Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý phát biểu ý kiến sáng 14/10 tại phiên họp thứ 42 về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) và dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Ảnh: Phương Hoa – TTXVN |
Tại hội nghị, nội dung “Về quyền im lặng của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo” được nhiều đại biểu quan tâm. Đa số ý kiến đồng tình với phương án 2 là “người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, đưa ra ý kiến hoặc từ chối trình bày lời khai, đưa ra ý kiến”.
Một số ý kiến đề nghị trong quá trình xây dựng, góp ý dự thảo Bộ luật tố tụng Hình sự (sửa đổi) cũng như khi tổ chức thực hiện, cần phải tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân hiểu đúng bản chất quyền im lặng, một quyền đã được thừa nhận từ lâu trong pháp luật tố tụng hình sự nước ta nhưng đến nay mới chính thức được ghi nhận cụ thể trong điều luật...
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng bày tỏ việc các cơ quan tố tụng luật trong vấn đề hỏi cung phải ghi hình, ghi âm, tuy nhiên cần cân nhắc việc ghi hình, ghi âm ở hoàn cảnh nào, vì có nhiều trường hợp, việc khai thác thông tin nhanh qua các đối tượng phạm tội tại hiện trường chẳng hạn..., do đó luật cần phải ghi rõ việc này theo đúng tính chất của sự việc.
Bổ sung thẩm quyền được đưa ra quyết định tạm giữ cho người đứng đầu các lực lượng là cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra trong ngành Công an; bổ sung các quy định giúp Viện Kiểm sát theo sát quá trình điều tra, nắm bắt đầy đủ, kịp thời các chứng cứ, tài liệu của vụ án.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu và sẽ tổng hợp trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới.