Chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan
Từ ngày 1/10/2018 đến ngày 31/7/2019, các Tòa án đã giải quyết được 410.572 vụ việc trong tổng số 539.559 vụ việc đã thụ lý (đạt 76,1%). So với cùng kỳ năm trước, số vụ việc đã thụ lý tăng 63.949 vụ; đã giải quyết tăng 56.427 vụ.
Qua công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết việc tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được chú trọng theo hướng thực chất, hiệu quả; công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng được thực hiện đúng quy định của pháp luật nên chất lượng xét xử được đảm bảo; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án là 1,1%, đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra. Các Tòa án đã hạn chế đến mức thấp nhất việc để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.
Việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; thời gian qua đã đưa ra xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được dư luận xã hội quan tâm như vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và các đồng phạm bị truy tố, xét xử về các tội “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Tổ chức đánh bạc”, “Đánh bạc”, “Mua bán trái phép hóa đơn”, “Rửa tiền”, “Đưa hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và một số địa phương; vụ án Phan Văn Anh Vũ phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương...
Hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, vừa nghiêm khắc, vừa đảm bảo tính khoan hồng, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Trong 10 tháng qua, các Tòa án nhân dân đã hòa giải thành 164.767 vụ (tăng 16.914 vụ so với cùng kỳ năm 2018), chiếm 54,1% tổng số các vụ việc dân sự đã giải quyết.
Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, việc tranh tụng tại phiên tòa được các Tòa án tiếp tục triển khai sâu rộng theo hướng thực chất; đã phối hợp với Viện kiểm sát các cấp tổ chức 8.099 “Phiên tòa rút kinh nghiệm”. Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có tiến bộ, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán là 1,1%, thấp hơn 0,4% so với chỉ tiêu mà Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội đề ra. Việc trả hồ sơ cho Viện kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật; việc áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định với 99,83% các trường hợp cho hưởng án treo không bị Tòa án cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy, sửa án.
Mặc dù số lượng án tăng 63.949 vụ so với năm trước, nhưng hầu hết các vụ án đều được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật, chỉ còn 80 vụ án dân sự và hành chính để quá hạn luật định do lỗi chủ quan của Tòa án. Tỷ lệ hòa giải thành tiếp tục được duy trì ở mức cao (54,1%).
Bên cạnh các kết quả đạt được, ông Nguyễn Hòa Bình đã nêu ra một số hạn chế, thiếu sót như: Tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính và giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa cao; còn có trường hợp áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chưa chính xác; xác định chưa đúng, chưa đầy đủ các thành phần tham gia tố tụng...
Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết là một trong các nhiệm vụ trọng tâm công tác Toà án trong thời gian tới.
Tòa án các cấp chú trọng làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự và công tác đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính; khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn xét xử do lỗi chủ quan của Tòa án; phấn đấu không để xảy ra việc xét xử oan hoặc bỏ lọt tội phạm; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; thực hiện tốt công tác thi hành án hình sự; tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp.
Số vụ án mới khởi tố trong các nhóm tội phạm đều tăng
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, trách nhiệm công tố được tăng cường ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện kiểm sát theo luật định, nhất là những nhiệm vụ mới, quy định mới của pháp luật; gắn hoạt động công tố với hoạt động điều tra; chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa được nâng cao, đảm bảo căn cứ và tính thuyết phục của quyết định truy tố...
Năm 2019, cơ quan chức năng đã khởi tố mới 65.924 vụ án, tăng 9,4% so với năm 2018; số vụ án mới khởi tố trong các nhóm tội phạm đều tăng. Trong đó, số vụ án về nhóm tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia tăng 58,8%. Số vụ án về ma túy tăng 12,6%, lực lượng chức năng liên tiếp bắt giữ nhiều vụ vận chuyển số lượng ma túy lớn. Số vụ án về nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường tăng 10,2%; đã phát hiện nhiều vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, vi phạm các quy định về cho vay trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng gây hậu quả nghiêm trọng, nhiều vụ án trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Số vụ án về nhóm tội xâm phạm trật tự xã hội tăng 5,4%. Tội phạm về tham nhũng, chức vụ khởi tố mới tăng 3,8%, đã khởi tố điều tra nhiều vụ xảy ra trong lĩnh vực đầu tư công, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, với động cơ tư lợi của người có chức vụ, quyền hạn.
Theo ông Lê Minh Trí, Viện kiểm sát nhân dân đã phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng. Các trường hợp oan sai giảm, việc bỏ lọt tội phạm từng bước được hạn chế (số người bị bắt, tạm giữ hình sự sau phải xử lý hành chính, trả tự do giảm 0,6%; số vụ án có sai sót, vi phạm phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung giảm 0,6%; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn vượt 9,9%, tỷ lệ truy tố đúng tội danh vượt 4,9% so với yêu cầu của Quốc hội; số bị cáo Tòa án tuyên không phạm tội giảm 50% so với năm 2018; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm vượt 8,6% so với chỉ tiêu của Quốc hội). Vai trò của hoạt động kiểm sát trong quá trình giải quyết vụ án hình sự ngày càng được khẳng định, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Tuy nhiên, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, so với yêu cầu vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót: còn có việc phê chuẩn, áp dụng biện pháp ngăn chặn thiếu chính xác; để xảy ra 33 bị can phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm; tiến độ giải quyết án của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao có tăng, nhưng chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội...
Qua thực tế giải quyết một số vụ án hình sự, ông Lê Minh Trí nhận định, vi phạm trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm, tội phạm và gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội.
Do đó, ông Lê Minh Trí kiến nghị Quốc hội chỉ đạo việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế pháp luật bảo đảm giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, bảo đảm pháp chế thống nhất và giao cho cơ quan độc lập thực hiện nhiệm vụ này; có chế tài xử lý nghiêm đối với việc ban hành các văn bản dưới luật vi phạm Hiến pháp, trái luật, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.