Gộp 16 Chương trình mục tiêu quốc gia thành 2

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 4/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật báo chí (sửa đổi) và thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.


Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật báo chí (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

* Đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân

Tờ trình của Chính phủ khẳng định việc xây dựng Luật Báo chí phải nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí; phát huy tối đa những mặt tích cực, khắc phục tối đa những thiếu sót, khuyết điểm trong hoạt động báo chí; phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt báo chí. Đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; cơ chế thực thi bảo đảm không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đồng thời thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về báo chí ; cụ thể hóa đầy đủ, chính xác cương lĩnh của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013.

Luật Báo chí năm 1989 gồm 7 chương, 31 điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999 đã bổ sung 6 điều và bỏ 1 điều. Như vậy, sau khi sửa đổi, bổ sung năm 1999, Luật Báo chí có 36 điều. Dự thảo Luật Báo chí lần này gồm 6 chương với 59 điều, trong đó có 30 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành.

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật quy định tổ chức và hoạt động báo chí; quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và liên quan đến hoạt động báo chí; quản lý nhà nước về báo chí.

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá về tổng thể, dự thảo Luật báo chí đã kế thừa những nội dung cơ bản của Luật hiện hành, tiếp cận xu hướng phát triển của báo chí nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và để phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Điểm mới của dự thảo Luật so với Luật hiện hành là cụ thể hóa chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013; mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; quan tâm đến kinh tế báo chí; thừa nhận và cụ thể hóa phạm vi, lĩnh vực và nội dung liên kết trong tất cả các loại hình báo chí; bổ sung một số quy định mới về tổ chức báo chí. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng lựa chọn luật hóa những quy định trong các văn bản dưới luật về thông tin trên báo chí, thẻ nhà báo, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú… đã áp dụng ổn định trong thực tiễn hoạt động báo chí làm tăng tính cụ thể và khả thi của Luật.

Một số vấn đề của dự thảo Luật còn một số bất cập, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh. Cụ thể về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí; mô hình hoạt động và kinh tế của cơ quan báo chí những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí giấy phép trong hoạt động báo chí; lãnh đạo cơ quan báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí; họp báo; nhà báo; mô hình hoạt động và kinh tế của cơ quan báo chí…

* Gộp 16 Chương trình mục tiêu quốc gia thành 2 Chương trình mục tiêu quốc gia

Thời gian còn lại của phiên làm việc chiều nay, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Nhiều ý kiến tại phiên thảo luận khẳng định Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 là một chủ trương đúng, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội, xoá được đói, giảm được nghèo; xây dựng nông thôn mới, cải thiện điều kiện sống, ăn, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh của người dân, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chỉ số về y tế, giáo dục, nước sạch, văn hoá, xã hội... được nâng lên; hệ thống thông tin, truyền thông có sự chuyển biến đáng kể; mức hưởng thụ văn hoá của người dân được cải thiện,…

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đã thẳng thắn phân tích những hạn chế, tồn tại qua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. Cụ thể: v iệc bố trí, huy động, phân bổ vốn cho thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn thấp, chưa hợp lý, chủ yếu là ngân sách Trung ương. Nhiều Bộ, ngành cùng tham gia quản lý, nên việc lồng ghép, tập trung nguồn lực là hết sức khó khăn; một số chương trình trùng lắp về mục tiêu, nhiệm vụ, nhất là đối với các chương trình có đầu tư đến cơ sở các xã, thôn bản, như mua sắm trang thiết bị...

Vì vậy, hiệu quả đạt được của một số Chương trình mục tiêu quốc gia còn thấp. Đại biểu Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) cho rằng, việc rà soát lại các chương trình, dự án; thay đổi cơ chế tổ chức quản lý; sắp xếp, bố trí các nguồn vốn, để Chương trình thực hiện hiệu quả là hết sức cần thiết. Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) nêu một thực trạng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn nhiều địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích, nên cho nợ chỉ tiêu, ứng vốn đầu tư công trình khi chưa có nguồn thu, huy động mức đóng góp quá khả năng của người dân dẫn đến mục tiêu tiêu xây dựng nông thôn mới không giữ vững được. Tình trạng nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới còn khá phổ biến, nhất là các xã trong diện phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2015, nhiều xã hiện nợ đọng hàng chục tỷ đồng, mặc dù đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nhưng dư nợ quá khả năng thanh toán.

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành với đề xuất của Chính phủ gộp 16 Chương trình mục tiêu quốc gia thành 2 Chương trình mục tiêu quốc gia đó là: Chương trình Xây dựng nông thôn mới và Chương trình Giảm nghèo bền vững.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) , việc gom lại thành 2 Chương trình sẽ tránh dàn trải, chồng chéo nhiệm vụ, trùng lắp về đối tượng thụ hưởng và địa bàn thực hiện. Để khắc phục tồn tại, hạn chế, đại biểu đề xuất phải điều tra khảo sát, xây dựng một số tiêu chí thống nhất để đầu tư hợp lý, đúng nhu cầu, mục tiêu là tránh thất thoát lãng phí, tránh lợi dụng chính sách tham ô, lãng phí thất thoát tài sản quốc gia. Tập trung đầu tư theo hướng hưởng lợi chung, chống tư tưởng ỷ lại của người dân, vươn lên làm giàu chính đáng, thoát nghèo bền vững. Tăng cường công tác quản lý để bảo vệ cán bộ, chống thất thoát lãng phí, phát huy sức mạnh lòng dân, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Phối hợp chặt chẽ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương và nguồn vốn cân đối của địa phương để thực hiện chương trình. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, chấn chỉnh việc tổ chức thực hiện. Chú trọng phân bổ hợp lý nguồn vốn, ưu tiên đúng đối tượng, tập trung nguồn lực đầu tư cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Hoàng Việt Phương đề nghị cần tiếp tục r à soát lại danh mục các dự án thành phần và phạm vi đầu tư của 2 Chương trình; đánh giá lại hệ thống tiêu chí hiện hành, phân kỳ đầu tư; ưu tiêu tập trung đầu tư đối với một số nội dung cấp thiết trong giai đoạn 2016- 2020, liên quan đến hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất như: Các tiêu chí về điện, đường, trường, trạm, thủy lợi... Bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối, bố trí vốn; hoàn thành dứt điểm các hạng mục đầu tư theo từng giai đoạn, khả thi trong thực hiện, tránh đầu tư dàn trải, phân tán, kém hiệu quả. Đại biểu nhấn mạnh cần phân định rõ đầu tư giữa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo quy định.

Theo đại biểu cần xác định rõ phương án huy động, tỉ trọng huy động đối với từng nguồn vốn, nhất là nguồn vốn ngân sách Trung ương, các nguồn vốn huy động khác; sự cam kết của địa phương trong việc bố trí ngân sách địa phương; phân bổ tổng mức đầu tư cho địa phương trong cả giai đoạn 2016-2020 và từng năm; đồng thời phân cấp và giao quyền chủ động tối đa cho địa phương trong việc phân bổ, bố trí vốn cho từng hạng mục, từng dự án thành phần bảo đảm phù hợp với định hướng, nhu cầu đầu tư của từng địa phương. Việc bố trí vốn từ ngân sách địa phương phải được xác định như là vốn đối ứng để thực hiện chương trình.

Nhiều ý kiến cho rằng, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cần thay đổi về cơ chế, chính sách chuyển từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, hỗ trợ người dân chủ động phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững thông qua hệ thống chính sách như: Vay vốn ưu đãi lãi xuất phát triển sản xuất, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…

Đại biểu Cao Thị Xuân đề xuất Chính phủ cần tiếp tục rà soát để xác định mục tiêu của từng chương trình nhằm bảo đảm nguồn lực và hợp nhất một số nội dung, dự án tránh chồng chéo, giảm chi phí quản lý hành chính. Nên phân cấp toàn diện cho chính quyền địa phương để chủ động điều hành bảo đảm hiệu quả và đề cao trách nhiệm cá nhân, khắc phục sự trông chờ, ỷ lại…

Theo chương trình, sáng mai, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật khí tượng thủy văn.

Quỳnh Hoa (TTXVN)
Bế mạc Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội
Bế mạc Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội

Sáng 3/11, Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 họp phiên bế mạc và ra mắt Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVI, Ban Thường vụ Thành ủy và đoàn Đại biểu Đảng bộ thành phố dự Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN