Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, ý thức cầu thị trong việc chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc khóa XIII. Các dự thảo Báo cáo được chuẩn bị công phu, bài bản và cơ bản đáp ứng được yêu cầu theo các hướng dẫn của Trung ương.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình yêu cầu, tỉnh Sơn La cần bám sát, nghiên cứu kỹ các dự thảo báo cáo chính trị và báo cáo kinh tế- xã hội của Trung ương gửi cho các địa phương để xây dựng, hoàn thiện dự thảo văn kiện của tỉnh cho phù hợp. Tỉnh cũng cần đánh giá sâu sắc những kết quả cũng như các tồn tại của nhiệm kỳ vừa qua gắn với giai đoạn 30 năm phát triển, để trên cơ sở đó có được các bài học và các định hướng trong thời gian tới.
Hướng đến các nhiệm vụ thời gian tới, Trưởng ban Kinh tế Trung ương yêu cầu tỉnh Sơn La cần đánh giá hết các tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh so với các địa phương trong vùng và cả nước để thấy rõ vị trí của mình để xây dựng định hướng phát triển. Các chỉ tiêu đưa ra phải cụ thể, khả thi. Mục tiêu cuối cùng của các văn kiện là làm sao đảm bảo cho mọi người dân đều được tham gia quá trình phát triển và được hưởng thụ xứng đáng với các thành tựu phát triển của địa phương.
Theo báo cáo của tỉnh Sơn La, qua 5 năm triển khai thực hiện, kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, quy mô kinh tế tăng nhanh, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế đều có bước phát triển tiến bộ. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, diện mạo từ đô thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện có hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, công tác xóa đói, giảm nghèo, các vấn đề xã hội bức xúc được quan tâm tập trung giải quyết.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Sơn La bình quân 5 năm đạt 6,18%/năm. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá hiện hành năm 2020 ước đạt 55.590 tỷ đồng, tăng 1,53 lần so với năm 2015, đứng thứ 5/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 43,9 triệu đồng/người/ năm, tăng 13 triệu đồng so với năm 2015, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIV đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Ngành nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, gắn với xây dựng nông thôn mới. Ngành công nghiệp phát triển theo hướng sản xuất, chế biến sâu gắn với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Các hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá; tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tỉnh thực hiện cơ cấu lại đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ngân sách nhà nước; đạt kết quả quan trọng hoạt động tài chính, ngân hàng; phát triển doanh nghiệp và kinh tế tập thể; tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng kinh tế.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, công tác giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện tốt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Việc bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu có những chuyển biến tích cực. Lĩnh vực quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự - an toàn xã hội được bảo đảm; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có hiệu quả.
Các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Sơn La đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của địa phương; đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị đã đề ra, kiên trì thực hiện các mục tiêu lâu dài, các nhiệm vụ chủ yếu, đồng thời tập trung các nguồn lực thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ cấp bách, trước mắt giải quyết dứt điểm những yếu kém, ách tắc, tạo đột phá để giữ vững và đẩy nhanh nhịp độ phát triển; chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế- xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, bảo đảm quốc phòng và an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.