Gia nhập APEC, vị thế của Việt Nam thay đổi hẳn

Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, sau khi gia nhập APEC, vị thế của Việt Nam thay đổi hẳn, từ nước bị bao vây, cô lập, mới hội nhập với khu vực trở thành hội nhập liên khu vực trong đó có nhiều nền kinh tế lớn.

Tại Hội nghị "Việt Nam và APEC: 20 năm qua và chặng đường sắp tới" do Bộ Ngoại giao tổ chức sáng 30/11 tại Hà Nội, các diễn giả, đại biểu tham dự đã chia sẻ nhiều ý kiến về thành tựu, những đóng góp của APEC trong chặng đường 20 năm, tầm quan trọng của việc thực hiện các Mục tiêu Bogor; cơ hội và thách thức mới đối với Diễn đàn APEC...

Thúc đẩy cải cách thể chế ở Việt Nam

Đề cập tới lý do Việt Nam quyết định gia nhập APEC 20 năm trước, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khẳng định, triết lý đối ngoại của Việt Nam là luôn coi mình là một bộ phận của thế giới. Việt Nam sẵn sàng thi hành chính sách mở cửa, sẵn sàng gia nhập các tổ chức kinh tế quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã xác định chính sách ngoại giao của Việt Nam là coi châu Á là anh em, các nước lớn là bạn bè. “Đây là triết lý cơ bản để Việt Nam hội nhập quốc tế và tham gia APEC”, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị sáng 30/11. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Bên cạnh đó, vào thời điểm cuối những năm 90, khi Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới hơn 10 năm, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế khá cao, bình quân khoảng 8%. Trong khi đó thị trường trong nước với dân số đông nhưng thu nhập hạn chế nên không có thị trường để phát triển. Vì thế, các cơ quan chức năng xác định phải tìm mọi cách mở rộng thị trường và APEC là một trong những thị trường lớn của thế giới.

Ngoài ra, cuối thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, xu thế hội nhập, toàn cầu hóa phát triển rất mạnh, Việt Nam đã chọn con đường đi theo xu hướng này. Cũng tại thời điểm đó, chính sách bao vây cấm vận chấm dứt với việc Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và Việt Nam gia nhập ASEAN, phát triển quan hệ với các nước khác. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để Việt Nam gia nhập APEC.

Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, sau khi gia nhập APEC, vị thế của Việt Nam thay đổi hẳn, từ nước bị bao vây, cô lập, mới hội nhập với khu vực trở thành hội nhập liên khu vực trong đó có nhiều nền kinh tế lớn. Bên cạnh đó, các nền kinh tế trong APEC chiếm 70% thương mại và đầu tư của Việt Nam, đây là nguồn hỗ trợ mạnh mẽ cho đổi mới của Việt Nam. Việc tham gia APEC thúc đẩy cải cách thể chế ở Việt Nam; thông qua APEC, các doanh nghiệp trong nước có cơ hội, có sân chơi để tập dượt một cách thực tế.

Đánh giá về chặng đường sắp tới, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, chủ nghĩa bảo hộ, cọ xát giữa xu hướng đơn cực và đa cực là những vấn đề đặt ra trong hợp tác quốc tế. Cuộc chiến tranh thương mại giữa các nước, đặc biệt giữa Mỹ - Trung Quốc cũng cần được quan tâm. Bên cạnh đó, theo ông Vũ Khoan, sự cọ xát chủ nghĩa đa phương và đơn phương ngày càng nhiều; việc xuất hiện sáng kiến mới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương... cần được làm rõ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến APEC.

Đảm bảo tầm nhìn chung giữa các nền kinh tế thành viên trong tình hình mới

Nhận định về các mục tiêu sau Bogor của APEC, Tiến sĩ Narongchai Akrasanee, nguyên Bộ trưởng Thương mại Thái Lan, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương của Thái Lan đánh giá, thông điệp chính của APEC hiện nay rất khác với 20 năm trước nhờ có sự tham gia của Trung Quốc và các nước ASEAN. Với sự biến đổi của tình hình thế giới và khu vực, thông điệp này dự kiến sẽ còn thay đổi mạnh mẽ hơn nữa. Với tư cách là một trong những người thúc đẩy quá trình thành lập của APEC, Tiến sĩ Narongchai Akrasanee chia sẻ, APEC được coi như một công cụ thúc đẩy sự phát triển công nghiệp hóa tại các nước Đông Nam Á với việc cung cấp hỗ trợ trong kỹ thuật.

Với các Mục tiêu Bogor, Tiến sĩ Narongchai Akrasanee khẳng định, các nền kinh tế thành viên APEC ủng hộ các quá trình tự do hóa thương mại và đầu tư. Năm 2018, các nền kinh tế APEC mở hơn bao giờ hết, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Các nền kinh tế thành viên đã đạt được nhiều lợi ích hơn từ việc tham gia APEC. Sự phát triển kinh tế, thương mại của APEC đi kèm với một vấn đề quan trọng là sự thay đổi đột biến về công nghệ, sự trỗi dậy của nền kinh tế số và trí tuệ nhân tạo.
 
Nhấn mạnh, các nền kinh tế đang tiến dần đến một xã hội mà những cơ sở vật chất không chỉ được nhìn nhận ở góc độ hữu hình mà là những nền tảng trên không gian mạng, Tiến sĩ Narongchai Akrasanee cho rằng các nền kinh tế cần tăng cường học hỏi, nỗ lực để theo kịp với tốc độ phát triển quy mô, sự hiện diện mọi lúc, mọi nơi của công nghệ.

Tổng kết lại vấn đề, Tiến sĩ Narongchai Akrasanee khẳng định, vấn đề quan trọng nhất đối với APEC là tìm ra những giải pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa các nền kinh tế trong thời đại kỷ nguyên số để đối phó với sự cạnh tranh từ hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Vấn đề này liên quan đến sự khác biệt về thể chế vận hành của các nền kinh tế, do đó cần được tiếp tục xem xét, xử lý với tầm nhìn chung để APEC giữ được vai trò phù hợp trong thời kỳ mới.

Tăng cường hợp tác, kết nối để thực hiện mục tiêu mang tính thực tế cao

Thảo luận về vị trí của APEC trong nền kinh tế toàn cầu, Tiến sĩ Andrew Elek, nghiên cứu viên cao cấp, Đại học Quốc gia Australia cho rằng, trước những thay đổi liên tục của tình hình thế giới và khu vực, các nền kinh tế thành viên APEC cần chấp nhận thích ứng và chú trọng tính tự cường, tăng cường thúc đẩy hệ thống thương mại đa biên và tuân thủ luật lệ của WTO; song song với việc cạnh tranh công bằng để mọi nền kinh tế đều có cơ hội bình đẳng.

Nhìn nhận trên khía cạnh này, Tiến sĩ Andrew Elek đánh giá các nền kinh tế thành viên APEC đã có những nỗ lực rất lớn, tập trung nhiều vào việc xử lý rào cản trong thương mại và đầu tư. Ông cũng nhấn mạnh, sẽ không thể có thương mại tự do giữa các nền kinh tế nếu như mỗi Chính phủ chỉ tập trung vào lợi ích của quốc gia mình.

Trong 10 năm qua, các nền kinh tế thành viên APEC đã duy trì được đà của thương mại mở, tuy nhiên theo Tiến sĩ Andrew Elek cần quan tâm nhiều hơn tới sự ảnh hưởng từ quá trình hội nhập. Các thỏa thuận thương mại tự do được ký kết dựa trên sự hiểu biết về kết nối số, công nghệ; đồng thời cần sự phối hợp chính sách lớn giữa các nền kinh tế cũng như sự tin cậy lẫn nhau, đặt ra những chuẩn mực chung và cùng nhau thực hiện những chuẩn mực đó.

Sau năm 2020, Tiến sĩ Andrew Elek cho rằng các nền kinh tế thành viên APEC cần nhìn xa hơn mục tiêu Bogor, bàn các giải pháp tạo ra một nền kinh tế chung thông suốt trong khu vực, tận dụng tối đa những tiềm năng. Để thực hiện được điều này, Tiến sĩ Andrew Elek khẳng định, các nền kinh tế thành viên APEC cần phải bắt tay vào nhiều hoạt động mục tiêu mang tính thực tế cao, như cải thiện sự rõ ràng về tính kết nối.

APEC có thể tạo nên những điều kiện, cơ chế tối ưu để các nền kinh tế xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của sự phát triển và nâng cao thể chế, tiếp cận các ngân hàng, tham gia vào quy trình kết nối thương mại, thu hút đầu tư vào khu vực tư nhân…

Về chủ đề tầm nhìn mới trong một cộng đồng khu vực châu Á – Thái Bình Dương năng động, kết nối và thịnh vượng, các diễn giả tham dự Hội nghị cũng đã chia sẻ các vấn đề thách thức trong việc hoạch định tầm nhìn tương lai APEC trong thời gian tới, dựa trên bối cảnh tầm nhìn thế giới và khu vực, cũng như những thách thức trên phạm vi toàn cầu; các mục tiêu, trụ cột hợp tác mới của Tầm nhìn APEC sau năm 2020, vai trò đi đầu của APEC về thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng bền vững, bao trùm; vai trò toàn cầu của APEC, các khuyến nghị về đóng góp của ASEAN và Việt Nam trong xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020…

Phan Phương – Hiền Hạnh (TTXVN)
Việt Nam đóng góp tích cực xây dựng ngôi nhà chung APEC
Việt Nam đóng góp tích cực xây dựng ngôi nhà chung APEC

Sáng 30/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị: "Việt Nam và APEC: 20 năm qua và chặng đường sắp tới".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN