Nêu vấn đề triển khai đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa còn chậm, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, chưa có cơ sở dữ liệu để truy xuất nguồn gốc..., đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp về vấn đề này?.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Đề án truy xuất nguồn gốc được ban hành năm 2019, Bộ Khoa học Công nghệ cùng các bộ ngành triển khai, xây dựng 20 tiêu chí của Việt Nam về truy xuất nguồn gốc cũng như đưa vào vận hành Cổng thông tin về truy xuất nguồn gốc.
Các Bộ như Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế đã tham gia phổ biến thông tin, hoạt động truy xuất nguồn gốc trong ngành và xây dựng hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý. Dù vậy, việc triển khai Quyết định 100 liên quan đề án này còn một số nội dung chưa đạt yêu cầu như đưa Cổng truy xuất nguồn gốc vào hoạt động trọn vẹn vì còn vướng một số thủ tục. Trong vài tháng tới, Bộ Khoa học và Công nghệ cố gắng vận hành Cổng, cùng lúc xây dựng thông tin về quản lý truy xuất nguồn gốc; cùng Bộ Tài chính ban hành thông tư cơ chế tài chính quản lý đề án này.
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện không xác định được con số chính xác về chi đầu tư phát triển cho khoa học công nghệ tại các địa phương. Vì vậy, cần thiết sửa đổi các quy định hiện hành để có cơ sở hoạch định chính sách phát triển trong lĩnh vực này.
Về phát triển thị trường khoa học công nghệ, Bộ trưởng cho biết, hiện vẫn thiếu các tổ chức trung gian để kết nối bên cung và bên cầu về công nghệ. Bên cạnh đó là những khó khăn trong thực hiện cơ chế chính sách nên chưa khuyến khích việc chuyển giao khoa học công nghệ vào cuộc sống.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai các chương trình khoa học công nghệ quốc gia để nâng cao năng lực nghiên cứu của các viện, các trường, năng lực hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp; tăng cường năng lực các sàn giao dịch công nghệ quốc gia theo chiều sâu; đồng thời cần mạnh dạn trao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu cho viện, trường, tổ chức nghiên cứu để khuyến khích các nhà khoa học tổ chức nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Đối với chất vấn của đại biểu về việc dành kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ, Bộ trưởng lấy ví dụ năm 2023 tổng chi thường xuyên cho khoa học và công nghệ 12.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 8.800 tỉ đồng, địa phương là khoảng 3.200 tỷ đồng. Trong 8.800 tỷ đồng ngân sách trung ương, chi hỗ trợ cho lương và hoạt động bộ máy khoảng 900 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ chiếm 89%...
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh về tính rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; mong muốn các vị đại biểu Quốc hội và xã hội ghi nhận bản chất rủi ro của hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ. Tính mới, tính dấn thân của hoạt động nghiên cứu nên quá trình nghiên cứu có thể thành công hoặc không. Đề tài nghiên cứu không thành công cũng là một đóng góp để làm rõ hướng đi cho cộng đồng khoa học trong các nghiên cứu khác.
Về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định, điểm cốt lõi là cần lựa chọn và sử dụng theo trình độ chuyên môn, không bị ràng buộc bởi các quy định, điều kiện, tiêu chuẩn mang tính chất hành chính; đồng thời giao quyền chủ động cho người làm công tác nghiên cứu.
Đối với việc thành lập các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đây là một mô hình mới, cần thời gian xem xét, đánh giá hiệu quả của trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, sau đó mới tiếp tục nhân rộng thành lập ở các địa phương khác.
Tham gia giải trình, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nhiệm vụ chi cho đầu tư, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học đã được bố trí đầy đủ, có trọng tâm, trọng điểm, theo Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, nguồn lực giảm dần, từ 1,1% GDP năm 2017 xuống 0,82% năm 2023. Trong khi đó, Nghị quyết Trung ương và Bộ Chính trị yêu cầu phải đảm bảo từ 2% chi ngân sách cho đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và tăng dần theo nhu cầu. "Đây là điều báo động", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Về trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết chủ trương của Nhà nước xác định mục tiêu đến năm 2030 và năm 2045 là rất cao nên cần có đột phá, động lực. Vì vậy, Bộ Kế hoạch Đầu tư xác định vai trò của khoa học công nghệ là rất quan trọng.
Theo Bộ trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng, quyết định thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đặt tại Hòa Lạc (Hà Nội). Đây là đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn về chi đầu tư và chi thường xuyên. Chức năng của trung tâm là xây dựng hệ sinh thái khoa học công nghệ, cơ chế chính sách vượt trội; đào tạo nhân lực, kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp, là cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xây dựng Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp được tiếp cận chương trình này. Bộ đang phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế nhân rộng mô hình với tinh thần kết nối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia nhưng địa phương đầu tư và quản lý.
Bộ cũng đã xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, hình thành 8 văn phòng ở các nước phát triển, trong đó Hoa Kỳ có hai văn phòng, quy tụ gần 2.000 chuyên gia, nhà khoa học người Việt trên khắp thế giới, thuộc nhiều ngành, lĩnh vực. "Đây có thể coi là nguồn lực quý giá, hay có thể nói là vô giá để kết nối lực lượng nghiên cứu trong và ngoài nước, tranh thủ nguồn lực này để phát triển đất nước", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Trong phiên chất vấn đầu giờ chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng tham gia trả lời, giải trình làm rõ thêm các vấn đề đại biểu quan tâm. Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, lĩnh vực khoa học công nghệ là lĩnh vực khá thuận lợi, có hành lang pháp lý và các văn bản quy phạm pháp luật quy định khá đầy đủ. Bộ Khoa học và công nghệ cũng đang rất bận rộn để tổng kết, đánh giá và đề xuất đổi mới trong lĩnh vực này…
Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian qua lĩnh vực khoa học công nghệ nước ta đã có những đóng góp cụ thể, được các tổ chức quốc tế đánh giá, tốc độ đổi mới trong lĩnh vực này đạt mục tiêu đề ra. Nước ta cũng là nước đứng thứ 5 trên thế giới làm chủ được công nghệ 5G...
Thừa nhận còn những tồn tại trong lĩnh vực này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh đây là lĩnh vực mang tính liên ngành, do vậy, để giải quyết tồn tại cần đổi mới tư duy, cách thức quản lý… Theo Phó Thủ tướng, ngân sách đầu tư cho nghiên cứu của lĩnh vực khoa học công nghệ chưa hiệu quả, nếu so với thế giới có thể chúng ta đang ở mức thấp nhất. Do vậy, chúng ta cần gia tăng áp lực đổi mới cho các doanh nghiệp trong thời gian tới theo hướng chuyển từ kinh tế dựa vào tài nguyên sang kinh tế dựa vào tri thức.
Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề quản lý các Quỹ trong lĩnh vực này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần phải đổi mới cách thức quản lý tài chính, tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, đáp ứng cân bằng giữa cung và cầu, đảm bảo tính ổn định, bền vững của Quỹ… ; đồng thời, hoàn thiện các quy định và có chính sách đặc thù bảo vệ quyền sở hữu, quyền tác giả khi chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ…
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ, Chính phủ đang chỉ đạo tổng kết các chính sách lớn trong lĩnh vực này, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội sẽ được tiếp thu, nghiên cứu để có những đề xuất chính sách tốt hơn để triển khai trong thời gian tới.