Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban Chỉ đạo Giải báo chí chủ trì phiên họp.
Giải báo chí toàn quốc "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí" diễn ra từ 1/1 đến 31/12/2017 dành cho phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên báo chí thuộc các loại hình báo chí (báo in, truyền hình, phát thanh, báo ảnh và báo mạng điện tử) trên phạm vi toàn quốc.
Đến nay, hầu hết các Hội nhà báo tỉnh, thành phố, các Liên chi hội trong cả nước đã triển khai thực hiện, có công văn thông báo tới các chi hội, các cơ quan báo chí và các hội viên, về việc Hướng dẫn tham dự Giải, kèm Thể lệ; phát động, động viên hội viên - nhà báo tham dự Giải theo đúng kế hoạch của Ban Tổ chức Giải.
Đại diện Hội nhà báo Việt Nam cho rằng phòng, chống tham nhũng là lĩnh vực đấu tranh vô cùng nhạy cảm, là cuộc chiến cam go trong tình hình hiện nay. Các nhà báo phải đối mặt với những thế lực có quyền, có chức trong xã hội nên mức độ rủi ro rất cao...
Do vậy, trước hết đòi hỏi bản thân mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ tốt để đấu tranh, vạch trần những sai trái.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế tốt để bảo vệ các nhà báo khi đi sâu vào lĩnh vực này; tạo ra chỗ dựa vững chắc và niềm tin tuyệt đối cho các nhà báo trong cuộc chiến chống tiêu cực của Đảng và Chính phủ.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh việc tổ chức Giải báo chí là hoạt đồng nhằm thực hiện tinh thần Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, vì vậy, mong các cơ quan báo chí tích cực tham gia Giải báo chí; các nhà báo yên tâm, phối hợp chặt chẽ, đấu tranh quyết liệt với các hành vi sai trái.
Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ là nơi tiếp nhận ý kiến phản ánh về tham nhũng, lãng phí của nhân dân, gửi tới các cơ quan báo chí để báo chí tiếp tục điều tra. Báo chí và Mặt trận phải là nơi tiếp thu ý kiến của nhân dân.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo giải báo chí sẽ chọn các bài báo có tác dụng tích cực để khen thưởng, động viên kịp thời; đồng thời, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, khi thấy báo chí chỉ rõ sai phạm phải vào cuộc xử lý.