Triển lãm ảnh “Những chặng đường vẻ vang” tại Đà Nẵng giới thiệu những thành quả vẻ vang trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước qua các thời kỳ Đại hội Đảng toàn quốc. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN |
Đặc biệt, nhân dân rất kỳ vọng Đại hội XII của Đảng sẽ bầu được những người có đủ đức, đủ tài vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt để đưa đất nước ngày càng phát triển nhanh, bền vững.
* Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng
Đặt rất nhiều niềm tin và kỳ vọng vào Đại hội XII của Đảng, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam bộc bạch: Ông thuộc thế hệ Thanh niên Cách mạng Tháng Tám; thế hệ của “Lời thề Độc lập” – những người đã giơ tay thề trong ngày 2/9/1945. Mang lời thề trong trái tim mình, ông đã cùng với toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng đi vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ 30 năm, với 10.000 ngày, cho tới 30/4/1975, hoàn thành “Lời thề Độc lập”.
“Thế hệ tôi tự hào cùng với toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã xóa nỗi nhục mất nước. Tôi tin rằng, thế hệ ngày nay - thế hệ của thời kỳ đổi mới và hội nhập, cùng với toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ xóa đi cái nghèo nàn, lạc hậu, để đưa đất nước ta phát triển nhanh, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn.
Trên tinh thần ấy, tôi rất tán thành với Báo cáo của Trung ương trình Đại hội XII của Đảng về tổng kết 30 năm đổi mới. Đúng là chúng ta đã thực hiện được những thành quả lịch sử, trong đó nổi bật là xóa nghèo”, Trung tướng Phạm Hồng Cư chia sẻ.
Tuy nhiên, Trung tướng Phạm Hồng Cư cho rằng, qua 30 năm đổi mới, đất nước ta vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại và thách thức như: tụt hậu về kinh tế so với các nước trong khu vực; nạn ngoại xâm; nạn nội xâm, đó là Nghị quyết Trung ương 4 đã vạch ra nhưng đấu tranh chưa đạt được hiệu quả mong muốn; vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu…
Bước vào một giai đoạn mới, khi Việt Nam tham gia Cộng đồng ASEAN, gia nhập TPP, với rất nhiều thời cơ nhưng đồng thời không ít thách thức. Tình hình đó, đòi hỏi Đảng ta phải nâng cao năng lực lãnh đạo cho ngang tầm với nhiệm vụ lịch sử và Nhà nước phải có năng lực quản lý; thật sự là thực hiện Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ, để đưa đất nước lên một nước phát triển mới.
Đó chính là nhiệm vụ lịch sử mà thời điểm này Tổ quốc giao cho Đại hội XII của Đảng. Tôi mong rằng, Đại hội XII của Đảng hoàn thành được chức năng mà lịch sử giao cho, tức là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; đồng thời bầu được ra thế hệ lãnh đạo mới có đủ đức, đủ tài và thực hiện được quyền làm chủ của dân, để đưa đất nước phát triển nhanh, vững chắc trong giai đoạn mới; đạt được mục tiêu đã đề ra đến năm 2020 cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại", Trung tướng Phạm Hồng Cư kỳ vọng.
Trung tướng Phạm Hồng Cư cho rằng, quốc phòng - an ninh hiện nay có hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như ông cha ta từ trước tới giờ dựng nước bao giờ đi đôi với giữ nước. Nó đã đặt ra như vậy đối với việc bảo vệ Tổ quốc là thiêng liêng; là bất biến không thể nào thay đổi hay nhân nhượng được.
Bởi vậy, trong nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng - an ninh đã đề ra trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội XII là hoàn toàn đúng đắn. Muốn làm được việc này, trước hết phải phát huy xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân theo đúng lời dạy của Bác Hồ là trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua; kẻ thù nào cũng đánh thắng. Đó là vấn đề quan trọng bậc nhất cùng với toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ an ninh.
Trung tướng Khuất Duy Tiến, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1, tâm sự: Ông đặt rất nhiều niềm tin, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sẽ tạo cho đất nước ta có một sự chuyển biến cơ bản về kinh tế - xã hội; thực hiện được công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ông kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, phù hợp của Đảng để phát huy thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục đưa đất nước ta phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời, ông mong muốn, Đại hội sẽ đề ra các phương hướng, nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đánh giá 30 năm đổi mới, ông cho rằng, diện mạo đất nước có nhiều đổi mới. Qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh.
Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Tuy nhiên, còn một số hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
* Lựa chọn những người có đức, có tài
Đại hội Đảng lần thứ XII sẽ góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phòng chống tham nhũng, lãng phí; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đặc biệt là bầu những người có tâm, có đạo đức, bản lĩnh để đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Luật sư Lê Đức Tiết, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Pháp luật, Dân chủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định: Năm 2015 đất nước có nhiều thuận lợi, đồng thời có nhiều thử thách. Trong nhiệm kỳ mới, nhân dân kỳ vọng Đại hội Đảng sẽ đưa ra đường lối, chính sách mới, liên quan đến đất đai, giáo dục, quốc phòng-an ninh, môi trường…
Trong đó, vấn đề người dân quan tâm, bức xúc nhất hiện nay là công tác phòng, chống tham nhũng và lãng phí. Lãng phí hiện nay chưa nhận diện được lãng phí về tiền của, đất đai, lãng phí về thời gian và nhân lực. Để giải quyết được tất cả những điều trên cần có những nhân tài. "Thời thế tạo ra anh hùng" nhưng anh hùng cũng tạo ra thời thế, vì vậy, Đại hội Đảng kỳ này cần lựa chọn được nhân tài, đó là những người được nhân dân mến mộ, là những người thời gian qua đã có sáng kiến đưa đất nước phát triển.
Theo Luật sư Lê Đức Tiết, nhân tài không tùy thuộc vào tuổi tác, không tùy thuộc cương vị cũ đã làm gì. Trước hết, các đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương cần làm gương trong việc công khai minh bạch tài sản, chống tham ô lãng phí. Những vị trí lãnh đạo chủ chốt được bầu ra tại Đại hội phải là những người có đạo đức trong sáng và có năng lực thực sự.
Thể hiện sự quan tâm đến vấn đề nhân sự tại Đại hội Đảng lần thứ XII, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: Có một vấn đề lớn đặt ra sau Đại hội đó là những vị trí chủ chốt và việc thẩm định lại phẩm chất, đạo đức của những người đã được Trung ương giới thiệu.
Bởi, muốn xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, nội bộ Đảng không thể làm tốt được nếu không có sự đóng góp của nhân dân như lời Bác Hồ dạy"Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Xây dựng Đảng trong bối cảnh hiện nay là việc hết sức khó khăn vì nó nằm trong cơ chế thị trường, sự thoái hóa biến chất chưa giảm mà lại có chiều hướng gia tăng và ngày càng tinh vi hơn. Từ Đại hội VII đến Đại hội XI, Văn kiện của Đảng ta đã khẳng định có một bộ phận không nhỏ Đảng viên có chức, có quyền thoái hóa, biến chất.
Để giải quyết, ngăn chặn, đẩy lùi việc này, ông Nguyễn Túc đề nghị có sự tham gia của nhân dân và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về những cán bộ được đại hội, Trung ương giới thiệu kỳ này, góp phần giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh theo tinh thần Chỉ thị 217, 218 của Bộ Chính trị.
Ông Nguyễn Túc tin tưởng đội ngũ cán bộ được vào Trung ương kỳ này sẽ có chất lượng tốt hơn. Nhưng để làm được điều này, các cơ quan có thẩm quyền, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban thẩm tra tư cách đại biểu cần thẩm tra lại một lần nữa tất cả những người đã được giới thiệu trước khi đại hội. Bên cạnh vấn đề đạo đức, cần có tài năng để giải quyết các vấn đề trên cơ sở đường lối của Đảng đã vạch ra, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám quyết; có như vậy mới có thể chuyển biến được tình hình hiện tại hiện nay. Muốn làm được điều này, rất cần những con người dám chịu trách nhiệm trước dân trên cơ sở đường lối đã vạch ra.
Mong đại hội sẽ chọn được những người đức – tài đều trọn vẹn. Đức là không tham nhũng, không tham ô, không bao che, không lợi ích nhóm; tài là dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng về những vấn đề mà Đảng ta đã có Nghị quyết - ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.