Tham dự buổi thảo luận có Đại sứ Kok Li Peng, Trưởng phái đoàn thường trực Singapore tại ASEAN, Đại sứ Việt Nam tại Singapore Tào Thị Thanh Hương và các chuyên gia, học giả uy tín hàng đầu của Singapore đến từ Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Singapore (SIIA), Trung tâm Luật Quốc tế-Đại học Quốc gia Singapore, Trường nghiên cứu các vấn đề quốc tế Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nam Dương.
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, các học giả và quan chức ASEAN tại Singapore cho rằng thực tế ASEAN đã làm rất tốt với tư cách là một khối thống nhất tại khu vực, không chỉ trong đối phó với dịch COVID-19 mà còn trong việc cân bằng quan hệ với các đối tác chủ chốt.
Ông Simon Tay, Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Singapore (SIIA) nhận định về tổng thể, ASEAN làm tốt công tác đối phó với dịch bệnh COVID-19, tất nhiên chưa phải là hoàn hảo. Trong khi đó, Tiến sĩ Tan Hsien-Li, Giám đốc Chương trình Luật và Chính sách ASEAN, Trung tâm Luật Quốc tế đánh giá cần nhận thức đúng đắn rằng các tổ chức quốc tế, khu vực không thể làm thay công việc của các quốc gia. ASEAN với tư cách là một tổ chức khu vực đã làm tốt trách nhiệm của khối này.
Bà Tan Hsien-Li nhận định nhiều người cho rằng các hội nghị trực tuyến của ASEAN chỉ là chia sẻ thông tin, bàn thảo mà không có hành động thực tế. Tuy nhiên, bản thân việc chia sẻ thông tin cũng đã rất quan trọng, giúp các nước nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của dịch bệnh, cách phòng chống và những tác động tiêu cực. Trên cơ sở thông tin đó, các nước đã làm tốt công tác định hướng thông tin cho người dân, chống lại tin giả hay sự phân biệt đối xử với những người mắc bệnh.
Cùng chung quan điểm trên, giáo sư Tommy Koh, Chủ tịch Trung tâm Luật Quốc tế cho hay ASEAN đã có sự chuẩn bị nhờ kinh nghiệm từ đại dịch SARS 2003 và đã làm tốt công tác đối phó với dịch COVID-19. Có thể thấy, đoàn kết và hợp tác là hai đặc tính quan trọng của ASEAN trong giai đoạn khó khăn vừa qua. Các nước ASEAN đã tích cực trợ giúp lẫn nhau. Chẳng hạn như Việt Nam và Brunei đã hỗ trợ các nước trong khối về trang thiết bị phòng chống dịch, hay Singapore và Malaysia đã nhanh chóng phối hợp hỗ trợ các lao động bị mắc kẹt.
Khi được hỏi về trách nhiệm của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Đại sứ Việt Nam tại Singapore Tào Thị Thanh Hương cho rằng dịch COVID-19 xảy ra đã khiến một loạt hội nghị của ASEAN bị trì hoãn. Dù vậy, Việt Nam với tư cách là Chủ tịch luân phiên ASEAN và các nước thành viên đã "hành động sớm, hành động phối hợp và hợp tác chặt chẽ" không chỉ trong nội khối mà với cả các đối tác trong việc đối phó với dịch bệnh.
Đại sứ Tào Thị Thanh Hương nhấn mạnh sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của ASEAN đã giúp các nước thành viên kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh, bảo vệ cuộc sống của người dân và bảo đảm an ninh lương thực, an toàn thực phẩm. Sự hợp tác này không chỉ cần thiết trong ngắn hạn mà còn đóng vai trò rất quan trọng trong kế hoạch hồi phục kinh tế sau dịch COVID-19 và thực hiện các mục tiêu của khối trong dài hạn.
Các học giả hàng đầu của Singapore tại buổi thảo luận đánh giá Việt Nam đã làm tốt công tác chống dịch COVID-19 vừa với tư cách là một quốc gia độc lập, vừa với vai trò là Chủ tịch luân phiên ASEAN. Ông Simon Tay nhận định Việt Nam đã làm khá tốt so với phần còn lại của thế giới. Trong khi đó, Giáo sư Tommy Koh cho rằng Việt Nam đã phản ứng nhanh, quyết liệt với dịch COVID-19. Dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, ASEAN cũng đã phản ứng rất tốt với dịch bệnh và xử lý tốt mối quan hệ với các đối tác, nhất là Mỹ và Trung Quốc. ASEAN đã duy trì tốt sự hợp tác với cả hai đối tác lớn này, phát huy được tính trung tâm và khẳng định được vai trò cầu nối.