Gác lại niềm vui sum vầy vì cái Tết an lành
Đã thành lệ, mỗi dịp Tết đến xuân sang, gia đình ông Vũ Thượng Sách và bà Dương Thị Miên ở phố Thái Học 3, phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh luôn có đông đủ con cháu sum vầy. Riêng Tết năm nay là một cái Tết đặc biệt. Đêm Giao thừa, hương sắc mùa xuân đều đã hiện diện đủ đầy trong nhà với cành đào, hoa lan, cây quất…, chỉ thiếu vắng tiếng cười đùa của con cháu.
Gia đình ông Sách, bà Miên sinh được 4 người con thì 3 người con lớn lên đều lập gia đình và sinh sống ở xa, người ở Hà Nội, người mãi trong Thành phố Hồ Chí Minh. Vì dịch COVID-19, năm nay gia đình 3 người con ở xa đều thể không về nhà ăn Tết với bố mẹ. Gia đình cô con gái lớn trong Thành phố Hồ Chí Minh đã phải hủy vé máy bay vào phút cuối, chọn ăn Tết xa quê.
“Trước thì Tết năm nào các con cháu cũng về đông đủ, ở với chúng tôi 4 đến 5 ngày, dọn phải 4 mâm cơm mới đủ chỗ. Tết nào tôi cũng gói 40 cái bánh chưng. Nhưng năm nay không nhà đứa nào về nên hai ông bà cũng chỉ mua vài chiếc bánh chưng cùng đồ lễ thắp hương gia tiên là chủ yếu, không sắm sửa gì mấy”, ông Sách cười chia sẻ.
Bữa cơm chiều 30 Tết của hai ông bà chỉ vỏn vẹn mấy món giản đơn. Gọi điện thoại cho cô con gái lớn đang sống trong Thành phố Hồ Chí Minh, bà Miên dặn: “Đón Tết nhớ chấp hành quy định 5K phòng chống dịch con nhé! Năm nay ở nhà bố mẹ cũng không gói bánh chưng. Đợi qua Tết, nếu hết dịch, các con và các cháu về đông đủ thì mới gói bánh”.
Trong giờ phút Giao thừa sắp điểm, bà Miên xúc động bồi hồi: “Cả năm chỉ chờ đến Tết để đón con đón cháu về sum vầy. Năm nay các con không về cũng buồn lắm, bâng khuâng lắm. Nhưng dịch bệnh như thế, hai vợ chồng tôi cũng động viên các con cả nhà cùng nhau chấp hành quy định chung của Chính phủ, ai ở đâu thì ăn Tết ở đó. Thôi thì ăn Tết tại nhà cũng là góp sức chống dịch rồi. Giờ chỉ mong sao chúng ta sớm chiến thắng dịch COVID-19, để các cháu được trở lại trường học, các con lại được đi làm bình thường. Đó là điều chúng tôi mong mỏi nhất lúc này”.
Không riêng gia đình bà Miên, lúc này, hàng nghìn gia đình khác tại Hải Dương cũng không có một cái Tết đoàn viên như mọi năm. Đó là những gia đình nằm trong vùng phong tỏa, cách ly, con cháu làm ăn xa không về được; những gia đình có người nhà đang chấp hành quy định cách ly tại khu cách ly tập trung; những gia đình có người thân đang góp sức mình trực tại tuyến đầu chống dịch là các chốt kiểm soát, là bệnh viện, là nơi cách ly tập trung…
Với anh Nguyễn Đức Cường, cán bộ xã Lê Lợi, thành phố Chí Linh, Giao thừa năm nay là một Giao thừa đặc biệt chưa từng có. Đã 14 ngày liền anh chưa về nhà, bởi anh đang làm nhiệm vụ trực chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên quốc lộ 37, đoạn đầu thôn Trung Quê, xã Lê Lợi. Đây là 1 trong 14 chốt kiểm soát dịch được đặt tại xã. Hiện nay, xã Lê Lợi có 32 người dân mắc COVID-19, có 2 thôn phong tỏa, cách ly y tế.
Ngay từ ngày đầu tiên Chí Linh thực hiện cách ly, phong tỏa thành phố, anh Cường đã tham gia túc trực tại đây với vai trò chốt trưởng chốt kiểm soát. Mọi sinh hoạt của 7 cán bộ trực chốt, trong đó có anh đều chỉ loanh quanh lán và ngôi nhà được người dân cho mượn nhờ với những đồ dùng đơn sơ tối thiểu.
Trong không khí se lạnh của đêm cuối năm, bên chốt trực hắt hiu ánh điện hắt ra từ chiếc lán nhỏ bên đường, anh Cường chia sẻ: “Ngày Tết, nhất là thời khắc Giao thừa thiêng liêng, ai cũng vậy thôi, đều muốn được bên cạnh gia đình, người thân. Mặc dù không được sum họp bên gia đình nhưng chúng tôi, những cán bộ trực chốt tại đây sẽ cố gắng hết mình để thực hiện nhiệm vụ, vì sự bình an, sức khỏe của mọi nhà. Mong sao trong những ngày Tết, mọi người dân vẫn sẽ chấp hành tốt quy định phòng chống dịch để cùng với các cấp chính quyền, sẽ đẩy lùi được dịch bệnh”.
Không tính các chốt phong tỏa của các xã, phường, hiện nay, Chí Linh có 13 chốt kiểm soát của thành phố và 5 chốt cấp tỉnh và 33 điểm cách ly tập trung. Chỉ tính riêng khu vực cách ly tập trung đã có trên 400 cán bộ trực làm nhiệm vụ, phục vụ cách ly cho trên 6.000 người. Tại Bệnh viện dã chiến số 1 đang điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Trung tâm Y tế thành phố Chí Linh, hàng chục bác sĩ đang ngày đêm không ngủ, nỗ lực cứu chữa gần 200 bệnh nhân đang điều trị tại đây.
Bí thư Thành ủy Chí Linh Hoàng Quốc Thưởng cho biết: “Năm nay, Chí Linh đón một cái Tết đặc biệt: vừa đón Tết vừa chống dịch. Chúng tôi động viên toàn thể đảng viên, cán bộ, nhân dân vui đón Tết nhưng vẫn coi nhiệm vụ chống dịch hàng đầu. Mong toàn thể bà con vui xuân thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch, đón Tết tại nhà và chúc Tết người thân bạn bè qua điện thoại, zalo, facebook”.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Chí Linh cũng đã sẵn sàng các phương án để đảm bảo dịch sẽ không lây lan trong cộng đồng: quản lý chặt chẽ khu cách ly mà vẫn đảm bảo để người dân được vui xuân đón Tết; các lực lượng, tổ giám sát thường xuyên đi tuần nhắc nhở nhân dân trong khu vực cách ly y tế không ra ngoài, không tụ tập đông người.
Cùng với Chí Linh, tại nhiều địa phương khác, công tác chia sẻ và động viên người dân cách ly và lực lượng tuyến đầu chống dịch đã được thực hiện kịp thời. Tỉnh Hải Dương đã chi gần 10 tỷ đồng để động viên người dân đang cách ly và các khu phong tỏa, những lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch để mọi người ấm áp hơn trong những ngày Tết.
Cảm ơn cả nước đã đồng lòng chia sẻ
Sau nửa tháng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, đến nay, thành phố Chí Linh đã đạt được những thắng lợi bước đầu trong phòng chống dịch bệnh. Chí Linh từng bước khoanh vùng kịp thời, phong tỏa nhanh, bài bản, thành lập kịp thời các bệnh viện dã chiến. Tuy số ca mắc và số trường hợp F1 vẫn lớn nhất trong tỉnh nhưng đến giờ nguồn lây bệnh đã được phong tỏa và kiểm soát, Chí Linh vẫn nghiêm túc thực hiện phong tỏa trong phong tỏa, thực hiện cách ly y tế toàn thành phố đến qua Tết.
Bí thư Thành ủy Chí Linh Hoàng Quốc Thưởng xúc động: “Có được điều này là nhờ sự quan tâm ngay từ đầu của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, sự hỗ trợ tư vấn của Bộ Y tế, các bệnh viện Trung ương và của tỉnh, sự hỗ trợ về nguồn lực của các nhà hảo tâm và nhiều doanh nghiệp. Chúng tôi rất cảm ơn các cơ quan Trung ương, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên cả nước những ngày qua đã chia sẻ và đồng hành với Chí Linh. Đặc biệt, cảm ơn toàn thể nhân dân Chí Linh ủng hộ các phương án, kế hoạch trong công tác phòng chống dịch. Đảng bộ, chính quyền, cả hệ thống chính trị của Chí Linh quyết tâm chung sức, đồng lòng để đẩy lùi COVID-19”.
Hiện tỉnh Hải Dương có 3 ca bệnh và hơn 13.000 trường hợp F1 được cách ly tập trung. Hai đơn vị cấp huyện thực hiện phong tỏa, cách ly y tế là thành phố Chí Linh và huyện Cẩm Giàng. Từ khi dịch bùng phát bất ngờ trên địa bàn tỉnh, đến nay, công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả tích cực. Đến thời điểm này, Hải Dương đã điều trị khỏi và cho 52 bệnh nhân ra viện...
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết: “Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương, được sự giúp đỡ của Bộ y tế, cả hệ thống chính trị Hải Dương đã vào cuộc với tinh thần quyết liệt cao nhất, nỗ lực cao nhất, bằng nhiều biện pháp, đặc biệt là truy vết thần tốc, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng, xét nghiệm thật nhanh, phong tỏa cách ly y tế thật gọn. Đến nay, dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát. Đối với huyện Cẩm Giàng, hiện nay chúng tôi đang tập trung các giải pháp quyết liệt để đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất”.
Theo ông Phạm Xuân Thăng, nhờ thực hiện chiến lược mới về phòng, chống dịch nên Hải Dương đã giảm thiểu ảnh hưởng dịch bệnh đến việc sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, cơ bản người dân vẫn được đón một cái Tết đầm ấm. Trong dịp này, những người cách ly tập trung và lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch được các cấp ủy đảng, các tổ chức xã hội quan tâm động viên một cách chu đáo. “Tôi tin tưởng và hy vọng với quyết tâm chống dịch rất cao, với tinh thần chống dịch vì sự phát triển của Hải Dương và vì sự an toàn của cả nước, dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lùi. Chúng ta sẽ sớm trở lại cuộc sống bình thường, sang năm 2021 có nhiều thành tựu cao hơn năm 2020, phát triển mạnh mẽ và bứt phá hơn”, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương chia sẻ.
Mùa xuân mới luôn mang theo niềm tin mới và kỳ vọng về những điều tốt lành. Trong năm 2020, kinh tế Hải Dương vẫn đạt những kết quả tích cực mặc dù chịu tác động của dịch bệnh. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tăng 3,24%, cao hơn bình quân của cả nước. Thu ngân sách ước đạt trên 16.200 tỷ đồng. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội được duy trì, an sinh xã hội chăm lo cho người nghèo và các gia đình chính sách được quan tâm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, kiểm soát kịp thời dịch COVID-19…
Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Với quyết tâm và niềm tin lớn của đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Hải Dương đang tràn đầy hy vọng bước sang năm Tân Sửu 2021, cùng cả nước, Hải Dương sẽ sớm chiến thắng dịch bệnh, bứt phá mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, gặt hái thêm những thành công mới.