Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, quan hệ hữu nghị Việt Nam và Ấn Độ có truyền thống lâu đời, bắt nguồn từ mối quan hệ văn hóa, giao thương, tôn giáo, hòa bình từ hơn 2.000 năm trước. Đến nay, tất cả các lĩnh vực hợp tác giữa hai quốc gia, từ kinh tế, thương mại, đầu tư đến an ninh, quốc phòng, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, giáo dục đã phát triển nhanh chóng.
Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ được thành lập từ năm 1982, đã phát huy tốt vai trò đối ngoại nhân dân của mình, góp phần thắt chặt tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Truyền thống đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau, tình hữu nghị Việt-Ấn đã được thử thách và vun đắp qua nhiều thời kỳ, trong hòa bình và lúc chiến tranh, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn, khủng hoảng.
Đại dịch COVID-19 là một trong những thách thức lớn nhất trong 100 năm qua của nhân loại. Bộ Thông tin và Truyền thông đã huy động toàn ngành, từ các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, các cơ quan báo chí, truyền thông, nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch. Ở Ấn Độ, Chính phủ và người dân cũng đang triển khai nhiều biện pháp để kiềm chế và đẩy lùi đại dịch. Việt Nam và Ấn Độ có thể chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn, nhiều bài học giá trị để cùng nhau chiến thắng dịch bệnh.
Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Trong những lúc khó khăn như hiện nay, hơn bao giờ hết, tình đoàn kết, hữu nghị Việt - Ấn càng được khẳng định và phát huy giá trị. Với mong muốn chia sẻ và góp phần nhỏ bé cùng nhân dân Ấn Độ ngăn chặn dịch bệnh, chúng tôi đã vận động các doanh nghiệp trong ngành Thông tin và Truyền thông ủng hộ 100.000 khẩu trang vải kháng khuẩn cho nhân dân Ấn Độ. Món quà tuy nhỏ bé nhưng là tình cảm, tình đoàn kết, hữu nghị của nhân dân Việt Nam dành cho nhân dân Án Độ anh em.
Tiếp nhận món quà, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma đã gửi lời cảm ơn chân thành đến Hội Hữu nghị Việt Nam- Ấn Độ và cho biết những chiếc khẩu trang - “món quà từ người dân thân thiện Việt Nam” sẽ được phân phối rộng rãi cho nhân dân Ấn Độ.
Ngài Đại sứ Pranay Verma cho biết, ngày 13/4, Thủ tướng hai nước đã có cuộc điện đàm và đồng ý rằng các cơ quan hai nước sẽ giữ liên lạc trong những ngày tới để phối hợp các biện pháp ứng phó với đại dịch cũng như các khía cạnh khác của quan hệ song phương.
Trước đó, trong cuộc trao đổi trực tiếp với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề cập đến những thay đổi to lớn của các hoạt động xã hội trong thời gian dịch COVID-19 như làm việc từ xa, học trực tuyến, thanh toán điện tử, khám chữa bệnh trực tuyến… Việt Nam dự kiến sẽ đưa các thiết bị 5G và mạng 5G vào hoạt động tháng 10/2020. Ấn Độ được biết đến là “công xưởng phần mềm” của thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam và Ấn Độ sẽ tăng cường hợp tác với nhau trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng nhau giải quyết vấn đề mang tính toàn cầu như an toàn an ninh mạng.
Đại sứ Pranay Verma cũng trao đổi về các vấn đề công nghệ hiện nay như phát triển công nghệ 5G, xây dựng Chính phủ điện tử, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin… Đây là những vấn đề mà Việt Nam và Ấn Độ đều có những thế mạnh riêng, có thể hợp tác để cùng phát triển vì mục tiêu xây dựng một thế giới thịnh vượng.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chúc quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ ngày càng phát triển; hai nước Việt Nam, Ấn Độ và các nước trên toàn thế giới sớm chiến thắng đại dịch COVID-19.