Các ý kiến tham luận tại hội nghị đã tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; bất cập trong công tác giám định tư pháp phục vụ cho điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng; phạm vi, phương thức phối hợp tham gia với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Thành ủy về công tác cán bộ theo phân cấp và tham gia bổ nhiệm một số chức danh tư pháp. Một số đại biểu nêu kiến nghị Trung ương hướng dẫn cụ thể phạm vi, đối tượng nhiệm vụ kiểm tra; quy trình nội dung, quy định Bí thư cấp ủy các cấp trực tiếp chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh: Năm 2017, Ban Nội chính cụm 2 triển khai toàn diện 5 nhóm nhiệm vụ theo Quy định 183 QĐ/TW, gồm: tiếp tục nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho cấp ủy về công tác nội chính; tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa phát hiện, xử lý tham nhũng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về lĩnh vực nội chính và phòng chống tham nhũng; tiếp tục kiện toàn về tổ chức, bộ máy đủ mạnh để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng ban hành quy chế phối hợp, quy chế nội bộ.
Các Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy trong cụm 2 cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới; tham mưu xử lý những vấn đề nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc gia và phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của cấp tỉnh, thành phố; nắm chắc tình hình để tham mưu cho Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo kịp thời, giải quyết các vấn đề nổi lên về an ninh biên giới, vấn đề tôn giáo, dân tộc, an ninh nông thôn và hoạt động của các đối tượng chống đối, hoạt động của các loại tội phạm nguy hiểm; các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài.
Năm 2016, các Ban Nội chính cụm 2 đã tích cực triển khai tốt 5 nhóm nhiệm vụ được giao. Trong đó, công tác nghiên cứu đề xuất, hướng dẫn kiểm tra được triển khai đồng bộ, rõ nét, có nhiều đổi mới. Các Ban Nội chính trong cụm đã chủ trì, phối hợp tham mưu cho cấp ủy ban hành 316 văn bản liên quan đến công tác nội chính và phòng chống tham nhũng. Các Ban Nội chính trong cụm tham mưu, đề xuất với cấp ủy cho chủ trương, định hướng, chỉ đạo xử lý 107 vụ việc, vụ án; tham mưu đề xuất với Ban Thường vụ cấp ủy chỉ đạo xử lý, đưa ra khỏi diện theo dõi 54/66 vụ phòng chống tham nhũng mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng giao cho.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số Ban Nội chính còn lúng túng trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, nhất là đối với các cơ quan nội chính địa phương. Công tác thẩm định còn có nhiều hạn chế, có một số Ban tham gia còn ít, hoặc chưa tiến hành thực hiện nhiệm vụ này. Công tác phối hợp tham mưu cho Thường trực, Ban Thường vụ các Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo xử lý các vụ việc và vụ án về nội chính và tham nhũng chưa nhiều…