Ngày 20/3, tại Hà Giang, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Kinh tế Trung ương và UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc”.
Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; đồng chí Phan Diễn, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực ban Bí thư; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang; Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; đại diện các bộ, ban, ngành ở Trung ương, lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc và tỉnh Hà Giang đã tham dự.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tỉnh ủy Hà Giang chủ trì cuộc Hội thảo. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang mong muốn: Để phát triển, tỉnh Hà Giang đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên ngành và đã xác định được tiềm năng lợi thế. Các tiềm năng đó đã được Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ thống nhất kết luận và trở thành chủ trương phát triển kinh tế của tỉnh trong nhiều năm tới… Hà Giang đã xác định phát triển trên quan điểm “một trục – hai hướng” như kết nối Đông Bắc và Tây Bắc, kết nối một trục giữa các tỉnh Hà Tuyên – Vĩnh Phú trước đây với thị trường Châu Văn Sơn (Trung Quốc) là một lợi thế không chỉ của Hà Giang, mà lợi thế của các cơ quan trung ương, các địa phương cùng tổ chức thực hiện. Muốn vậy, cần phải có cơ chế phù hợp, hợp tác thích hợp, liên kết chặt chẽ, thông tin đầy đủ, xác lập sản phẩm và dịch vụ có thế mạnh để cùng phát triển.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc phát biểu tại Hội thảo. |
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Vương Đình Huệ cũng khẳng định: Hà Giang có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển, làcửa ngõ phía Bắc của quốc gia, có 4 tuyến Quốc lộ đi qua, có đường biên giới giáp với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dài 274 km. Đây là điều kiện quan trọng để đưa Hà Giang trở thành tỉnh kết nối kinh tế biên mậu trong hành lang kinh tế Việt Nam – Trung Quốc và với các nước khác. Với lợi thế này, Hà Giang có thể cùng các tỉnh biên giới phía Bắc, liên kết đề xuất các chủ trương, cơ chế chính sách đột phá về thể chế, hạ tầng nhằm triển khai mạnh mẽ kinh tế biên mậu trở thành thế mạnh trong tái cơ cấu kinh tế…
Đồng chí Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo. |
Tại Hội thảo, các nhà quản lý kinh tế, các nhà khoa học và doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều thông tin về phát triển kinh tế vùng Tây Bắc trong đó có Hà Giang. Nhiều chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, các Chương trình dự án ODA do các tổ chức quốc tế tài trợ trong thời gian qua được sử dụng hiệu quả góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng cũng như thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc và của Việt Nam đã cam kết và quyết tâm thực hiện.
Các tham luận của nhà khoa học cũng chỉ ra những tiềm năng, lợi thế khó khăn, thách thức của tỉnh Hà Giang., đồng thời cũng đề ra mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong mối liên kết vùng Đông Bắc và Tây Bắc. Thực tế, trong những năm qua yếu tố liên kết nội vùng và liên vùng còn hạn chế trong tư duy phát triển nền kinh tế thị trường ở các cấp chính quyền nói chung và các tỉnh trong Đông Bắc, Tây Bắc nói riêng. Từ việc phân tích các chính sách, các quy hoạch phát triển vùng, địa phương, phát triển đô thị và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhiều ý kiến của các bộ, ngành trung ương và địa phương chỉ ra rằng: Liên kết nội vùng và liên kết liên vùng trong phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên môi trường còn hạn chế. Các tỉnh, thành phố mới chủ yếu tập trung tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, qua lại để hiểu biết, học tập lẫn nhau. Một số địa phương tuy đã chủ động tìm cách để có thể tổ chức, phối hợp thực hiện các ý tưởng liên kết.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu trao đổi ý kiến bên lề Hội thảo. |
Tuy nhiên, các cam kết hỗ trợ rất ít đi vào thực tiễn do nhiều nguyên nhân như: Tính bắt buộc pháp lý thấp, các thỏa thuận không kèm theo điều kiện thi hành, nguồn lực cho hợp tác hạn chế, lợi ích địa phương cục bộ... Sự phối hợp giữa các địa phương trong việc thi hành chính sách thu hút và phân bổ đầu tư còn nổi lên vấn đề như: Mạnh ai nấy chạy nên đã tạo ra một tình trạng cạnh tranh, chạy đua thu hút đầu tư, thi nhau "trải thảm đỏ" mời gọi các nhà đầu tư vào địa phương mình, nhiều hình thức ưu đãi được áp dụng (giảm thuế, giảm giá thuê đất, thậm chí cả giảm các điều kiện về môi trường...) khiến lợi ích tổng thể giảm ở cấp độ quốc gia cũng như trong vùng, trong các tỉnh. Hệ thống cơ sở dự liệu vùng không được xây dựng đề làm cơ sở khoa học cho lập quy hoạch vùng cũng như địa phương tạo liên kết. Điều này là một cản trở lớn trong công tác đánh giá, giám sát, dự báo và lập quy hoạch, kế hoạch theo vùng và có những dự báo tốt cho điều hành vĩ mô. Chất lượng của quy hoạch, kế hoạch là một trong những bất cập, quy hoạch ít được triển khai trong thực tế; thiếu sự phối hợp giữa các tỉnh; thiếu sự liên kết cụm ngành trong khu công nghiệp…
Theo các nhà khoa học, những nguyên nhân trên là do:Thiếu khung khổ pháp lý trong quản lý vùng; phân cấp đầu tư cho địa phương, song các địa phương chưa chủ động liên kết đầu tư phát triển hạ tầng vùng mà chủ yếu dựa vào Chính phủ; thiếu giám sát thực thi kế hoạch, quy hoạch phát triển, mới dẫn đến tình trạng "mạnh địa phương nào thì địa phương đó làm".
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian trưng bày các sản phẩm khoa học công nghệ tại Hội thảo. |
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: Thời gian qua Hà Giang đã có nhiều cố gắng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trong mối liên kết vùng Đông Bắc, Tây Bắc, nhất là việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở.
Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới Hà Giang và các tỉnh trong vùng Tây Bắc cần phát huy nội lực, tận dụng lợi thế cạnh tranh, tranh thủ mọi nguồn lực xã hội, xúc tiến đầu tư, đối thoại công - tư, cải cách thủ tục hành chính, chủ động công bố danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính và các nhà tài trợ nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Chủ trì xây dựng, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình cho phù hợp với quy hoạch vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013 và các Kết luận của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Trong quy hoạch phát triển của từng địa phương phải có nội dung mục tiêu liên kết vùng. Phối hợp với các bộ ngành xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù của vùng. Tham gia xây dựng quy hoạch phát triển các lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, các ngành sản phẩm chủ yếu và các Đề án về cơ chế chính sách phối hợp phát triển các ngành, lĩnh vực của các bộ, ngành triển khai trên địa bàn tỉnh. Liên kết xây dựng các ngành công nghiệp có trình độ công nghệ hiện đại, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, tập trung vào một số ngành công nghiệp mà địa phương có lợi thế trong mối quan hệ phân công, hợp tác giữa các địa phương trong vùng…
Để khắc phục những hạn chế trong thời gian qua, đồng thời thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế - xã hội trong vùng theo hướng bền vững và phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, nhiệm vụ chủ yếu của bộ, ngành trung ương, nhiệm vụ của tỉnh Hà Giang và các tỉnh trong vùng trong thời gian tới cần tập trung đổi mới công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch theo hướng chất lượng, sát thực, hiệu quả. Các giải pháp, cơ chế chính sách khuyến khích liên kết đầu tư trong vùng phải bắt đầu tư việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch. Quy hoạch của các địa phương phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, đó là yếu tố cần thiết để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong vùng và là yếu tố định hướng để liên kết, liên doanh phát triển trong vùng.
Đối với các bộ, ngành trung ương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế phối hợp, cơ chế thực hiện liên kết, điều phối giữa các địa phương trong vùng và với các vùng khác đã được giao nhiệm vụ tại Quyết định sô 1064/QĐ-TTg ngày 8/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng. Tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng tiến hành xây dựng các quy hoạch kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành, sản phẩm chủ yếu; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch; đề xuất Trung ương sửa đổi, bổ sung những quy định, khung pháp lý phù hợp với thực tiễn của vùng và liên vùng. Nghiên cứu, xây dựng và đề xuất việc hành cơ chế, chính sách đặc thù ưu đãi, khuyến khích phát triển kinh tế xã hội; thu hút các nguồn lực trong nước và nước ngoài, nhằm thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong quy hoạch vùng. Tiến hành đánh giá kết quả và hiệu quả đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị trong những năm qua, xây dựng kế hoạch hoàn thành đầu tư dứt điểm các dự án trọng điểm, đồng thời xây dựng kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng quan trong giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn tiếp theo. Cần ưu tiên phát triển hiện đại hoá mạng lưới giao thông vận tải, nhất là giao thông đường bộ, đường hàng không gắn kết các tỉnh trong vùng và các vùng lân cận; đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; nông nghiệp nông thôn; hạ tầng du lịch; cung cấp nước sạch, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường... cho từng địa phương trong vùng. Xây dựng, tính toán và phổ biến các phương pháp tính toán các số liệu thống kế liên vùng nhằm hình thành cơ sở dữ liệu vùng.
Đối với các địa phương trong vùng nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý cần quy hoạch phải thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị hàng hoá nông sản có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế trong các năm tới. Phân tích, lựa chọn những chuỗi hàng hoá cấp địa phương, cấp vùng; lựa chọn những chuỗi hàng hoá có ưu thế cạnh tranh nhất đề đầu tư phát triển gắn liền với quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản với công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, đi cùng với phát triển doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư vào, đầu ra và thị trường cho ngành nông nghiệp. Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trong từng giai đoạn phải đi cùng với việc hỗ trợ cho chuỗi giá trị hàng hoá nông nghiệp chất lượng cao. Với tư tưởng đổi mới như vậy, các địa phương sẽ hiểu được lợi thế so sánh của mình để liên kết, phân công hợp tác xây dựng lại các vùng chuyên canh liên huyện, tập trung cao, quy mô hàng hoá lớn. Cần xây dựng hệ thống giám sát đánh giá việc thực hiện những nội dung liên kết vùng trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm ở cấp địa phương. Về xây dựng thể chế, cơ chế thực hiện liên kết vùng, Chính phủ đã nhất trí với một số đề xuất, dự án của các địa phương, trong đó đối với chủ trương để cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy phát triển đúng tầm tạo động lực liên kết vùng, đồng ý và giao cho tỉnh Hà Giang chủ động phối hợp với các bộ, ngành báo cáo đề xuất cụ thể...
Bài và ảnh: Nguyễn Viết Tôn