Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng về mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới; cảm ơn, trân trọng và đánh giá cao sự giúp đỡ, hợp tác có hiệu quả, thiết thực của Ngân hàng Thế giới trong phát triển kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là sự hỗ trợ cho các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như tư vấn chính sách, đào tạo nguồn nhân lực…; hoan nghênh sự hợp tác có hiệu quả của Ngân hàng Thế giới với các cơ quan hữu quan và địa phương của Việt Nam, đặc biệt là với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Việt Nam đang tập trung giải quyết 3 khâu đột phá là: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển kết cấu hạ tầng. Do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, Việt Nam đang phải tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội… Do vậy, Việt Nam rất mong nhận được sự trợ giúp có hiệu quả của Ngân hàng Thế giới cả về nguồn lực tài chính, tư vấn chính sách và kinh nghiệm quản lý…
Bà Sri Mulyani Indrawati đã bày tỏ vui mừng được sang thăm Việt Nam; đánh giá cao những thành tựu kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được, nhất là trong bối cảnh Việt Nam phải chịu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu; đồng thời, ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian qua. Bà Sri Mulyani Indrawati đánh giá cao những mục tiêu, định hướng phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam. Chúc mừng Việt Nam đã vượt qua tình trạng nước nghèo, kém phát triển trở thành nước có thu nhập trung bình, đó là cơ hội để Việt Nam có thể tiếp cận với nguồn tài chính lớn hơn của Ngân hàng Thế giới.
Thay mặt Ngân hàng Thế giới, bà Sri Mulyani Indrawati cam kết Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục cung cấp thông tin, chia sẻ những kinh nghiệm của các nước khác nhau trên thế giới để giúp Việt Nam tránh được những va vấp mà các nước đã gặp phải; sẵn sàng cung cấp các hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật nhằm giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện thành công chương trình cải cách kinh tế mà Việt Nam đang theo đuổi.
* Cùng ngày, phát biểu tại buổi tiếp Giám đốc điều hành của Ngân hàng Thế giới, bà Sri Mulyani Indrawati tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn, trong thời gian tới WB tiếp tục hợp tác, hỗ trợ tích cực hơn nữa cho Việt Nam trong chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chính sách, hỗ trợ nguồn lực thông qua các dự án thực hiện các mục tiêu phát triển như mục tiêu tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo, các dự án xây dựng về kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế...
Hoan nghênh bà thăm, làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ cảm ơn Ngân hàng Thế giới đã ủng hộ, đồng hành cùng Việt Nam trong suốt chặng đường phát triển trong những năm qua, đặc biệt trong thời gian gần đây khi mà khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra, tác động mạnh tới nền kinh tế Việt Nam.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong bối cảnh khủng hoảng và suy thoái, bằng sức mạnh nội lực cùng với sự hợp tác, hỗ trợ có hiệu quả của cộng đồng quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới, đến nay Việt Nam đã đạt được những kết quả hết sức tích cực trên các mặt phát triển kinh tế-xã hội, lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô dần đi vào ổn định… Cùng đó, công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe y tế cho người dân… được chú trọng đảm bảo thực hiện. Năm 2012, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì thực hiện chính sách ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi liền với các tiến bộ và công bằng xã hội…
Bà Sri Mulyani Indrawati chúc mừng những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trước bối cảnh khủng hoảng và suy thoái toàn cầu. Bà cho rằng Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia đang phát triển đạt được những thành tựu quan trọng trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Theo bà Sri Mulyani Indrawati, việc Chính phủ Việt Nam đề ra mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của năm 2012 như duy trì tăng trưởng GDP tương đương năm 2011, đưa lạm phát về một con số, thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội… là những yếu tố quan trọng để giúp Việt Nam tiếp tục phát triển theo hướng bền vững trong thời gian tới.
Thiện Thuật