Giá dầu giảm, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định

Tình hình cân đối các khoản thu để bù đắp chi tiêu cho ngân sách nhà nước đang cho thấy những tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, giá dầu thô thế giới liên tục giảm ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu. Bộ Tài chính xử lý vấn đề này như thế nào, là vấn đề được nhiều người dân quan tâm.


Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.


Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời trong Chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.


Những giải pháp hiệu quả


Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, tính đến nay, thu ngân sách năm 2014 đã vượt 63.000 tỷ đồng, tăng 12,3% so với dự toán Quốc hội thông qua đầu năm. Thu ngân sách đảm bảo tiến độ là nhờ một số giải pháp hiệu quả được triển khai ngay từ đầu năm. Cụ thể, các cấp, các ngành đã thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết 01 của Chính phủ về tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tạo đà phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, kinh tế năm 2014 có tín hiệu đáng mừng, tăng trưởng đạt trên 5,8%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, xuất khẩu tăng trưởng cao. Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ và siết chặt quản lý thu chi ngày từ đầu năm, toàn ngành tài chính tập trung chống thất thu ngân sách nhà nước, chống chuyển giá, thu hồi nợ đọng thuế và tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại…


Bộ trưởng cho biết, việc giá dầu thế giới giảm nhanh đã ảnh hưởng lớn đến việc điều hành ngân sách Nhà nước tháng 12/2014 và năm 2015. Quốc hội đã thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, với mức giá dầu thô là 100 USD/thùng. Theo tính toán sơ bộ, mỗi thùng dầu giảm 1 USD, thì ngân sách sẽ giảm thu 1.000 tỷ đồng. Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã cập nhật diễn biến của giá dầu thế giới. Trong việc điều hành giá dầu trong nước, Bộ đã thường xuyên phối hợp với Bộ Công Thương để điều chỉnh phù hợp với cơ chế thị trường.


Để giải quyết những khó khăn cho năm 2015, Bộ Tài chính sẽ cùng với các ngành, các cấp tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh để tạo điều kiện phát triển kinh tế, tạo nguồn thu lâu dài cho đất nước.


“Để làm được việc này, Bộ Tài chính sẽ rà soát các thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cũng như tạo điều kiện cho những người nộp thuế; tiếp tục theo dõi diễn biến của giá dầu; nghiên cứu các phương án để phối hợp điều hành, kết hợp có hiệu quả các công cụ tài chính thuế, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng; tăng cường thanh kiểm tra để chống thất thu, nợ đọng, chuyển giá và chống buôn lậu gian lận thương mại, để một mặt tăng thu ngân sách, mặt khác tạo môi trường bình đẳng kinh doanh giữa các thành phần kinh tế; tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương, các ngành ở trung ương để quản lý thu - chi ngân sách nhà nước năm 2015; tiếp tục thực hiện kỷ luật tài khóa, tiết kiệm thu - chi; chủ động điều hành ngân sách nhà nước một cách linh hoạt; tiếp tục phối hợp với các ngành tham mưu cho Chính phủ tính toán, đẩy nhanh lộ trình những mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường”, Bộ trưởng cho biết.


Chưa bổ sung cước vận tải vào danh mục bình ổn


Bộ trưởng nhận định, xăng dầu là một bộ phận cấu thành nên chi phí vận tải. Trước tình hình giá xăng dầu giảm sâu, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải thanh kiểm tra giá cước ở một số địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy, chi phí xăng chiếm khoảng 25% trong chi phí vận tải; dầu chiếm từ 35 - 40%. Như vậy, nếu xem xét riêng tác động của giảm giá nhiên liệu và cố định các yếu tố chi phí về khấu hao, sửa chữa, bến bãi, nhân công, cầu đường… thì mức giảm 5 - 8% của giá vận tải như hiện nay là tương đối hợp lý.


Bộ trưởng cho biết, hiện Chính phủ thực hiện quản lý giá theo quy định tại Luật giá, phù hợp với cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước. Nhà nước tôn trọng sự cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân trong kinh doanh, trong đó có kinh doanh vận tải. Thời gian qua, Việt Nam đã giảm dần danh mục những mặt hàng dịch vụ nhà nước điều tiết về giá, định giá. Thậm chí, có một số mặt hàng thiết yếu như than, điện, dầu… đã điều hành theo cơ chế thị trường theo lộ trình hợp lý. Dịch vụ vận tải đang có sự cạnh tranh lớn trên thị trường giữa các đơn vị kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã cạnh tranh bằng cách giảm giá, như vậy có lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn có cơ chế để kiểm soát giá, cước vận tải thông qua việc kê khai giá, thanh kiểm tra để đảm bảo giá cước phù hợp với thị trường. Vì vậy Bộ sẽ chưa bổ sung cước vận tải vào danh mục bình ổn giá thời gian tới.


“Mức lạm phát hiện nay có thể nói là tín hiệu đáng mừng, bởi 11 tháng qua kinh tế vĩ mô ổn định, đà tăng trưởng tiếp tục được phục hồi, năm nay cao hơn năm trước, quý sau cao hơn quý trước. Năm nay, GDP sẽ đạt mức tăng trưởng 5,8% và có thể đạt cao hơn nữa. Điều này thể hiện cách điều hành tiền tệ đúng hướng, điều hành giá cả nhịp nhàng, phù hợp với thị trường”, Bộ trưởng khẳng định.


Trọng Thủy

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào cầu bên ngoài
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào cầu bên ngoài

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2014 sẽ đạt mức 5,6%, sau đó sẽ tăng lên ở mức 5,8% trong năm 2015 chủ yếu vẫn nhờ lực cầu bên ngoài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN