Tham luận tại Đại hội, các đại biểu cho rằng, các cấp Công đoàn phải luôn xác định lấy đoàn viên, người lao động là trung tâm; giúp người lao động có chỗ dựa, từng bước tham gia vào các hoạt động có tổ chức.
Lấy đoàn viên, người lao động là trung tâm
Phát biểu tham luận tại Đại hội, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết, trong bối cảnh mới, các cấp Công đoàn Thủ đô luôn xác định phải tập trung đổi mới quyết liệt, mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, hướng về người lao động, vì quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.
Các cấp Công đoàn thành phố Hà Nội đã tập trung nguồn lực cho nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động; cắt bỏ những hoạt động không thiết thực, tốn kém kinh phí. Trong nhiệm kỳ đã hỗ trợ cho 1,2 triệu lượt đoàn viên, người lao động với số tiền trên 600 tỷ đồng thông qua các hoạt động tổ chức “Tết sum vầy”, “Chợ Tết Công đoàn”, tổ chức các chuyến xe miễn phí đưa công nhân về quê đón Tết, hỗ trợ Mái ấm công đoàn, trợ cấp cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19, các cấp Công đoàn đã trích từ nguồn ngân sách công đoàn và vận động xã hội hóa với số tiền trên 100 tỷ đồng hỗ trợ cho 120 nghìn đoàn viên, người lao động Liên đoàn Lao động Thành phố; có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo được nhân rộng trong toàn hệ thống như chương trình “Xe buýt siêu thị 0 đồng”, “Tổ an toàn COVID”, tặng “Túi An sinh công đoàn”.
Hưởng ứng Chương trình “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”, Liên đoàn Lao động thành phố đã vượt 320% chỉ tiêu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao, dẫn dầu cả nước về số lượng người tham gia và đứng thứ hai về số sáng kiến. Số thỏa ước lao động tập thể tăng gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ.
Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục được đẩy mạnh, làm cho mỗi đoàn viên, người lao động Thủ đô thấy rõ trách nhiệm, niềm tự hào, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, kỹ năng nghề nghiệp, trách nhiệm công dân, từ đó phát huy vai trò làm chủ trong tình hình mới.
Về phương thức hoạt động, đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, cán bộ Công đoàn Hà Nội đã tăng cường đi cơ sở, nắm cơ sở, hỗ trợ cơ sở và lắng nghe cơ sở; tăng cường trao đổi thông tin thông qua các ứng dụng mạng xã hội, giảm hội họp và các thủ tục hành chính rườm rà; nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản, triển khai chương trình kế hoạch của các cấp Công đoàn theo hướng thiết thực, hiệu quả, sát với thực tiễn.
Các cấp Công đoàn luôn xác định lấy đoàn viên, người lao động là trung tâm, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương. Đồng thời chú trọng phối hợp chặt chẽ giữa Công đoàn cấp trên với cấp ủy trong chỉ đạo hoạt động Công đoàn cấp dưới; tranh thủ sự vào cuộc của chính quyền đồng cấp, các đoàn thể chính trị xã hội nhằm tạo nguồn lực, sức mạnh tổng hợp trong việc chăm lo bảo vệ đoàn viên, người lao động.
Đặc biệt là đổi mới phương thức hoạt động của Công đoàn cơ sở, xây dựng cơ chế trao đổi thông tin hai chiều, từ Ban Chấp hành đến đoàn viên, người lao động; duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên, lựa chọn các hoạt động phù hợp với từng loại hình Công đoàn cơ sở; kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đoàn viên người lao động, thúc đẩy toàn thể người lao động chủ động, tích cực tham gia quá trình thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, hưởng ứng các hoạt động do công đoàn tổ chức.
“Trong nhiệm kỳ, các cấp Công đoàn Thủ đô và cả nước đã nỗ lực vượt mọi khó khăn, giành nhiều kết quả. Những kết quả trên khẳng định tinh thần vượt khó sáng tạo, dám nghĩ dám làm của đội ngũ cán bộ Công đoàn công nhân lao động Thủ đô”, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh nhấn mạnh.
Thành lập các nghiệp đoàn cơ sở khu vực lao động phi chính thức
Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh Trần Đoàn Trung cho biết, nhiệm kỳ vừa qua, Công đoàn Thành phố nhất quán quan điểm thành lập các công đoàn, nghiệp đoàn cơ sở phải đi liền với xây dựng công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn vững mạnh đảm bảo thực hiện tốt chức năng chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động, đồng thời góp phần tích cực trong công tác an sinh, trật tự, an toàn xã hội với phương châm “nơi đâu có người lao động, nơi đó có tổ chức Công đoàn".
Các cấp Công đoàn TP Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng trong vận động, thành lập và tổ chức hoạt động các nghiệp đoàn cơ sở khu vực lao động phi chính thức. Đến nay, đã thành lập được 134 nghiệp đoàn cơ sở với 11.046 lao động ở các ngành nghề: nhóm lớp mầm non, giữ trẻ gia đình; giúp việc gia đình; dịch vụ vận chuyển; thợ xây dựng; thu gom, thu gom rác dân lập; bán vé số, hàng rong, hớt tóc, sửa chữa, rửa xe ô tô, xe gắn máy, buôn bán thức ăn đường phố...
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, việc hình thành các nghiệp đoàn trước hết là phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau về nghề nghiệp, khi gặp khó khăn, hoạn nạn; giúp người lao động có chỗ dựa, từng bước tham gia vào các hoạt động có tổ chức.
“Lần đầu tiên, có một nghiệp đoàn cơ sở tại TP Hồ Chí Minh tổ chức thành công đại hội. Tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam kỳ này, có một đại biểu là Chủ tịch nghiệp đoàn xe ôm công nghệ - đại diện cho khu vực lao động phi chính thức tham gia đoàn đại biểu của Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh”, ông Trần Đoàn Trung thông tin.
Nói về nhiệm vụ trọng tâm Công đoàn TP Hồ Chí Minh đặt ra trong nhiệm kỳ 2023 – 2028, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp người lao động khu vực phi chính thức. Nhiệm vụ trọng tâm này hướng đến 3 mục tiêu: thể hiện sự đồng hành, hỗ trợ chân thành của Công đoàn Việt Nam đối với rộng rãi người lao động; xây dựng, củng cố hình ảnh, vị thế của Công đoàn Việt Nam trong người lao động và cộng đồng xã hội; tham gia một cách thiết thực vào nhiệm vụ quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Các cấp Công đoàn Thành phố sẽ tiếp tục tập trung, củng cố, tạo điều kiện hỗ trợ về tài chính, địa điểm sinh hoạt, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng để các nghiệp đoàn hoạt động nền nếp, hiệu quả. Từ đó tạo sự lan tỏa thu hút người lao động tham gia, thành lập nghiệp đoàn rộng khắp trên các địa bàn, lĩnh vực.
Công đoàn sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương tận dụng các cơ sở vật chất sẵn có làm nơi gặp gỡ, sinh hoạt của đoàn viên nghiệp đoàn; thí điểm xây dựng các trạm dừng nghỉ kết hợp thông tin tuyên truyền dành cho tài xế xe công nghệ. Công đoàn tiếp tục triển khai mạnh hơn các hoạt động hỗ trợ như trao phương tiện sinh kế, hỗ trợ bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm y tế; hướng dẫn kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng phòng vệ; thực hiện ủy quyền bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho đoàn viên nghiệp đoàn trong các tranh chấp lao động…
Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, lao động phi chính thức là một vấn đề phức tạp, cần phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện pháp luật liên quan đến khu vực phi chính thức, trong đó, quan tâm các nội dung liên quan đến môi trường, điều kiện làm việc, các cam kết đối nhân, việc tham gia vào hệ thống an sinh xã hội kể cả tự nguyện hoặc bắt buộc. Bên cạnh đó, tạo điều kiện, tạo cơ chế hỗ trợ để lao động khu vực phi chính thức được đào tạo nghề, tìm kiếm cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp. Có chính sách phù hợp giúp đỡ lao động khu vực phi chính thức vượt qua những biến cố mà đại dịch COVID-19 vừa qua là một minh chứng thực tế sống động.
Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh Trần Đoàn Trung kỳ vọng, nhiệm kỳ tới sẽ có sự đổi mới thực chất tổ chức và hoạt động thông qua việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ, Luật Công đoàn sắp tới đây, Công đoàn Việt Nam sẽ linh hoạt hơn trong tổ chức và sử dụng tài chính công đoàn nhằm tăng cường hiệu quả tiếp cận, vận động, tập hợp người lao động khu vực phi chính thức...