Tình cảm mật thiết, gắn kết Tổ quốc với kiều bào, kiều bào với Tổ quốc càng được khẳng định rõ nét và kịp thời sau 2 năm triển khai Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới (Kết luận số 12).
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN thực hiệm chùm 2 bài viết: "Gắn kết kiều bào, hướng về Tổ quốc" để nhìn lại kết quả nổi bật trong quá trình triển khai công tác người Việt Nam ở nước ngoài, định hướng triển khai Kết luận số 12 trong thời gian tới; từ đó, khẳng định tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng như tinh thần gắn kết bền chặt, niềm tin son sắt của kiều bào với quê hương, đất nước.
Bài 1: Kiều bào - nguồn lực quan trọng trong sự phát triển của đất nước
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào ta vẫn luôn hướng về Tổ quốc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Với cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, niềm tin của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng ngày càng được củng cố. Trong công cuộc xây dựng và phát triển Tổ quốc ngày nay, kiều bào trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Phát huy nguồn lực to lớn của kiều bào
Sau 2 năm thực hiện Kết luận 12, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai mọi mặt công tác, tạo chuyển biến trên nhiều mặt, tăng cường sự gắn bó giữa kiều bào với quê hương, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Các quan điểm, chủ trương, chính sách đại đoàn kết dân tộc đối với kiều bào "hợp ý Đảng, lòng dân" đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đồng lòng thực hiện của người dân ở trong và ngoài nước. Trong đó, công tác đại đoàn kết, vận động, thu hút nguồn lực kiều bào tiếp tục được chú trọng; nhờ đó, ngày càng nhiều kiều bào tham gia đóng góp nguồn lực kinh tế, nguồn lực tri thức và nguồn lực "mềm" cho quê hương, đất nước.
Đóng góp vào thành tựu chung của đất nước có công sức, trí tuệ của hơn 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 500 nghìn doanh nhân, trí thức có trình độ cao, luôn tích cực tham gia "hiến kế" cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều vấn đề quan trọng, như nhân lực chất lượng cao, tài chính, thương mại, đầu tư, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phòng, chống dịch bệnh, mô hình phát triển kinh tế…
Theo thông tin mới nhất, hiện có 376 dự án đầu tư của kiều bào với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD và vốn góp vào hàng nghìn doanh nghiệp tại Việt Nam. Dòng kiều hối về Việt Nam khá ổn định và có thể tăng 3,6-4,5% trong năm 2023. Tiêu biểu, Thành phố Hồ Chí Minh luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về lượng kiều hối nhận được. Năm 2021, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, lượng kiều hối chảy về Thành phố đạt khoảng 6,5 tỷ USD, tăng 9% so với năm trước đó và năm 2022 đạt khoảng 6,8 tỷ USD.
Lý giải về lượng kiều hối về trong nước giữ ổn định trong những năm qua, ông Sean Lam, Phó Chủ tịch Tập đoàn IMGS, bang Maryland, Hoa Kỳ cho rằng, người Việt Nam có tính tiết kiệm, cần cù, do đó, lượng kiều hối kiều bào gửi về trong nước sẽ giữ ổn định, thậm chí năm sau có thể cao hơn so với năm trước đó.
Đồng quan điểm, ông Trần Đình Hùng, Tổng Giám đốc Tran Group, Hoa Kỳ nhấn mạnh niềm tin của kiều bào khi tiếp tục gửi tài sản về Tổ quốc để hỗ trợ người thân hoặc đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. "Kiều hối ngày càng tăng chứng tỏ người Việt trên thế giới đã và đang tìm được con đường phát triển ổn định, có chỗ đứng vững chắc hơn, khẳng định vị thế người Việt ở nhiều quốc gia trên thế giới", ông Trần Đình Hùng chia sẻ.
Theo đó, lượng kiều hối không chỉ góp phần hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế thành phố, mà còn là nguồn cung giúp ổn định nguồn ngoại tệ trên địa bàn nói riêng và cả nước nói chung.
Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào
Không chỉ đóng góp bằng những nguồn lực đầu tư và chất xám, kiều bào tích cực bảo tồn, lan tỏa và trao truyền văn hóa Việt. Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tiếng Việt là phương tiện lưu giữ, lan tỏa, trao truyền văn hóa, giúp đồng bào ta ở nước ngoài bảo tồn được bản sắc văn hóa riêng. Tiếng Việt cũng là cầu nối đồng bào Việt Nam trên toàn thế giới với Tổ quốc.
Cụ thể hóa Kết luận 12, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 3/8/2022 phê duyệt Đề án "Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030". Với những chủ trương, chính sách thiết thực, toàn diện và kịp thời, công tác tổ chức dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng được triển khai mạnh mẽ, tích cực nhằm khuyến khích, cổ vũ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, học tập, giữ gìn và lan tỏa tiếng Việt.
Dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt cho thế hệ trẻ, đã trở thành phong trào phát triển rộng khắp trên thế giới. Điển hình như Hoa Kỳ có khoảng 200 trung tâm, cơ sở dạy tiếng Việt; Thái Lan tổ chức 39 lớp học; Campuchia thành lập 33 điểm trường, lớp; Lào với 13 trường, trung tâm dạy tiếng Việt…
Tại Thủ đô Vientiane Lào, từ đầu tháng 7 năm nay, các lớp tiếng Việt miễn phí ở chùa Phật Tích đã được mở lại sau một thời gian gián đoạn do dịch COVID-19. Các lớp này nhằm góp phần gìn giữ, phát triển, quảng bá tiếng Việt và bản sắc văn hóa của người Việt Nam tại nước ngoài.
Cùng với các lớp học tiếng Việt, ở đây còn thành lập tủ sách tiếng Việt phục vụ miễn phí bà con kiều bào và các bạn Lào với nhiều đầu sách khác nhau. Trong đó có những cuốn sách, truyện, đặc san song ngữ Việt - Lào, giúp người đọc hiểu hơn về mối quan hệ hữu nghị vĩ đại hai nước.
Tham gia giảng dạy tại lớp học, chị Đinh Thị Phương Loan, kiều bào Lào cho biết, với kinh nghiệm từng là giáo viên, chị tình nguyện tham gia dạy thêm để các thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh ra tại Lào nói được tiếng Việt, biết đến tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. "Khi lớn lên, các cháu sẽ tiếp tục gìn giữ và lan tỏa tiếng mẹ đẻ đến các thế hệ sau nữa. Hiểu được văn hóa dân tộc, các em có cơ hội về Việt Nam học tập, làm việc", chị Phương Loan nói.
Cùng với các hoạt động gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài, ở trong nước, năm nay, Ban Tổ chức Trại hè Việt Nam tích cực thúc đẩy tình yêu tiếng Việt và ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ, phát huy tiếng Việt trong thế hệ trẻ kiều bào thông qua Cuộc thi "Tài năng tiếng Việt". Tại đây, các bạn không chỉ kể chuyện tiếng Việt, mà còn có dịp thể hiện nhiều tài năng như hát, đọc rap, ngâm thơ, đánh đàn bầu… Việc đa dạng hóa loại hình biểu diễn giúp các bạn trẻ có thể luyện tập cách sử dụng tiếng Việt linh hoạt, thể hiện tình yêu đối với tiếng Việt qua nhiều cách thức và cảm nhận được sự phong phú và hấp dẫn của tiếng Việt.
Em Nguyễn Hưng Thịnh, kiều bào Bulgaria cho biết, ở nhà, em thường xuyên nói chuyện với bố mẹ bằng tiếng Việt bởi bố mẹ em đều là giáo viên. Gia đình em vẫn giao tiếp bằng tiếng Việt và duy trì những nét đẹp văn hóa của dân tộc, nhất là vào những dịp lễ, Tết.
"Khi nhắc đến tiếng Việt, em nghĩ ngay đến một bài thơ. Cho nên, khi đến Ngã ba Đồng Lộc, em đã viết bốn câu thơ: Đồng Lộc huyền thoại ngã ba/Cũng là quê nội thiết tha bồi hồi/Chuông ngân hương tỏa núi đồi/Mười cô huyền thoại muôn đời ghi danh", Thịnh nói và cho biết thêm, niềm tự hào lớn nhất đối với em là được kể cho các bạn nước ngoài nghe về văn hóa người Việt Nam. Các bạn em cũng rất trân trọng và cảm kích văn hóa của dân tộc ta.
Ông Đinh Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thông tin - Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cho biết, ngày 8/9 hằng năm được chọn là Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài bởi rất nhiều ý nghĩa đặc biệt.
Ngày 8/9/1945 là ngày Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động phong trào "Bình dân học vụ," đồng thời là ngày thành lập Nha Bình dân học vụ thuộc Bộ Giáo dục Quốc gia.
Ngày 8/9/1962, trong "Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam," Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp."
Cùng với đó, ngày 8/9 cũng phản ánh sự gặp gỡ giữa quan điểm của đất nước và thế giới về tôn vinh ngôn ngữ dân tộc. Năm 1965, UNESCO đã lựa chọn ngày 8/9 làm Ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ và kỷ niệm hằng năm nhằm nâng cao tầm quan trọng của việc biết đọc, biết viết đối với sự phát triển của mỗi cá nhân và cộng đồng trong xã hội.
"Thông qua việc lan tỏa các giá trị văn hóa cũng như tinh thần dân tộc, chúng tôi mong muốn xây dựng một cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết, ổn định, phát triển, hướng về Tổ quốc và thể hiện rõ bản sắc văn hóa, giá trị Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đồng thời , chúng tôi mong muốn bà con kiều bào có thể phát huy hơn nữa sự tự tin, tự hào và tình yêu quê hương đất nước", ông Đinh Hoàng Linh nhấn mạnh.
Bài cuối: Thúc đẩy toàn diện, thiết thực công tác người Việt Nam ở nước ngoài