Các ý kiến của đại biểu tập trung về đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, vấn đề quản lý, chỉnh trang và phát triển đô thị.
Tăng trưởng kinh tế bền vững Đồng tình với báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017, các đại biểu cho rằng trong 6 tháng đầu năm UBND đã chỉ đạo quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, kinh tế tăng trưởng cao, tổng sản phẩm nội địa tăng 7,76%; đây là chỉ tiêu tăng trưởng cao nhất trong thời gian qua. Để đạt được chỉ tiêu tổng sản phẩm nội địa tăng 8,4-8,7% trong năm 2017, nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm khá nặng nề, trong đó chỉ tiêu ít nhất tổng sản phẩm nội địa tăng phải đạt 9,4%. Do vậy, thành phố cần tập trung nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nữa để nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.
Theo đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy, để tăng trưởng kinh tế bền vững thì nguồn vốn là một trong những yếu tố cốt lõi. Trong đó, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đầu tư nhiều hơn cho trang thiết bị, công nghệ cao nên cần nhiều vốn, vì vậy thành phố cần có cơ chế chính sách tín dụng có sự bảo lãnh của Nhà nước cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cùng với vốn, thành phố cần có chính sách đào tạo tay nghề như giảm thuế cho các doanh nghiệp đào tạo thuộc ngành nghề trọng yếu của thành phố. Hiện tại lực lượng lao động tại thành phố phần lớn là từ các tỉnh, thành khác đến do vậy thành phố cần có chính sách có liên kết vùng trong đào tạo để đảm bảo chất lượng lao động cũng như cân đối cơ cấu ngành nghề đào tạo nhân lực cho thành phố.
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Về chỉ tiêu thành lập 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020, đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy cho rằng, thành phố hoàn toàn có thể đạt được. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp được thành lập mới nằm trong các ngành, lĩnh vực mà thành phố định hướng phát triển.
Cũng đề cập đến chỉ tiêu này, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân bày tỏ lo ngại thành phố sẽ xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp mô siêu nhỏ. Vì vậy, khi bàn về giải pháp cho phát triển kinh tế bền vững, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân cho rằng, bên cạnh chính sách thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, thành phố cần đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp có quy mô lớn để tích tụ hàm lượng khoa học công nghệ, tích tụ năng lực sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh; khi đó, những doanh nghiệp lớn sẽ làm đầu tàu cho chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp then chốt. Như vậy, thành phố cần phải tiếp cận cả hai phương thức, vừa hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tồn tại và phát triển; song song đó, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lớn phát triển để nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.
Đồng tình quan điểm này, đại biểu Phan Thị Hồng Xuân nêu ý kiến, số lượng doanh nghiệp không quan trọng bằng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp phải chú trọng đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ. Vì vậy, thành phố cần có giải pháp hỗ trợ thêm để doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh.
Về vấn đề này, ông Sử Ngọc Anh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Bên cạnh các chính sách hỗ trợ nhằm tăng số lượng các doanh nghiệp, thành phố cũng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tăng về chất lượng. Cụ thể như, thành phố thường xuyên đối thoại, tháo gỡ kịp thời các khó khăn cho doanh nghiệp; triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; kết nối với ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn.
Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2017, khách quốc tế đến thành phố đạt gần 2,8 triệu lượt, tăng 14,7% so với cùng kỳ; doanh thu ngành du lịch đạt hơn 53.600 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ (đạt gần 48% chỉ tiêu doanh thu cả năm).
Xác du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tuy nhiên nhiều đại biểu cho rằng, ngành du lịch thành phố hiện vẫn chưa có sản phẩm đặc trưng. Bàn về vấn đề này, theo đại biểu Lê Thị Ngọc Thanh, thành phố cần quy hoạch phát triển du lịch trong dài hạn, trong đó xây dựng được sản phẩm đặc trưng của ngành; cần quan tâm hơn đến công tác quảng bá, truyền thông, xây dựng thương hiệu du lịch thành phố; củng cố nhân lực trong ngành du lịch, đặc biệt nhân lực ở các quận, huyện có tiềm năng.
Theo đại biểu Vương Đức Hoàng Quân, nên lấy ngành du lịch chữa bệnh trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố, bởi thành phố có điều kiện về y tế khá tốt, lực lượng y bác sĩ, dịch vụ lưu trú và các dịch vụ đi kèm cũng khá tốt. Ví dụ như nha thẩm mỹ, châm cứu, bấm huyệt, nam dược và kết hợp suối nước khoáng, nước nóng … Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, du lịch chữa bệnh có doanh thu hàng năm khoảng 60 tỷ USD trên toàn cầu với tốc độ tăng trưởng 20%/năm; trong đó khu vực Đông Nam Á rất có tiềm năng phát triển loại hình dịch vụ này.
Tăng cường quản lý trật tự đô thị
Vấn đề quản lý trật tự vỉa hè, lòng đường cũng là vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu quan tâm và dành nhiều thời gian thảo luận. Các đại biểu cho rằng nếu thành phố vẫn tiếp tục tổ chức các đợt cao điểm như vừa qua thì chưa phải là giải pháp lâu dài và hiệu quả; cần có quy hoạch bài bản, có lộ trình sắp xếp, bố trí sử dụng vỉa hè phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm nêu, công tác lập lại trật tự vỉa hè thời gian qua được thực hiện quyết liệt nhưng đến nay lại xuất hiện tình trạng tái chiếm; đặc biệt việc cho thuê vỉa hè khiến người dân hiểu lầm dẫn đến bức xúc, thành phố cần công khai minh bạch vấn đề này để người dân hiểu. Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cũng nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức hành vi của người dân, song song với lập lại trật tự vỉa hè thì phải có giải pháp bảo đảm sinh kế cho người dân buôn bán hàng rong, buôn bán trên vỉa hè.
Để thực hiện hiệu quả công tác lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, trong công tác này nếu không có người dân tham gia thực hiện thì không thể bền vững được, vì thành phố không có đủ lực lượng thường xuyên ra quân kiểm tra. Do vậy thành phố cần phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể mang tính bền vững.
Ông Lê Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND thành phố thông tin, chủ trương của thành phố về vấn đề lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè là thực hiện trên tinh thần lâu dài và kiên trì, chứ không phải ra quân trong thời gian ngắn. Nhấn mạnh cách làm “vừa chống vừa xây”, ông Lê Văn Khoa cho biết, đi đôi với việc chống hành vi lấn chiếm lòng lề đường trái phép để vụ lợi, làm ảnh hưởng đến trật tự giao thông, thành phố tiến hành tổ chức lại, xây dựng các điểm bán hàng rong, đảm bảo cho những người kinh doanh tại vỉa hè có nơi làm ăn bảo đảm cuộc sống.
UBND thành phố đã phân cấp quản lý cho các quận, huyện, phường xã triển khai thực hiện các mô hình vừa đảm bảo công tác an sinh xã hội vừa đảm bảo văn minh, trật tự đô thị. Hiện Quận 9, quận Thủ Đức đã có dự án cải tạo lại chợ truyền thống để những người bán hàng rong đến bán.
Về dư luận cho rằng thành phố dẹp vỉa hè để cho thuê, ông Lê Văn Khoa khẳng định mục tiêu, chủ trương của thành phố hoàn toàn không phải dẹp vỉa hè để thu phí. Việc thu phí lòng đường vỉa hè đã có từ trước, sử dụng vỉa hè vào mục đích sinh lợi cho cá nhân thì phải có nghĩa vụ nộp lại để tổ chức lại trật tự.
Tình trạng sạt lở kênh rạch, bờ sông cũng là vấn đề mà nhiều người dân quan tâm, lo lắng khi thời gian qua tình trạng này ngày càng diễn biến phức tạp. Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống sạt lở và bố trí di dời dân cư tại các điểm có nguy cơ đảm bảo an toàn cho người dân.
Qua khảo sát, hiện thành phố còn 40 vị trí có nguy cơ sạt lở, trong đó 23 vị trí ở tình trạng đặc biệt nguy hiểm, 16 vị trí tình trạng nguy hiểm. Thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống và cảnh báo sạt lở để đảm bảo an toàn cho người dân; phối hợp chính quyền địa phương cắm biển báo, cảnh báo phân luồng giao thông đường thủy khu vực này, phát hiện sớm đề phòng và di dời hộ dân. Hiện đã có 39/40 vị trí được giao xây dựng công trình chống sạt lở, xây dựng kè.