Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua toàn văn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN. |
Tiến trình sửa đổi, bổ xung dự thảo luật này đã nhận được nhiều ý kiến phản biện của các chuyên gia về xây dựng pháp luật và cả giới doanh nhân.
Lý do Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) lần này trở thành nỗi băn khoăn của doanh nghiệp là ở chỗ Luật Thuế TTĐB vừa mới được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 70/2014/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26/11/2014 (sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2016), trong đó thuế suất thuế TTĐB của bia tăng mạnh, từ mức 50% hiện nay lên 65%.
Trong khi các quy định mới trên chưa được thực thi thì theo chương trình dự kiến, thì lại tiếp tục được sửa đổi, bổ sung nội dung về giá tính thuế TTĐB. Dự thảo lần này sửa đổi theo hướng quy định trường hợp cơ sở sản xuất bán hàng qua các qua các công ty con hoặc bán hàng qua công ty con khác trong cùng công ty mẹ thì giá tính thuế TTĐB là giá do các công ty con bán ra thị trường (hiện nay, giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra) và dự kiến cũng có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.
Dự thảo ngay lập tức nhận được phản hồi của Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam bởi nguy cơ tác động lớn của nó sau khi được ban hành. Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội, Luật sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nếu được ban hành sẽ khiến cho mức thuế các mặt hàng bia, rượu cao lên vì phải nộp thuế tại 2 khâu: khâu nhập khẩu và khâu bán hàng trong nước. Với cách tính thuế này sẽ làm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên tới 15%, như vậy thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp là 60- 65% chứ không phải 55% theo luật số 70.
Đại diện Hiệp hội khẳng định, với mức thuế cao như vậy, chắc chắn có thể dẫn đến tình trạng trốn thuế, nhập lậu, hàng giả... gây khó khăn trong khâu kiểm soát. Đặc biệt, trong bối cảnh từ nay đến dịp Tết Nguyên đán 2016, sức tiêu thụ mặt hàng rượu bia tăng cao trên toàn quốc, việc đảm bảo an ninh hàng hóa, chống hàng giả sẽ càng trở nên khó khăn đối với lực lượng chức năng và đồng thời là sức cản lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nộp ngân sách cho doanh nghiệp trong ngành.
Xem xét vấn đề dưới tác động của chính sách đến đời sống, quy định này sẽ gây ra những bất cập rất lớn không chỉ đối với mặt hàng bia mà còn tác động đến cả các nhóm, ngành hàng cùng thuộc diện đối tượng chịu thuế TTĐB. Bởi các lý do sau:thuế suất thuế TTĐB mới được điều chỉnh tăng lên, doanh nghiệp đang gồm mình để tái cơ cấu, thay đổi quy trình, công nghệ sản xuất nhằm đối phó với quy định tăng thuế, đảm bảo sản xuất kinh doanh. Do vậy, việc điều chỉnh chính sách liên quan đến giá tính thuế TTĐB tại thời điểm cuối năm 2015, trước thềm hiệu lực Luật Thuế TTĐB sửa đổi, cộng thêm với mùa cao điểm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, diễn ra là chưa phù hợp, cùng lúc sẽ gây quá nhiều áp lực, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và có thể gây mất ổn định nền kinh tế.
Góp ý thẩm định dự thảo Luật này, phía Bộ Tư pháp cho rằng, quy định sửa đổi như trong dự thảo này chưa thực sự phù hợp với nguyên tắc bình đẳng giữa các doanh nghiệp vì phân biệt đối xử giá tính thuế trong trường hợp bán hàng qua công ty thương mại độc lập và bán hàng qua công ty thương mại là công ty con. Phía Bộ Tư pháp viện dẫn, Luật Doanh nghiệp, mới có hiệu lực từ ngày 01/7/2015, tại Điều 5, Khoản 1 quy định rõ Nhà nước: “… bảo đảm bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp…”. Luật Thương mại (Điều 10), Bộ luật Dân sự (Điều 5) và các Luật khác đều khẳng định nguyên tắc bình đẳng này, tạo ra sự phù hợp với các quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường. Trong trường hợp bán hàng qua công ty con thì Điều 190 Khoản 2 Luật Doanh nghiệp 2014 cũng nêu rõ: “Hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty mẹ và công ty con đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với các chủ thể pháp lý độc lập”.