Giải thưởng Kovalevskaia năm 2012 vừa được trao tặng một tập thể và một cá nhân phụ nữ có nghiên cứu khoa học có giá trị kinh tế-xã hội được ứng dụng trong thực tế.
”Hạnh phúc là giúp bệnh nhân có được nụ cười”
PGS.TS Bạch Khánh Hòa -nguyên Trưởng khoa Xét nghiệm sàng lọc - Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương nói giản dị như thế khi chia sẻ cảm xúc về những thành công sau chặng đường dài hơn 30 năm tận tụy với nghề của mình. Nhiều năm, bà đã cùng đồng nghiệp có những đóng góp thầm lặng góp phần khắc phục hậu quả do chiến tranh hóa học để lại đối với cựu chiến binh Việt Nam. Các nghiên cứu của bà còn góp phần tạo ra kỹ thuật mới trong sàng lọc bệnh lây qua đường truyền máu để có được máu sạch phục vụ điều trị.
Các tác giả nhận Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại lễ trao giải thưởng Kovalevskaia 2012 và Cuộc thi viết những tấm gương phụ nữ Việt Nam “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Ảnh: Lâm Khánh-TTXVN |
Tốt nghiệp Đại học Y Hà nội năm 1978, PGS.TS Bạch Khánh Hòa được phân công về công tác tại khoa Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai, nay là Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Bà cùng đồng nghiệp tiến hành nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên khoa sâu Miễn dịch Huyết học. Đó là vấn đề rối loạn di truyền tế bào ở cựu chiến binh chiến trường B và con cái họ; nghiên cứu về thai dị tật và những hậu quả do chiến tranh hóa học để lại sau chiến tranh chống Mỹ ở những cựu chiến binh có thời gian chiến đấu ở chiến trường B. Từ đó, nghiên cứu sản xuất bộ sinh phẩm định lượng - phetoprotein để phát hiện rất sớm hiện tượng bất thường của thai. Không dừng lại ở đó, kết quả Đề tài cấp nhà nước về ”Nghiên cứu các biến đổi về di truyền, miễn dịch, sinh hóa, huyết học và tồn lưu điôxin trên các đối tượng bị phơi nhiễm có nguy cơ cao” mà bà tham gia đã góp phần minh chứng hậu quả của chất điôxin của Mỹ gây ra cho người Việt Nam.
Từ đề tài “Góp phần tìm hiểu hệ kháng nguyên bạch cầu ở Việt Nam, kỹ thuật phát hiện và ứng dụng”, năm 1991, PGS.TS Bạch Khánh Hòa là người tham gia lựa chọn người cho và người nhận thận, góp phần vào thành công ca ghép tạng đầu tiên ở Việt Nam. Từ đó đến nay, bà thường xuyên tham gia hỗ trợ một số bệnh viện như Việt Đức, Bạch Mai, Nhi Trung ương, 19-8 để triển khai công tác ghép thận, gan và đặc biệt là ghép tủy đồng loại ở những ca đầu tiên và phương pháp điều trị này đã mang lại kết quả rất tốt cho bệnh nhân.
Những nghiên cứu về kháng nguyên khác như kháng nguyên hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu đoạn trung tính của bà cũng hỗ trợ cho công tác điều trị ngày càng hiệu quả cao hơn.
Những công trình phục vụ cuộc sống
24 năm hoạt động, tập thể nữ cán bộ Trung tâm Sinh học thực nghiệm - Viện Ứng dụng công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cho ra đời nhiều sản phẩm ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào đời sống, cống hiến cho sự nghiệp khoa học và công nghệ của nước nhà một cách thiết thực.
Ngay từ năm 1993, Trung tâm đã thực hiện đề tài cấp nhà nước "Nghiên cứu công nghệ sản xuất các chế phẩm giàu dinh dưỡng và giàu hoạt tính sinh học từ nguồn vi tảo phục vụ cho dinh dưỡng người và động vật", bước đầu chế thử sản phẩm viên nén, cốm Lina từ tảo Spirulina và thức ăn tổng hợp cho ấu trùng tôm từ vi tảo. Đề tài đã được Hội đồng KHCN nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc và đoạt giải thưởng VIFOTEC dành cho các công nghệ ưu tiên năm 1996.
Năm 2008 Trung tâm tiếp tục thực hiện Dự án sản xuất thử nghiệm "Sản xuất một số sản phẩm (viên nén, viên nang, cốm) giàu dinh dưỡng và giàu hoạt tính sinh học từ tảo Spirulina" nhằm triển khai kết quả nghiên cứu đưa sản phẩm ra thị trường. Cả 3 sản phẩm viên nén, viên nang và cốm dinh dưỡng đều được tiến hành thử nghiệm lâm sàng và đã đăng kí chất lượng tại Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế. Trong đó đặc biệt phải kể đến sản phẩm cốm dinh dưỡng WELSPI là sản phẩm dành cho trẻ em. Kết quả tiếp thị và bán hàng cho thấy đây là sản phẩm có tiềm năng phát triển tốt.
Năm 2006, Trung tâm Sinh học thực nghiệm đã thực hiện đề tài trọng điểm cấp bộ "Nghiên cứu trồng cây Nopal trên các vùng đất, cát khô hạn làm cây che phủ đất, làm thức ăn gia súc và bước đầu xác định khả năng làm rau cho người". Trung tâm trở thành đơn vị nghiên cứu đầu tiên nhập nội cây xương rồng Nopal từ Mêhicô, nhân giống thành công với số lượng cây giống khá lớn và triển khai trồng thử nghiệm cây Nopal trên diện rộng, tạo nguồn cây giống phục vụ công tác chống sa mạc hóa, xói mòn và cung cấp rau quả cho các vùng đất khô cằn. Kết quả nghiên cứu đã được tặng cúp vàng Techmart Việt Nam năm 2007.
Một hướng nghiên cứu hợp tác có hiệu quả là Trung tâm thực hiện với Hàn Quốc thông qua các đề tài nghị định thư về công nghệ bảo quản màng. Đề tài đã được ứng dụng thực tế tại Công ty xuất nhập khẩu Bắc Giang để bảo quản vải và Công ty xuất nhập khẩu hoa quả Sài Gòn bảo quản xoài cát Hòa Lộc giúp các đơn vị kéo dài được thời gian bảo quản quả đảm bảo chất lượng xuất khẩu.
Đặc biệt, năm 2011, Trung tâm đã đăng ký và được giao thực hiện nhiệm vụ cấp nhà nước "Khai thác và phát triển nguồn gen Lan Kim tuyến và Bạch Tật Lê làm nguyên liệu sản xuất thuốc". Kết quả bước đầu đã nhân giống thành công cây thuốc Lan Kim tuyến thuộc danh mục sách đỏ Việt Nam - giúp Trung tâm một lần nữa trở thành đơn vị đầu tiên ở Việt Nam nhân giống và trồng thành công Lan Kim tuyến bằng kĩ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật. Gần đây, Trung tâm đã tập trung vào hướng nghiên cứu tạo các chế phẩm sinh học phục vụ sức khỏe con người như: nghiên cứu tạo sản phẩm đường không năng lượng dành cho bệnh nhân tiểu đường được tách chiết từ quả La Hán, chế phẩm giàu probiotic từ cám gạo bổ sung vào thực phẩm giúp cải thiện hệ tiêu hóa, bột chiết chè xanh giàu polyphenol hay nước uống từ nấm Kombucha có tác dụng ngăn ngừa lão hóa.
Thanh Hòa