Tham dự tại đầu cầu Hà Nội có Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma, đại diện Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ. Tại đầu cầu Ấn Độ có Đại sứ Phạm Sanh Châu, cùng cán bộ chủ chốt đại sứ quán.
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, hai nước Việt Nam và Ấn Độ có truyền thống hữu nghị lâu đời. Ấn Độ là nơi khởi nguồn của đạo Phật. Ở Việt Nam, Phật giáo với hơn 2.000 năm lịch sử đã trở thành niềm tin tôn giáo, thành tố văn hóa quan trọng của dân tộc; luôn trở thành cầu nối cho tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Ấn Độ. Hàng năm, có hàng nghìn Phật tử Việt Nam tới các thánh địa Phật giáo và hàng trăm tăng, ni được đào tạo tại các trường đại học ở Ấn Độ. Đây chính là sứ giả đặc biệt cho tình hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam.
Bày tỏ đau buồn khi làn sóng dịch COVID-19 thứ hai xảy ra tại Ấn Độ, gây nhiều mất mát cho nhân dân đất nước này, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, với tình cảm của những người con Phật và tình cảm hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân hai nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ với những đau thương đó; khẳng định tình đoàn kết và luôn là người bạn tốt của nhân dân Ấn Độ.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu cho biết, số quà Giáo hội Phật giáo Việt Nam trao tặng gồm 100 máy thở VFS-410 và 50 máy tạo oxy Nuvo Nidek, trị giá gần 14 tỷ đồng, với mong muốn góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân Ấn Độ trong cuộc chiến chống COVID-19. Đây là sự chia sẻ của tăng, ni, Phật tử Việt Nam, trong đó có các tăng, ni, sinh viên, cựu du học sinh tại Ấn Độ. Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu mong muốn số vật tư y tế này sớm đến tay nhân dân Ấn Độ; tin tưởng Chính phủ và nhân dân Ấn Độ sớm vượt qua thảm họa thế kỷ này.
“Đại dịch COVID-19 đã khiến cả thế giới nhận ra rằng chúng ta cần sát cánh bên nhau và phải cùng nhau hành động vì mục tiêu và lợi ích chung. Các nước cần phải ngồi lại với nhau, hợp tác tìm giải pháp chung toàn cầu, chia sẻ bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine phòng COVID-19, không có sự phân biệt. Chỉ khi đó nhân loại mới thực sự bình an”, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nói.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, Chính phủ và nhân dân Việt Nam quan tâm, chia sẻ, đồng cảm với nhân dân Ấn Độ trước tác động của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ hai gây nhiều thiệt hại cho đất nước này. Số quà được trao tặng cho nhân dân Ấn Độ là nỗ lực lớn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các tăng, ni, Phật tử, nhân dân và Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát lần thứ tư tại nước ta. Qua đó, thể hiện tình cảm, tinh thần đoàn kết, gắn bó, tình tương thân, tương ái truyền thống vốn có giữa hai dân tộc, góp phần tăng cường và siết chặt thêm mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc.
Cho biết Chính phủ Việt Nam đã sớm chuyển một số vật tư y tế trị giá 70 nghìn USD và ngày 11/5, Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ đã trao tặng 100 máy thở cho nhân dân Ấn Độ phòng, chống dịch, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng tin tưởng, với năng lực to lớn về dược phẩm và y tế, sự nỗ lực bền bỉ của Chính phủ và nhân dân Ấn Độ, đất nước Ấn Độ sẽ sớm vượt qua các thách thức hiện nay, chiến thắng dịch bệnh và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn những tình cảm quý báu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các tăng, ni, Phật tử, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma bày tỏ, thông điệp về lòng yêu thương, sự quan tâm, lòng tốt của đức Phật là sợi dây bền chặt gắn kết nhân dân hai nước và cả nhân loại cùng nhau chiến đấu với bệnh dịch, xoa dịu nỗi đau do dịch COVID-19 để lại. Sự kiện hôm nay là lời nhắc nhở khủng hoảng toàn cầu do COVID-19 đang tác động tới cả nhân loại và chúng ta cần có tác động toàn cầu. Kinh nghiệm đối phó với cuộc khủng hoảng trong suốt hơn 1 năm qua cho thấy, không đất nước nào có thể một mình đánh bại việc này, cũng như tầm quan trọng trong hợp tác quốc tế, nỗ lực đối phó với khủng hoảng. Ấn Độ luôn tin tưởng vào triết lý “thế giới là một nhà”.
Theo Đại sứ Pranay Verma, Ấn Độ đang đối mặt với thách thức to lớn trong nước. Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam ủng hộ những vật tư y tế đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho phòng, chống dịch đã thể hiện sự kết nối nhân văn tốt đẹp, trọng tâm của tình bạn, mối quan hệ chiến lược đã được thử thách qua thời gian của hai nước.
Từ Ấn Độ, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho hay, trực tiếp chứng kiến hàng ngày những khó khăn của nhân dân Ấn Độ, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đồng cảm và luôn mong muốn người dân Việt Nam có những hành động thiết thực bày tỏ sự đoàn kết, ủng hộ đối với nhân dân Ấn Độ. Đến nay, có 40 quốc gia đã và đang hỗ trợ nước này bằng nhiều hình thức khác nhau. Là những người ở tâm dịch, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán đang cố gắng làm những việc tích cực nhất để làm giảm nỗi đau khổ của nhân dân Ấn Độ.