Ngày 20/2, tại buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về công tác đảm bảo an toàn giao thông và các giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã đánh giá cao tinh thần triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông của cấp ủy, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội, đem lại kết quả đáng ghi nhận. Đồng thời, Phó Thủ tướng chỉ rõ những giải pháp mà thành phố Hà Nội cần tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới, trong đó tập trung xây dựng các điểm đỗ xe cho người dân theo quy hoạch.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Chinhphu.vn |
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình với các giải pháp thành phố đang tích cực thực hiện như: Cấm trông giữ phương tiện ở vỉa hè, lòng đường 262 tuyến phố; điều chỉnh giờ học tập, làm việc, kinh doanh; phân làn phương tiện; cấm taxi, xe tải lưu thông ở một số tuyến phố nội đô. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã quan tâm triển khai xây dựng các công trình giao thông, đặc biệt là cầu vượt và có giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng, nhất là xe buýt..., đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, công tác chống ùn tắc giao thông cũng còn nhiều tồn tại, bất cập, Phó Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cần chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ hơn nữa để đạt các tiêu chí ở mức cao hơn, giảm 20% số người chết và bị thương do tai nạn giao thông; giảm 30% số vụ tai nạn giao thông và xây dựng lộ trình xóa bỏ 70% số điểm đen giao thông... Trong 2 tháng đầu của năm An toàn giao thông 2012, thành phố Hà Nội đã giảm được cả 3 tiêu chí: Giảm 36,6% số vụ, 36,3% số người chết và 23,1% số người bị thương do tai nạn giao thông so với cùng kỳ năm trước.
Phó Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội cần tập trung xây dựng các điểm đỗ xe cho người dân theo quy hoạch; phải có chính sách ưu đãi trong đầu tư xây dựng bãi đỗ xe để đáp ứng kịp thời nhu cầu đỗ xe của người dân. Thành phố cần tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng, nhất là khu vực trung tâm, tuyến vành đai; đẩy nhanh tiến độ triển khai chủ trương di dời các trường học, bệnh viện, trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng công trình hạ tầng giao thông; tiếp tục phân làn phương tiện, cấm trông giữ phương tiện trên lòng đường, vỉa hè 262 tuyến phố.
Phó Thủ tướng đã cơ bản nhất trí với 7 kiến nghị của thành phố Hà Nội đưa ra, đó là: Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với thành phố để tổ chức nghiên cứu, sớm di dời và giãn các cơ sở đào tạo, trường đại học, bệnh viện và cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô, thực hiện trong giai đoạn 2012 - 2015; sớm xem xét, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách nhằm từng bước quản lý, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; tăng mức phí giao thông đối với các phương tiện giao thông cá nhân để hạn chế phương tiện cá nhân, tạo nguồn thu đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đô thị. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng và ban hành cơ chế xử phạt vi phạm hành chính đặc thù cho Thủ đô, nâng thẩm quyền xử phạt cho lực lượng Thanh tra, Cảnh sát giao thông và tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ..., trong đó yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính sớm nghiên cứu để trình Chính phủ ban hành về việc tăng mức thu phí giao thông cá nhân và mức xử phạt nhằm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Tại buổi làm việc, ý kiến của đại biểu các bộ, ngành cho thấy chủ trương di dời các trường học, bệnh viện và trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô còn gặp rất nhiều khó khăn, khó có thể thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2015. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, để di dời các trường học ra khỏi nội đô, Bộ Giáo dục phải có quy hoạch hệ thống các trường để Bộ Xây dựng và thành phố bố trí địa điểm; chưa có quy hoạch của ngành thì thành phố chưa thể bố trí đất để di dời các trường được.
Tuyết Mai