Ngoài nghi lễ truyền thống được tỉnh Phú Thọ tổ chức trang trọng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh vào sáng mùng 10/3 âm lịch, việc sửa soạn bàn thờ, mâm cơm tri ân các Vua Hùng cũng được các gia đình thực hiện trang nghiêm, bày tỏ lòng thành kính với các Vua Hùng, tiên tổ. Đây cũng là dịp để gia đình sum họp, đoàn viên, giáo dục con cháu về niềm tự hào là người dân đất Tổ Vua Hùng, cội nguồn dân tộc.
Ngay từ những ngày đầu tháng 3 âm lịch, gia đình ông Đặng Ngọc Hòa, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì đã chỉnh trang nhà cửa, sửa soạn lại bàn thờ tổ tiên. Do tình hình dịch bệnh COVID-19, cả gia đình không có điều kiện thắp hương tri ân Vua Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh, nên ông sửa soạn mâm cỗ cúng Vua Hùng tại nhà để thể hiện sự thành kính với tổ tiên và duy trì nét đẹp văn hóa của dân tộc. Mâm cơm ngày Giỗ Tổ do tự tay các thành viên trong gia đình ông Hòa thực hiện. Thành kính dâng hương, ông Hòa kính báo về kết quả lao động, học tập của gia đình trong năm vừa qua, đồng thời cảm tạ công lao tiên tổ đã cho dân tộc cuộc sống tốt đẹp, đầm ấm như ngày hôm nay.
Ông Hòa cho biết, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một nét đẹp văn hóa, cần được lưu truyền trong các thế hệ gia đình Việt. Vì vậy gia đình làm mâm cơm, thắp hương tưởng nhớ công lao của các vị tiền nhân có công dựng nước vào đúng ngày chính giỗ 10/3 âm lịch.
Không chỉ người dân ở thành phố Việt Trì làm mâm cơm tri ân các Vua Hùng mà cả các huyện, thị trong tỉnh cũng đã và đang duy trì nét văn hóa truyền thống này. Ông Nguyễn Đình Cương ở khu 1, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông chia sẻ, là con trưởng trong gia đình có công với cách mạng nên được thừa hưởng từ dòng tộc những nền nếp, gia phong và truyền thống thờ cúng tổ tiên - nét đẹp văn hóa của người Việt có từ ngàn đời. Theo truyền thống gia đình để lại, việc thờ cúng xuất phát từ tâm của mỗi thành viên trong gia đình. Bản thân ông cũng luôn ý thức rằng việc thờ cúng tổ tiên không phải là bày biện cỗ bàn linh đình, hay mê tín cúng bái mà là nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán của cha ông để lại. Vì thế, mâm cỗ cúng tổ tiên chỉ đơn giản, phù hợp với "đất lề quê thói". Từ những sản vật sẵn có trong vườn nhà, ông Cương đã chuẩn bị mâm cơm cúng giản dị nhưng đủ đầy các món ăn truyền thống của người Việt, thể hiện lòng thành kính dâng cúng tổ tiên với ý nghĩa tri ân, tưởng nhớ công ơn Vua Hùng.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt. Việc dâng lễ vật lên ban thờ, trong đó có mâm cơm là một nghi lễ không thể thiếu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Vì vậy, việc các gia đình sắp một mâm cơm để tưởng nhớ công đức các Vua Hùng vào ngày 10/3 âm lịch cũng chính là nối tiếp nét đẹp văn hóa truyền thống này của dân tộc.
Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Đặng Đình Thuận, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Phú Thọ khẳng định, mâm cơm cúng giỗ có quy mô vượt lên trên một mâm cơm bình thường, nó thể hiện sự thành kính của người sống với người đã khuất cũng như tri ân với tổ tiên. Tuy nhiên mỗi gia đình sẽ tự sửa soạn mâm cỗ khác nhau phù hợp với điều kiện. Việc dâng lễ nên tùy vào duyên cảnh của mỗi gia đình. Điều quan trọng nhất chính là ở sự thành tâm, tri ân công đức tổ tiên.
Với ý nghĩa lớn lao và phù hợp với hoàn cảnh thực tế cả nước phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh Phú Thọ khuyến khích mỗi gia đình làm mâm cơm cúng Vua Hùng vào đúng mùng 10/3 âm lịch. Nhân dân cả nước đang hướng về Giỗ Tổ, bày tỏ lòng thành kính bằng hành động thiết thực, dâng vật phẩm lên bàn thờ gia tiên, chỉnh trang trang phục, tâm thế thắp những nén nhang thơm tấu thỉnh các Vua Hùng, tổ tiên chung của dân tộc, nguyện cầu cho quốc thái dân an… Sau phần lễ cúng, cả gia đình ôn lại lịch sử dân tộc, giáo dục truyền thống cho con cháu, tạo nên không khí vui vẻ, đầm ấm, chan hòa.
“Cây có gốc mới nảy cành xanh ngọn/ Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”. Việc các gia đình làm “Mâm cỗ tri ân công đức các Vua Hùng” vào mùng 10/3 âm lịch, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong cộng đồng. Trách nhiệm của mỗi người dân là tiếp tục bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa mà cha ông đã dày công gây dựng, tạo điểm tựa tinh thần để mỗi người tự tin vững bước đến tương lai.
Sáng 2/4/2020 (tức 10/3 âm lịch), tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ), Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng đã diễn ra thành kính, trang nghiêm, an toàn.
Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, năm nay Giỗ Tổ Hùng Vương chỉ tổ chức phần lễ, không có phần hội; nghi lễ dâng hương được rút gọn. Lễ dâng hương không tổ chức đoàn rước kiệu từ sân hành lễ và không truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình, hạn chế đại biểu tham dự để tránh việc tập trung đông người.
Trước đó, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo Sở Y tế đảm bảo các quy trình phòng, chống dịch COVID-19 đối với các đại biểu trong quá trình dâng hương như diệt khuẩn khu vực thực hiện nghi lễ, đeo khẩu trang, khoảng cách tối thiểu từ 2m, rửa tay bằng nước sát trùng. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ soạn tài liệu tuyên truyền về ý nghĩa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đăng trên các phương tiện, gửi về các địa phương để người dân dù không tham gia nhưng vẫn thêm hiểu về nguồn cội.