Theo ông Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang, nửa nhiệm kỳ qua, với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đến nay, có 5/17 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra (chiếm 29,4%); 8/17 chỉ tiêu đạt từ 80% đến dưới 100% (chiếm 47,1%); 4/17 chỉ tiêu đạt từ 50% đến dưới 80% (chiếm 23,5%); 1 chỉ tiêu đạt 35%.
Huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông
Thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TU, ngày 22/12/2021 về đột phá kết cấu hạ tầng giao thông, giai đoạn 2021-2025, nửa nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã tập trung ưu tiên, huy động nguồn lực triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, có tính kết nối vùng cao. Tỉnh đã tập trung bố trí nguồn lực cho đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông 8.455 tỷ đồng/15.984 tỷ đồng (chiếm 53% tổng số vốn kế hoạch đầu tư công thực tế giao). Trong đó, đã khởi công Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Hà Giang. Cụ thể, đoạn từ thị trấn Vĩnh Tuy đến xã Tân Quang (huyện Bắc Quang), với chiều dài 27,48 km, quy mô 2 làn xe bề rộng nền đường 12m, tổng mức đầu tư 3.198 tỷ đồng. Xây dựng Dự án tuyến cao tốc nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Hoàn thành nâng cấp, cải tạo đưa vào sử dụng Quốc lộ 279 đoạn nối thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang (Hà Giang) với xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên (Lào Cai).
Đặc biệt, các tuyến đường huyện, đường giao thông nông thôn, đường ra các cửa khẩu, lối mở, đường tuần tra biên giới đã được Hà Giang tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo, sửa chữa. Nửa nhiệm kỳ qua, tỉnh đã hoàn thành đưa vào sử dụng hơn 80km đường giao thông tuyến huyện, cứng hóa 947 km đường trục xã, trục thôn và đường nội đồng. 100% số xã có đường ô tô cứng hóa đến trung tâm xã; 100% số thôn, bản có đường xe cơ giới đến trung tâm với 1.732 tuyến, tổng chiều dài là 6.200 km. Phấn đấu đến hết năm 2023, Hà Giang có 82/124 thôn biên giới có đường giao thông đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới…
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Là tỉnh vùng cao biên giới nằm ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, song nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế, nửa nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã huy động các nguồn lực, bố trí 1.721 tỷ đồng triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng, hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị; chủ động thực hiện các chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước; hình thành hệ thống sản phẩm du lịch phong phú; đẩy mạnh công tác tuyền truyền, quảng bá, giới thiệu văn hóa, du lịch và các sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Giang trên nền tảng số.
Kết quả, lượng du khách đến Hà Giang ngày một tăng, năm 2022 đạt xấp xỉ 2,3 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 4.536 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 1,418 triệu lượt khách, ước trong năm 2023 có khoảng 3 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch ước đạt 5.000 tỷ đồng (đạt 100% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra). Du lịch Hà Giang đã và đang phát triển theo hướng bền vững, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế và dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Nỗ lực thực hiện thắng lợi toàn diện mục tiêu Nghị quyết
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (giai đoạn 2023-2025) với mục tiêu: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả chủ đề, mục tiêu tổng quát, “3 đột phá”, “5 chương trình trọng tâm”, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã đề ra và các nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch, đề án đã ban hành.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng đề nghị các cấp, ngành, địa phương cần chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp với tình hình thực tiễn; duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đã đạt và vượt. Bên cạnh đó, xác định các giải pháp căn cơ, đột phá và tập trung mọi nguồn lực, quyết tâm thực hiện cao nhất các chỉ tiêu đã đề ra; nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công; cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy mạnh mẽ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Đặc biệt, các cấp, ngành cần nêu cao trách nhiệm, gương mẫu trong thực hiện các công trình, dự án trọng điểm; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; kiên trì xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. Đầu tư phát triển nguồn lực y tế; xây dựng hệ thống giáo dục của tỉnh đồng bộ, hiệu quả; chống bệnh thành tích và tiêu cực trong ngành giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng toàn diện; xác định xây dựng Đảng và hệ thống chính trị là nhiệm vụ then chốt, bao trùm, quyết định sự phát triển của tỉnh.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, chung sức, đồng lòng, không ngừng đổi mới sáng tạo, khơi dậy mạnh mẽ ý chí, khát vọng vươn lên, nỗ lực thực hiện cao nhất, toàn diện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII đã đề ra…, góp phần đưa Hà Giang phát triển toàn diện, thu hẹp khoảng cách với các tỉnh trong khu vực.