Tại buổi làm việc, nhấn mạnh mạnh đến vị thế trung tâm vùng Tây Nguyên của Gia Lai, Thủ tướng đề nghị tỉnh gìn giữ và khai thác tốt hơn nữa văn hóa cồng chiêng, đặc biệt là kho tàng khổng lồ cồng chiêng trong nhân dân, phát huy hơn nữa truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của đồng bào Tây Nguyên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Gia Lai. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Bana, Xêđăng, Mnông, Cơho, Rơmăm, Êđê, Giarai... Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ. Bên cạnh giá trị của không gian văn hóa âm nhạc cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là "Di sản văn hoá phi vật thể" của nhân loại, một di sản văn học dân gian đặc sắc nhất của cư dân bản địa Gia Lai là Sử thi.
Tình hình kinh tế - xã hội Gia Lai tiếp tục có bước chuyển biến tích cực, dự kiến tổng sản phẩm năm 2016 của tỉnh ước đạt 36.262 tỷ đồng, tăng 7,48% so với năm 2015. Tỉnh đã kịp thời, khắc phục hậu quả do hạn hán gây ra trong thời gian qua, sớm ổn định tình hình sản xuất và cuộc sống của nhân dân vùng hạn.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt và đồng bộ, dự kiến đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2016, Gia Lai đã trồng rừng đạt 1.557 ha (vượt 55,7% kế hoạch), diện tích che phủ rừng đạt 46,2%. Tỉnh đặt chỉ tiêu trồng 7.000 ha rừng vào năm 2017.
Tuy nhiên, Gia Lai vẫn là một tỉnh nghèo của cả nước với số hộ nghèo đứng thứ 7 toàn quốc; trong đó, đáng chú ý, số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 83,65% số hộ nghèo toàn tỉnh.
Góp ý vào hướng phát triển của Gia Lai, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, Gia Lai là địa phương có tiềm năng tốt để khai thác thủy điện với nhiều dòng sông lớn chảy qua. Hiện tỉnh đã có 4 công trình thủy điện lớn và rất nhiều công trình thủy điện nhỏ, do đó Gia Lai cần hoàn chỉnh quy hoạch đảm bảo khai thác tốt hơn nữa việc sử dụng tài nguyên nước.
Về giải pháp thu hút đầu tư của tỉnh, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Gia Lai hiện đã được Chính phủ chấp thuận ưu đãi đặc biệt về giá đất, vì vậy, địa phương cần có những giải pháp đồng bộ khác để nâng cao chỉ số cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút ngày càng nhiều hơn các hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn. Đặc biệt, Bộ trưởng cũng góp ý Gia Lai nghiên cứu khai thác tốt hơn tiềm năng rừng, vì mục tiêu phát triển bền vững, nhất là trồng lại rừng tự nhiên; coi đây như một sinh kế lâu dài cho đồng bào.
Các ý kiến lãnh đạo các Bộ, ngành cũng góp ý với Gia Lai xúc tiến mạnh mẽ hơn hoạt động du lịch vùng Tây Nguyên, nhất là du lịch sinh thái khu vực giáp biên ba nước Việt Nam – Lào - Campuchia trên cơ sở tận dụng lợi thế giao lưu đa dạng sinh học.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương tỉnh Gia Lai đã chủ động triển khai các giải pháp phòng chống lũ, lụt; đảm bảo tốt an toàn cho nhân dân.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những ý tưởng đổi mới sáng tạo, tư duy khởi nghiệp cũng như những giải pháp triển khai, bố trí nguồn lực trong phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng nhìn nhận, Gia Lai là tỉnh có tiềm năng thế mạnh hàng đầu Tây Nguyên, nhất là lợi thế trung tâm của cả vùng Tây Nguyên, trung tâm của tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia với hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ.
Đề cập đến tiềm năng phát triển của tỉnh, Thủ tướng phân tích Gia Lai có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có nền văn hóa truyền thống phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc mà đặc biệt là Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Người dân Gia Lai cần cù, chăm chỉ, chịu thương chịu khó; hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã đoàn kết, thống nhất, đồng lòng, nhất trí gây dựng, phát triển quê hương.
Tiềm năng, lợi thế cùng với quyết tâm của bộ máy là điều kiện quan trọng để đưa Gia Lai phát triển đi lên, Thủ tướng nêu rõ.
Đánh giá tổng quan tình hình kinh tế-xã hội tỉnh, Thủ tướng cho rằng, trong điều kiện hạn hán khốc liệt, tình hình nhiều khó khăn của năm 2016, song, Gia Lai vẫn quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội. Cho rằng chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã đem lại những hiệu quả ban đầu, song Thủ tướng cho rằng cần huy động sức dân phù hợp với những tiêu chí gắn liền với đặc thù của một địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thủ tướng cũng biểu dương tỉnh đã hình thành được một số vùng cây công nghiệp quan trọng; thực hiện tốt chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên.
Chỉ rõ một số hạn chế của địa phương, Thủ tướng nhận xét, quy mô nền kinh tế của Gia Lai còn nhỏ, dưới mức trung bình chung của cả nước. Công nghiệp chế biến chưa xứng tầm. Tỉnh cũng chưa có những thương hiệu sản phẩm vươn ra thị trường khu vực và quốc tế; số lượng doanh nghiệp còn ít, đây là hạn chế cần khẩn trương khắc phục bởi doanh nghiệp là lối ra của nền kinh tế.
Phác thảo những định hướng lớn trong phát triển đối với Gia Lai, Thủ tướng nhấn mạnh đến yêu cầu cần có một quyết tâm lớn, biện pháp cụ thể, khát vọng mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.
Theo Thủ tướng, yêu cầu hàng đầu đối với Gia Lai trong thời gian tới là phải giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, tiếp tục làm tốt công tác dân tộc và đặc biệt là yêu cầu chủ động triển khai mục tiêu, nhiệm vụ năm 2017 ngay từ đầu năm; đi liền với đó là tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trồng rừng; sắp xếp lại việc hoạch định các mục tiêu nông nghiệp và chú trọng xây dựng, phát triển những thương hiệu lớn.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo Gia Lai triển khai đồng bộ, quyết liệt các Nghị quyết kinh tế-xã hội đầu năm 2017 của Chính phủ; đồng thời xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch, chương trình hành động cụ thể nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp thông qua các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư; phấn đấu tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp hiện có.
Liên quan đến nội dung phát triển du lịch, Thủ tướng yêu cầu Gia Lai cần xác định du lịch là một thế mạnh, kinh tế mũi nhọn trên cơ sở phát huy tốt tiềm năng, điều kiện sẵn có, nhất là vị trí tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam. Tỉnh cần khuyến khích các dự án đầu tư tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, du lịch; làm tốt quy hoạch hệ thống hạ tầng; quản lý, sử dụng và vận hành tốt các hồ chứa.
Thủ tướng cũng căn dặn Gia Lai phải đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội; giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn; làm tốt công tác cơ sở, tránh để xảy ra bị động, bất ngờ.
Nhân dịp công tác tại Gia Lai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi, nói chuyện và tặng quà bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại làng Ốp, phường Hoa Lư, thành phố Pleiku. Đây là làng du lịch nổi tiếng của đồng bào Jrai nằm ở trung tâm thành phố Pleiku, đặc biệt là đội cồng chiêng của làng với trên 20 nghệ nhân, 12 chiêng, 20 cồng, 1 trống) biểu diễn…
Hòa chung nhịp cồng chiêng Tây Nguyên, Thủ tướng thân mật chuyện trò với các già làng, người cao tuổi và đồng bào làng Ốp tại Nhà rông văn hóa-linh hồn của buôn làng- nơi dân làng Ốp thường xuyên tổ chức các lễ hội.
Ân cần hỏi thăm đời sống sinh hoạt, công việc nương rẫy của đồng bào, Thủ tướng căn dặn bà con nâng cao tinh thần cảnh giác trước các thủ đoạn lôi kéo, kích động, mua chuộc của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Khẳng định Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến đồng bào dân tộc thiểu số, Thủ tướng yêu cầu chính quyền cơ sở thường xuyên quan tâm hỗ trợ bà con trong sản xuất và đời sống, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới; không để xảy ra tình trạng bà con bị đói, đứt bữa.
Thủ tướng cũng đã tới thăm hỏi, tặng quà một số cán bộ lão thành, các đồng chí nguyên lãnh đạo địa phương hiện đang sinh sống trên địa bàn thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.