Giám sát việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự tại Cần Thơ

Ngày 16/4, tại thành phố Cần Thơ, Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp do ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm Trưởng đoàn, đã làm việc với lãnh đạo thành phố Cần Thơ về việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự.

Tham gia làm việc với Đoàn có lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội và các sở, ban, ngành liên quan của thành phố Cần Thơ.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc.

Theo Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, đến nay trên địa bàn thành phố có 3 tổ chức giám định tư pháp công lập, trong đó có 2 tổ chức do địa phương quản lý là Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế và Phòng Kỹ thuật Hình sự thuộc Công an thành phố; còn một tổ chức là Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nam bộ thuộc quyền quản lý của Bộ Y tế.

Tính đến cuối năm 2018, số lượng giám định viên tư pháp trên địa bàn thành phố là 132 người, tập trung nhiều nhất là lĩnh vực Pháp y có 53 giám định viên, lĩnh vực Xây dựng có 27 giám định viên, Kỹ thuật hình sự có 17 giám định viên, các lĩnh vực còn lại có từ 2 đến 7 giám định viên.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, thời gian qua thành phố Cần Thơ còn gặp một số khó khăn, bất cập trong việc thực hiện Luật Giám định tư pháp, như quy định của pháp luật tố tụng về trưng cầu giám định, đánh giá sử dụng kết luận giám định còn thiếu cụ thể nên việc thực hiện thiếu thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Mặc dù thành phố luôn quan tâm đảm bảo kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất, nhưng việc đầu tư trang thiết bị, máy móc thực hiện công tác giám định tư pháp lớn nên chưa đáp ứng đầy đủ các trang thiết bị hiện đại cho các tổ chức giám định tư pháp công lập.

Đến nay, thành phố Cần Thơ cũng chưa có giám định viên tư pháp đăng ký thành lập Văn phòng giám định tư pháp. Việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các giám định viên chưa được các bộ, ngành Trung ương quan tâm nên đôi khi giám định viên còn lúng túng khi tiếp nhận những vụ việc phức tạp, mới phát sinh.

Mặt khác, hiện nay chưa có quy định về sự phối hợp giữa các ngành công an và y tế trong hoạt động giám định pháp y nên địa phương còn gặp khó khăn trong công tác phối hợp. Chế độ chính sách đối với giám định viên tư pháp còn khiêm tốn, chưa tạo động lực cho các giám định viên khi hành nghề, cũng như thu hút người có chuyên môn cao tham gia vào các hoạt động giám định...

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát cho biết Luật Giám định tư pháp được Quốc hội thông qua năm 2012 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.

Qua quá trình hơn 5 năm tổ chức thực hiện Luật cũng như các hoạt động giám định tư pháp đã thể hiện một số hạn chế, bất cập. Cụ thể như giám định tư pháp ở một số lĩnh vực chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế... Số lượng, chất lượng, đội ngũ giám định viên phục vụ cho việc giải quyết các vụ án, đặc biệt là giải quyết các vụ án về an ninh, kinh tế, quốc phòng chưa đáp ứng yêu cầu.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên, việc lập danh sách công bố người giám định theo vụ việc có những hạn chế, bất cập chưa theo sát được yêu cầu thực tế của hoạt động tố tụng. Một số cơ quan, bộ, ngành chưa xác định rõ trách nhiệm, vừa là cơ quan phải thực hiện giám định, vừa là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động giám định, nên chưa phân công các đầu mối để tiếp nhận các trưng cầu giám định, gây lúng túng, khó khăn cho các cơ quan trưng cầu.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi làm việc.

Hoạt động giám định tư pháp trong thời gian vừa qua kết quả hạn chế, việc hướng dẫn thi hành Luật Giám định tư pháp đã triển khai nhiều nhưng số lượng văn bản chưa đáp ứng yêu cầu, chất lượng văn bản còn hạn chế...

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, có những bất cập từ quy định của pháp luật, nhưng cũng có bất cập từ việc tổ chức thực hiện. Việc giám sát là để có cơ sở đánh giá đúng thực trạng cơ quan, tổ chức, đơn vị chấp hành quy định của pháp luật về giám định tư pháp; qua đó nắm được những hạn chế, bất cập trong quy định của pháp luật để có kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp trong thời gian tới.

Tin, ảnh: Ngọc Thiện (TTXVN)
Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em
Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em

Sáng 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của QH, Ủy ban Thường vụ QH năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN