Trao đổi với phóng viên TTXVN, con trai của Giáo sư Vũ Khiêu, Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Cảnh Khanh cho biết bố ông do tuổi cao sức yếu, dù được các giáo sư, bác sĩ và gia đình hết lòng chăm sóc nhưng không qua khỏi.
Giáo sư Vũ Khiêu, tên thật là Đặng Vũ Khiêu. Ông sinh ngày 19/9/1916 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Sau khi tốt nghiệp tú tài tại Hải Phòng, ông lên Hà Nội làm nghề dạy học và đi theo con đường cách mạng.
Ông là học giả lớn, một trí thức tiêu biểu của đất nước, đã được Đảng, Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên (1996) cho cụm công trình nghiên cứu có giá trị lớn, tiêu biểu là bộ sách “Bàn về văn hiến Việt Nam”; phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vào năm 2000; tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2006...
Năm 2010, Giáo sư Vũ Khiêu được vinh danh là một trong 11 Công dân ưu tú của Thủ đô trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Là người được thừa hưởng truyền thống hiếu học của gia tộc Đặng Vũ, sau khi tốt nghiệp trung học từ thời thuộc Pháp, ông đã bền bỉ nghiên cứu văn hóa Đông Tây, từ cổ đại đến hiện đại. Với vốn kiến thức được tích lũy trong suốt cuộc đời, ông trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa lớn.
Tham gia hoạt động cách mạng từ trước năm 1945, Giáo sư Vũ Khiêu đã đảm đương nhiều công việc ở các cơ quan Đảng, tuyên huấn, văn hóa và nghiên cứu khoa học xã hội.
Giáo sư Vũ Khiêu từng đảm nhận chức vụ Giám đốc Sở Văn hóa khu 10 tại Việt Bắc, sau đó làm Phó Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, rồi làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Giáo sư Vũ Khiêu là Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
Không chỉ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Giáo sư Vũ Khiêu còn được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên vào năm 1996.
Giáo sư Vũ Khiêu là nhân vật tiên phong nghiên cứu mỹ học tại Việt Nam, với tác phẩm “Đẹp” in năm 1963. Trong sự nghiệp của mình, Giáo sư Vũ Khiêu có nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Cao Bá Quát” in năm 1970, “Ngô Thì Nhậm” in năm 1976, “Anh hùng và Nghệ sỹ” in năm 1972, “Cách mạng và Nghệ thuật” in năm 1979… Ngoài ra, ông còn có nhiều tác phẩm dịch thuật, mà tiêu biểu là tiểu thuyết “Rừng thẳm tuyết dày”.
Là người có công đầu trong xây dựng ngành Xã hội học ở nước ta, ông đã góp phần xây dựng quan hệ đạo đức lành mạnh, phẩm chất đạo đức tốt đẹp, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hướng văn học - nghệ thuật tới cái đẹp, cái cao cả, phê phán và loại bỏ cái xấu…
Nhiều tác phẩm của Giáo sư Vũ Khiêu như: “Mác - Ăng-ghen - Lênin bàn về đạo đức”, “Đảng ta bàn về đạo đức”, “Đạo đức mới”, “Đẹp”, “Anh hùng và Nghệ sĩ”, “Cách mạng và Nghệ thuật”, “Con người mới Việt Nam và sứ mệnh quang vinh của văn nghệ”… đã chứng tỏ sức sống lâu dài cũng như ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống ở nước ta.
Sinh thời, Giáo sư Vũ Khiêu khiến nhiều người cảm phục về sức làm việc và sự minh mẫn hiếm có, bởi ngay cả khi đã bước vào tuổi 100, ông vẫn miệt mài nghiên cứu, viết lách.
Ngoài sự nghiệp nghiên cứu khoa học, tư tưởng, văn hóa, ông còn nổi tiếng với biệt tài viết câu đối và văn biền ngẫu (phú, văn tế, văn bia). Ông được xem là một bậc thầy về thể văn phú, nhất là thể hiện đề tài về lịch sử, về văn hiến dân tộc.
Ngay từ khi còn trẻ, ông đã viết hai bài phú được truyền tụng. Đó là “Truy điệu những lương dân chết đói” (3/1945) và “Văn tế anh hùng liệt sĩ của Cách mạng Tháng Tám” (8/1946).
Sau này, ông lại có tiếp nhiều bài phú nổi tiếng khác như “Phù Đổng Thiên Vương phú”, “Văn tế danh nhân văn hóa Nguyễn Quý Tân”, “Văn tế cụ Hoàng Trung Đặng Huy Trứ”, “Văn bia Lý Thái Tổ ở Hoa Lư” và đặc biệt là bài "Chúc văn Giỗ tổ Hùng Vương".
Giáo sư Vũ Khiêu cũng đã soạn rất nhiều văn bia, văn tế, cùng hoành phi, câu đối tại rất nhiều đền thờ danh nhân và đài tưởng niệm liệt sĩ trong cả nước, ca ngợi khí phách anh hùng, tâm hồn cao đẹp của các anh hùng đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.