Qua giám sát thực tế tại Trại tạm giam Công an tỉnh, nhà tạm giữ Công an thành phố Hải Dương, Đoàn công tác ghi nhận, đánh giá cao những kết quả Hải Dương đạt được. Đoàn nhận thấy Hải Dương đã thực hiện tốt các quy định của pháp luật về tạm giam, tạm giữ, tuy nhiên, còn một số hạn chế, bất cập do nguyên nhân khách quan, chủ quan.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị trên cơ sở ý kiến Đoàn giám sát, Công an tỉnh Hải Dương và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương hoàn thiện báo cáo gửi Đoàn giám sát; cần cụ thể hơn các kiến nghị về việc hoàn thiện pháp luật để làm căn cứ cho Đoàn tổng hợp tham mưu các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan được giám sát và quyền của người bị tạm giữ, tạm giam.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Lê Văn Hiệu đề nghị cơ quan được giám sát tiếp thu đầy đủ ý kiến Đoàn giám sát. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng cho biết sẽ quan tâm kịp thời khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất cho các nhà tạm giam, tạm giữ.
Theo Công an tỉnh Hải Dương, từ 2021 - 2023, Hải Dương đã thực hiện tạm giữ đối với 3.087 người và tạm giam đối với 6.111 người. Về cơ sở vật chất của cơ sở giam giữ, Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương đóng tại thành phố Hải Dương và 1 phân trại đóng tại thành phố Chí Linh, có 11 nhà tạm giữ nằm trong khuôn viên trụ sở công an cấp huyện và 1 nhà tạm giữ nằm độc lập. Trong đó, 4 nhà tạm giữ Công an thành phố Chí Linh, Thị xã Kinh Môn, các huyện Thanh Hà, Ninh Giang đều xây dựng đã lâu, xuống cấp và không có các công trình phụ trợ.
Cơ sở hạ tầng tại Trại tạm giam Công an tỉnh đã xuống cấp và quá tải, chưa có khu giam riêng bị án tử hình nữ. Các nhà tạm giữ Công an huyện ở Thanh Hà, Ninh Giang và thành phố Chí Linh chưa được trang bị hệ thống kiểm soát an ninh theo tiêu chuẩn Bộ Công an. Các cơ sở giam giữ chưa được trang bị hệ thống ghi âm, ghi hình có âm thanh, chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải.
Hoạt động kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam được triển khai đúng quy định, đưa công tác thi hành tạm giữ, tạm giam đi vào nền nếp, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tạm giữ, tạm giam. Trong giai đoạn 2021 - 2023, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp tỉnh Hải Dương đã tiến hành 172 lần kiểm sát thường kỳ và đột xuất tại Trại tạm giam và nhà tạm giữ.
Theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, thời gian qua, số lượng vụ án, vụ việc tăng, tính chất ngày càng phức tạp, số người bị tạm giữ, tạm giam tăng trong khi điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng đủ cho công tác quản lý giam giữ; biên chế lực lượng chưa tương xứng.
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Công an tỉnh Hải Dương đề nghị cơ quan trực thuộc Chính phủ tham mưu, đề xuất bố trí kinh phí đảm bảo cho hoạt động của cơ quan quản lý, thi hành tạm giam, tạm giữ cấp tỉnh và cấp huyện. Đề nghị Bộ Công an quan tâm chỉ đạo việc xây mới trụ sở Trại tạm giam Công an tỉnh; đầu tư kinh phí để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các cơ sở giam giữ đảm bảo quy mô và an toàn; trang bị đồng bộ các phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác giam giữ; bổ sung biên chế cán bộ, tăng phụ cấp đặc thù cho cán bộ chiến sĩ công tác tại các nhà tạm giữ.