Trị, để thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình hiện nay, tỉnh cũng áp dụng theo cấp độ dịch cấp 2 theo Nghị quyết 128/NQ-CP.

Theo đề xuất của Sở Y tế, để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch theo cấp độ dịch cấp 2, tỉnh sẽ bổ sung một số điều kiện về tiêm chủng và xét nghiệm trong một số hoạt động có nguy cơ cao như: Hoạt động kinh doanh, buôn bán tại chợ; hoạt động làm việc, hội họp, tập huấn, hội thảo, làm việc trong phân xưởng; cơ sở khách sạn, lưu trú; hoạt động cắt tóc, gội đầu, massage, karaoke; hoạt động giao nhận hàng thuộc các đơn vị cung ứng hàng hoá và giao hàng công nghệ... phải được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19 sau 14 ngày.

Đồng thời, tỉnh đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, ưu tiên tiêm cho người từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền, người có thai và chuẩn bị tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi khi được Bộ Y tế phân bổ vaccine phù hợp. UBND huyện, thị xã, thành phố thường xuyên đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn theo xã, phường, thị trấn để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng Nghị quyết 128/NQ-CP; cung cấp dữ liệu và cập nhật trên bản đồ dịch tễ của tỉnh.

Tỉnh Vĩnh Long xác định mức độ dịch là cấp 2 (nguy cơ trung bình). Có 5 biện pháp được tỉnh áp dụng với các điều kiện bổ sung, gồm: Các sự kiện tập trung trên 20 người được tổ chức phải do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định; duy trì chốt kiểm soát của tỉnh, huyện, xã giáp các tỉnh lân cận và giáp địa bàn "nguy cơ cao", "nguy cơ rất cao"; người dân hạn chế ra đường khi không cần thiết trong khoảng thời gian từ 21 giờ ngày hôm trước đến 4 giờ ngày hôm sau; người dân ra, vào tỉnh và người dân từ tỉnh ngoài đến Vĩnh Long phải thực hiện cách ly theo quy định; quy định về người tham gia thực hiện các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhà đầu tư, muốn đến làm việc, đầu tư tại tỉnh.

Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, việc triển khai các giải pháp này phù hợp với tình hình thực tế trong công tác phòng, chống dịch của tỉnh và không trái với các quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân. Ngoài ra, các tỉnh Phú Thọ, Hà Tĩnh, Long An cũng xác định mức độ dịch là cấp 2 (nguy cơ trung bình).

Chú thích ảnh
Người dân ở Hà Tĩnh và Gia Lai tại Đồng Nai đang tập trung về một địa điểm để được Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines hỗ trợ đưa đón miễn phí. Ảnh: TTXVN phát

Nhóm tỉnh, thành phố chưa công bố cấp độ dịch

Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố phân tích dữ liệu về các ca bệnh, đánh giá kỹ nguy cơ lây nhiễm để xác định, công bố mức độ dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp tương ứng một cách hiệu quả. Hiện nay, thành phố Phủ Lý đã xác định cấp độ dịch đối với tất cả 21 phường, xã thuộc địa bàn là cấp 2 (nguy cơ trung bình). Mặc dù chưa công bố mức độ dịch nhưng hiện nay quy định về kiểm soát người và lái xe đi, về qua chốt kiểm dịch của Lào Cai có mức độ cao hơn quy định của Chính phủ do đặc thù địa phương có khu vực cửa khẩu, khu công nghiệp.

Theo đó, Lào Cai yêu cầu người đi về từ “vùng đỏ” hoặc “vùng cam” vẫn phải làm xét nghiệm, chỉ miễn xét nghiệm cho người trở về từ “vùng xanh”, “vùng vàng” (chỉ cần khai báo y tế). Bên cạnh đó, vì lái xe tải là đối tượng có nguy cơ cao nên Lào Cai quy định khi qua các chốt vẫn phải có xét nghiệm khẳng định còn hiệu lực.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế chưa công bố cấp độ dịch của địa phương này. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành hướng dẫn một số biện pháp y tế đối với người đến, trở về địa phương từ các tỉnh, thành phố dựa trên quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của Chính phủ. Các hướng dẫn tạm thời này được áp dụng từ 0 giờ ngày 16/10/2021. Theo đó, Thừa Thiên-Huế áp dụng đối với cá nhân từ “vùng vàng” có mức độ cao hơn so với hướng dẫn của Chính phủ tùy theo số liều được tiêm chủng hoặc công dân được công bố khỏi bệnh hay chưa.

Cụ thể, người đến, trở về từ các địa phương cấp độ 2 (vùng vàng) sẽ phải giám sát y tế tại nơi cư trú, lưu trú 7 ngày và xét nghiệm sàng lọc theo kế hoạch của cơ quan y tế. Trong khi đó, theo quy định tạm thời của Chính phủ, việc đi lại của người dân đến từ “vùng vàng” không bị hạn chế biện pháp y tế.

Tỉnh Kon Tum không công bố cấp độ dịch bệnh cụ thể của địa phương, song tỉnh đang áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch cao hơn so với hướng dẫn của Chính phủ. Theo đó, đối với việc đi lại của người dân từ các tỉnh khác về địa bàn tỉnh Kon Tum, Sở Y tế liên tục cập nhật địa bàn cách ly y tế; trong đó phân loại rõ người dân ở hoặc về từ các địa bàn có ca dương tính (khoanh vùng theo phường, khu phố) phải thực hiện cách ly tập trung; người ở hoặc về từ các khu vực lân cận địa bàn có ca dương tính phải thực hiện cách ly tại nhà. Đối với việc điều trị bệnh nhân COVID-19, tỉnh Kon Tum áp dụng điều trị toàn bộ các ca bệnh tại các khu cách ly tập trung, chưa thực hiện điều trị tại nhà.

Tại tâm dịch Bình Dương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đang xem xét quyết định các tiêu chí phân loại và cấp độ dịch linh hoạt với diễn biến dịch, độ bao phủ vaccine. Từ đó, Bình Dương có cơ sở để cho phép các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giáo dục được hoạt động trở lại. Đến nay, tỉnh đang duy trì trạng thái “bình thường mới” trong điều kiện thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch trên địa bàn. Đáng chú ý, hiện nay các chốt kiểm soát lưu thông ở cửa ngõ ra, vào tỉnh Bình Dương vẫn kiểm tra giấy xét nghiệm của người dân khi lưu thông vào địa bàn.

Riêng tỉnh Khánh Hòa không xác định cấp độ dịch ở phạm vi toàn tỉnh, cấp huyện mà xác định cấp độ dịch theo cấp thôn, tổ dân phố để áp dụng linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch và nới lỏng giãn cách xã hội có lộ trình, tương ứng với từng cấp độ nguy cơ ở thôn, tổ dân phố.

Hà Nội ở cấp độ 1 trong phòng, chống dịch COVID-19  

Đó là kết quả đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 (tiêu chí 1 và 2) của thành phố Hà Nội vừa được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố báo cáo.

Chú thích ảnh
Phố Đình Ngang, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm bị phong tỏa. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Thực hiện Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế về việc Ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn thành phố với các tiêu chí 1 (về tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng/dân số/thời gian); tiêu chí 2 (về độ bao phủ vaccine), kết quả cụ thể như sau:

Đánh giá cấp độ dịch xã/phường: Các phường, xã có bệnh nhân trong cộng đồng 2 tuần gần đây gồm: Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) và La Khê (quận Hà Đông). Trong đó, tại phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm có 1 ca mắc COVID-19 ghi nhận tại cộng đồng trong 2 tuần qua/dân số 5.716 người. Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần là 9 người (mức 1).  

Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19 đạt 95%. Như vậy đánh giá cấp độ dịch thuộc cấp độ 1  

Tại phường La Khê, quận Hà Đông, số ca mắc COVID-19 ghi nhận tại cộng đồng trong 2 tuần qua là 3 ca/dân số 39.335 người. Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần là 4 ca (mức 1).

Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19 đạt 98%. Đánh giá cấp độ dịch thuộc cấp độ 1.  

Đánh giá chung, 579/579 xã, phường trên địa bàn thành phố đều ở cấp độ 1.  Đánh giá cấp độ dịch quận, huyện tại 30/30 quận, huyện đều ở cấp độ 1.

Đánh giá cấp độ dịch toàn thành phố về số ca mắc ghi nhận tại cộng đồng trong 2 tuần qua là 4 ca/ dân số 8.367.300 người. Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần bằng 0,025 (mức 1). Ngoài ra, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19 đạt 98%.

Như vậy, đánh giá cấp độ dịch thành phố Hà Nội thuộc cấp độ 1, tức nguy cơ thấp (bình thường mới), tương ứng với màu xanh.

Đề xuất chính sách hỗ trợ trẻ mồ côi do dịch COVID-19

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công văn số 75/VPCP-KGVX đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương rà soát số lượng trẻ em mồ côi do dịch COVID-19 và đề xuất giải pháp trong thời gian tới để không trẻ mồ côi nào thiếu sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ và có các chính sách toàn diện, lâu dài, phù hợp, hỗ trợ tốt nhất cho trẻ mồ côi do đại dịch COVID-19.

Công văn gửi Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, nêu rõ: Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam với biến chủng Delta lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân, nhất là các hộ gia đình khiến hàng trăm trẻ em rơi vào hoàn cảnh mồ côi, mất đi sự yêu thương, quan tâm chăm sóc của gia đình và người thân. Các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã chủ động hỗ trợ, quan tâm, chăm sóc, chia sẻ, động viên để các cháu vượt qua khó khăn trước mắt.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương rà soát số lượng trẻ em mồ côi (cha hoặc mẹ, hoặc cả cha và mẹ) do dịch COVID-19 và đề xuất giải pháp trong thời gian tới để không trẻ mồ côi nào thiếu sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ và có các chính sách toàn diện, lâu dài, phù hợp, hỗ trợ tốt nhất cho trẻ mồ côi do đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
V.T/Báo Tin tức
Thanh Hóa: 18 ca mắc COVID-19 liên quan đến ổ dịch ở thị xã Bỉm Sơn
Thanh Hóa: 18 ca mắc COVID-19 liên quan đến ổ dịch ở thị xã Bỉm Sơn

Chiều 17/10, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 25 bệnh nhân mắc COVID-19 mới, trong đó 18 ca bệnh liên quan đến ổ dịch thị xã Bỉm Sơn. Đáng lưu ý, các ca bệnh bắt đầu có dấu hiệu lan ra các địa phương khác trong tỉnh. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN