Điểm sáng thành công
Một điểm sáng trong công tác phi chính phủ nước ngoài tại các địa phương thời gian qua được nhiều đại biểu nhắc đến đó là: Giải pháp phát triển thư viện thân thiện cho trường tiểu học của Chương trình "Hỗ trợ phát triển ngôn ngữ cho học sinh tiểu học" do Tổ chức Room to Read (Mỹ) triển khai.
Chia sẻ thành công của chương trình bên lề Hội nghị, Giám đốc Tổ chức Room to Read tại Việt Nam, bà Nguyễn Diệu Nương cho biết: Room to Read có mặt ở Việt Nam từ năm 2001 với hai chương trình chính: Chương trình hỗ trợ phát triển ngôn ngữ cho học sinh tiểu học và Chương trình hỗ trợ giáo dục cho nữ sinh. Trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ phát triển ngôn ngữ cho học sinh tiểu học, Room to Read đã đưa ra giải pháp "Phát triển thư viện thân thiện cho trường tiểu học" nhằm xây dựng thói quen đọc cho học sinh, đồng thời phù hợp với "Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030". Room to Read đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như cơ sở giáo dục các cấp để triển khai Chương trình này. Đến nay, Chương trình đã nhận được rất nhiều sự hưởng ứng tích cực của địa phương.
"Điều đáng mừng là các địa phương đều nhận thấy Room to Read là một chương trình rất dễ làm, dễ triển khai và mang lại hiệu quả tức thì. Trên 34 tỉnh, thành phố có mặt Room to Read, số lượng thư viện Room to Read trực tiếp hỗ trợ xây dựng, thiết lập và vận hành với các địa phương là hơn 1.500 thư viện, trong khi số lượng thư viện nhân rộng do tự địa phương sử dụng nguồn lực của mình cùng với hỗ trợ kỹ thuật của Room to Read đã lên đến hơn 1.000. Đây là minh chứng cho thấy giải pháp kỹ thuật, giải pháp chương trình của Room to Read đưa ra rất phù hợp và dễ ứng dụng với điều kiện của Việt Nam", bà Nguyễn Diệu Nương nói.
Bên cạnh đó, Room to Read không chỉ tập trung vào việc đưa ra một mô hình sau đó tập trung nhân rộng mà còn duy trì sự bền vững cũng như tạo ra được những thay đổi lâu dài. Bà Nguyễn Diệu Nương cho biết, Room to Read đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Bộ tiêu chuẩn về thư viện thân thiện mới cho trường tiểu học, do hiện nay những tiêu chuẩn dành cho thư viện tại trường học của Việt Nam được xây dựng từ năm 2003 và chưa được điều chỉnh, thay đổi, cập nhật.
Bà Nguyễn Diệu Nương cho rằng, nếu các chương trình của tổ chức phi chính phủ nước ngoài đưa ra sát thực, coi trọng việc xây dựng năng lực cho các cơ quan đối tác, có giải pháp, chương trình phù hợp, tính ứng dụng cao để có thể ứng dụng một cách nhanh chóng, hiệu quả thì hầu hết các địa phương sẽ làm theo và làm rất tốt. Đến nay, tất cả các địa phương có thư viện nhân rộng thậm chí ở những địa phương nơi Room to Read chỉ tập huấn chuyển giao kỹ thuật, cũng đã tự triển khai và đạt hiệu quả cao.
Góp phần đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân
Đánh giá trong 5 năm qua, Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bà Dragana Strinic, Giám đốc quốc gia của Tổ chức cứu trợ trẻ em (Save the children) cho biết: Với mong muốn thực sự đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân và trẻ em Việt Nam, trong những năm qua, Save the Children đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng người dân và trẻ em nơi có dự án của Tổ chức.
Đánh giá cao sự hỗ trợ mạnh mẽ của Bộ Ngoại giao, Ủy ban công tác về phi chính phủ nước ngoài, Ban Điều phối viện trợ nhân dân (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam), trong công tác quản lý tuân thủ những quy định luật pháp, bà Dragana Strinic cho biết: Các đơn vị này đã tạo điều kiện chia sẻ thông tin cần thiết, hợp tác tích cực trong thực thi các mục tiêu chính sách, tạo điều kiện để Save the Children tập trung vào những ưu tiên phát triển của Việt Nam.
Bà Dragana Strinic cũng đưa ra một số khuyến nghị về công tác phi chính phủ nước ngoài tới các cơ quan chức năng. Theo đó, cần củng cố và thay đổi những quy định pháp lý liên quan đến các hoạt động phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là công tác triển khai các quy định pháp lý đó. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã tham vấn với Chính phủ trong quá trình xây dựng Nghị định 12/2012/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam. Bà Dragana Strinic hy vọng những nội dung sửa đổi về mặt pháp lý sẽ tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho các chương trình của Save the Children được triển khai hiệu quả.
Cũng theo bà Dragana Strinic, trước thách thức về suy giảm tài trợ cho Việt Nam, Chính phủ Việt Nam, các cơ quan chức năng cần có cách tiếp cận tổng hợp, trong đó phải kết hợp chuyên môn với công nghệ đổi mới, tài nguyên sẵn có cũng như sự hỗ trợ từ Chính phủ, doanh nghiệp, nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức xã hội, viện nghiên cứu và cộng đồng.
Trong tương lai, các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) cần tiếp tục là định hướng công tác phi chính phủ nước ngoài của Chính phủ Việt Nam để có thể hỗ trợ được nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất và thúc đẩy các cơ hội phát triển bình đẳng.
Các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước cần đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong việc giám sát, phản biện xã hội, có các cơ chế tài trợ đầy đủ để thực hiện Chương trình nghị sự Liên hợp quốc.
Đặc biệt, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và đối tác cần củng cố cơ chế giải trình trước cơ quan chức năng, cộng đồng, trong đó có các đối tượng được thụ hưởng từ các dự án phi chính phủ nước ngoài.
Năm 2020, Save the Children kỷ niệm 30 năm có mặt tại Việt Nam. Tổ chức này đã triển khai những dự án đầu tiên về dinh dưỡng ở tỉnh Thanh Hóa vào năm 1990 và tới nay có hoạt động trên 20 tỉnh, thành phố của Việt Nam trên các lĩnh vực: Hỗ trợ trẻ em trong cộng đồng thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ em ở những cộng đồng đồng giới nam, đồng giới nữ, bảo đảm trẻ em không bị lạm dụng, không bị lạm dụng quyền của mình.
Các chương trình của Save the Children đều được triển khai gắn chặt với các kế hoạch hành động quốc gia, chính sách ưu tiên và hỗ trợ của Chính phủ. Bằng việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, Save the Children đã hỗ trợ Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em, xây dựng các chương trình chăm sóc trẻ em sơ sinh, xây dựng năng lực chăm sóc trẻ sơ sinh ở hộ gia đình, góp phần giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong ở cộng đồng thiểu số.
Bên cạnh đó, Save the Children cũng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thúc đẩy một số chương trình về giáo dục; hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài khác trong lĩnh vực quyền trẻ em, quản lý ứng phó với thảm họa thiên tai.
Nâng cao hiệu quả nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài
Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Trưởng ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM), Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2019-2025 sẽ nhằm mục tiêu tăng cường hợp tác và nâng cao hiệu quả nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài để thúc đẩy quan hệ của nhân dân Việt Nam của các nước trên thế giới, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam.
Cùng với đó là một số mục tiêu cụ thể như: Củng cố, mở rộng và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác của Việt Nam với các tổ chức phi chính phủ và các đối tác phát triển khác; duy trì, nâng cao giá trị và hiệu quả viện trợ phi chính phủ nước ngoài; làm cho bạn bè quốc tế hiểu về quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại, cũng như chủ trương tích cực hội nhập quốc tế và xây dựng đất nước của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng cũng cho biết thêm một số nội dung ưu tiên hợp tác trong giai đoạn 2019-2025. Theo đó, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tập trung hỗ trợ đào tạo giáo viên các cấp, ưu tiên giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, giáo viên dạy trẻ khuyết tật.
Cùng với đó, xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục: Hỗ trợ xây dựng trường học và cải thiện cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục các cấp; xây dựng hệ thống các trường dân tộc nội trú, hệ thống nhà nội trú, bán trú; phát triển hệ thống thư viện phù hợp với yêu cầu của từng cấp; trao đổi giáo dục, hỗ trợ dạy và học ngoại ngữ, cung cấp giáo viên tình nguyện các chuyên ngành cho các trường đào tạo chuyên sâu, các trường phổ thông; cấp học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số, học bổng đào tạo trong và ngoài nước...
Trong lĩnh vực y tế, ông Nguyễn Ngọc Hùng cho biết thêm, Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2019-2025 nêu rõ việc hỗ trợ đào tạo cán bộ y tế thông qua chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi phương pháp và nghiệp vụ, cấp học bổng đào tạo cán bộ y tế trong và ngoài nước. Cùng với đó, phát triển hạ tầng cơ sở y tế, hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, hỗ trợ các chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng, chuyển giao công nghệ trong ứng phó và ngăn chặn các bệnh dịch trên diện rộng...
Đối với lĩnh vực đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, Chương trình chỉ rõ việc hỗ trợ đào tạo, giáo dục nghề nghiệp khu vực nông thôn, vùng đô thị hóa, công nghiệp hóa, vùng cận đô thị; phát triển cơ sở vật chất cho đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, cung cấp bổ sung chuyên gia và giáo viên dạy nghề.
Cùng với đó, Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2019-2025 cũng nêu một số ưu tiên đối với các lĩnh vực: Nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn; giải quyết các vấn đề xã hội; môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, cứu trợ khẩn cấp; khắc phục hậu quả chiến tranh; văn hóa, thể thao và du lịch.