Gia Lai không còn cảnh xe chở mía quá khổ, quá tải

Trong nhiều năm qua, cứ bước vào vụ ép mía mới, hàng trăm km đường ở địa bàn các huyện phía Đông và Đông Nam, tỉnh Gia Lai bị cày nát bởi xe chở mía quá khổ, quá tải, khiến người dân rất bức xúc. Thế nhưng, vụ ép mía 2012 – 2013, tình trạng này đã được chấn chỉnh.

 

Vẫn là hình ảnh hàng chục chở xe mía từ mọi ngả đường đổ về phía nhà máy ép mía, nhưng có một điều dễ nhận thấy là hầu hết xe nào cũng ngăn nắp, gọn gàng, không còn tình trạng quá khổ, quá tải như trước.


Những xe mía “đúng tiêu chuẩn” của vụ mía mới 2012-2013.

 

Tại Nhà mày đường An Khê, vụ ép mới bắt đầu từ ngày 15/11, nhưng trước đó, công tác đốn mía đưa về nhà máy đã bắt đầu từ đầu tháng. Và ở trước cổng của nhà máy đã có hàng trăm xe mía đứng chờ, xe nào cũng “đạt tiêu chuẩn” của một xe mía đúng khổ, đúng tải. Anh Nguyễn Văn Thức, thôn An Thạch, xã Xuân An, TX. An Khê cho biết: "Nhà tôi có 2 xe chở mía, năm nay thực hiện theo sự chỉ đạo của Công an TX An Khê nên không còn cảnh chở quá khổ, quá tải nữa".


Chủ trương này đã nhận được sự ủng hộ của các nhà vườn, các đại lí và các chủ xe. Chính sự chấp hành nghiêm chỉnh ATGT của các tài xế và chủ xe đã giúp hạn chế xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đường. Tài xế Võ Văn Học, thôn 1, xã Nghĩa An, huyện K’Bang cho biết:  "Tôi hưởng ứng chủ trương lực lượng chức năng xử phạt mạnh tay xe quá khổ, quá tải. Bởi việc hạn chế xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đường sẽ giảm bớt được nhiều hậu quả đáng tiếc như tai nạn, đường bị hư hỏng… Khi nhận chở hàng cho các chủ mía, tôi kiên quyết yêu cầu chủ mía sắp xếp gọn gàng, đúng khổ rồi mới nhận chở, chứ nhất quyết không chở quá khổ, quá tải".


Đường không còn bị cày nát bởi xe mía chở quá tải.

 

Không chỉ ở Nhà máy đường An Khê, hàng trăm xe chở mía cho Công ty cổ phần Mía đường – Nhiệt điện Gia Lai (đóng tại TX Ajun Pa) cũng thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương không chở quá khổ, quá tải. Từng đoàn xe nối đuôi nhau tiến vào nhà máy đều tăm tắp và rất gọn gàng. Hầu hết các tài xế đều thực hiện nghiêm chỉnh việc vận chuyển mía đúng với quy định.

 

Ông Nguyễn Hoàng Phước, Trưởng phòng Đầu tư - Nguyên liệu Nhà máy đường An Khê cho biết: Để chuẩn bị cho vụ ép mới và giải quyết triệt để vấn đề xe chở mía cho nhà máy chở quá khổ, quả tải, công ty đã thực hiện tuyên truyền, phát tờ rơi và làm cam kết với các nhà xe hợp đồng chở mía cho công ty trong vấn đề thực hiện vận chuyển đúng khổ, đúng tải. Nếu những xe nào vi phạm sẽ bị cắt tem phiếu, không nhận nhập mía vào nhà máy. Bên cạnh đó, phía nhà máy cũng đã cố định số đầu xe hợp đồng vận chuyển mía chỉ ở mức 400 – 500 đầu xe, mỗi xe đều bắt buộc phải dán lo-go của nhà máy để dễ kiểm soát.


Bên cạnh sự quyết liệt của phía nhà máy, lực lượng chức năng mà trực tiếp là Cảnh sát giao thông cũng thể hiện quyết tâm trong việc xử lý dứt điểm trình trạng xe quá khổ, quá tải “lộng hành”. Thượng tá Đỗ Ngọc Hoan, Phó trưởng Công an TX An Khê khẳng định: "Với mục tiêu không để xe quá khổ, quá tải lưu thông, đặc biệt là xe mía trên các tuyến đường của thị xã, chúng tôi đã chỉ đạo các phòng ban tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến với quần chúng nhân dân, các hộ gia đình trồng mía, các chủ phương tiện nghiêm chỉnh chấp hành ATGT; Phối hợp với Nhà máy đường An Khê thực hiện ký cam kết với chủ phương tiện, nghiêm túc thực hiện vận chuyển đúng khổ, đúng tại. Còn nếu chủ phương tiện mà không thực hiện thì chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý, bắt buộc hạ tải ngay tại chỗ.



Bài & ảnh: Quang Thái

Xe quá tải tàn phá nhiều tuyến quốc lộ: Bao giờ hết cảnh “quýt làm, cam chịu”?
Xe quá tải tàn phá nhiều tuyến quốc lộ: Bao giờ hết cảnh “quýt làm, cam chịu”?

Nhiều tuyến quốc lộ (QL) trọng điểm như: QL1A, QL2, Q70, QL5, QL6… đang ngày đêm bị số đông xe quá tải tàn phá, xuống cấp nghiêm trọng, nhưng hiện vẫn chưa được các cơ quan chức năng xử lý triệt để, khiến vi phạm ngày càng diễn biến phức tạp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN