Cụ thể: Dầu diesel 0.05S: giảm 1.379 đồng/lít; dầu hỏa: giảm 990 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S: giảm 784 đồng/kg.
Giá bán tối đa các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường: Xăng E5RON92: không cao hơn 17.181 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 18.459 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 16.258 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 15.252 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.402 đồng/kg.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như hiện hành với xăng E5RON92, xăng RON95. Dầu diesel trích 800 đồng/lít; dầu hỏa: 800 đồng/lít; dầu mazut: 800 đồng/kg.
Theo cơ quan điều hành giá, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 6 tháng 12 năm 2018 là: 61,016 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92; 62,845 USD/thùng xăng RON95; 74,325 USD/thùng dầu diesel 0.05S; 76,287 USD/thùng dầu hỏa; 408,155 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S.
Như vậy, sau khi tăng lên mức kỷ lục tính từ đầu năm vào ngày 6/10 (22.347 đồng/lít xăng RON 95 và 20.906 đồng/lít xăng E5), giá xăng trong nước đã "quay đầu" đi xuống liên tục trong 4 kỳ điều hành sau đó vào các ngày: 22/10, 6/11, 21/11 và hôm nay 6/12.
Trong kỳ điều hành gần nhất ngày 21/11, giá xăng thế giới giảm mạnh giúp giá xăng E5 RON92 trong nước giảm 973 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 1.093 đồng/lít. Các mặt hàng dầu cũng đều giảm giá.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 23 đợt điều chỉnh, trong đó 6 lần tăng giá, 5 lần giảm và 12 lần giữ ổn định.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 giảm 0,29% so với tháng 10, tác động lớn nhất đến từ diễn biến giá xăng dầu. Theo đó, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm vào ngày 6/11 và ngày 21/11/2018, tổng cộng giá xăng A95 giảm 2.230 đồng/lít, giá xăng E5 giảm 2.060 đồng/lít, giá dầu diezen giảm 980 đồng/lít nên bình quân tháng 11/2018, giá xăng dầu giảm 4,1% so với tháng 10, đóng góp giảm CPI chung 0,17%.
Tuy giá xăng dầu liên tục giảm nhưng tìm hiểu của phóng viên trên thị trường cho thấy, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng và cước vận tải vẫn chưa có sự điều chỉnh.
Theo ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, việc giảm giá xăng không tác động ngay đến giá cước vận tải vì giá xăng dầu giảm khoảng gần 10% nhưng ở thời điểm giá xăng liên tục tăng, các doanh nghiệp vận tải đã giữ giá để cạnh tranh với loại hình vận tải công nghệ.
Thêm vào đó, nếu muốn thay đổi giá cước, doanh nghiệp sẽ mất nhiều thời gian và chi phí về thủ tục đăng ký điều chỉnh cước, thay đồng hồ cước, bảng biểu, vé... Do đó, giá cước sẽ không thể điều chỉnh giảm ngay khi giá xăng dầu giảm. Ngoài ra, thời gian tới, xăng dầu sẽ phải gánh thêm 1.000 đồng tiền thuế môi trường. Vì thế, càng khó để các doanh nghiệp có thể thực hiện giảm giá cước.