Hà Nội đã trả lời tất cả ý kiến, kiến nghị của cử tri về những vấn đề cấp bách

Toàn hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội đang quyết liệt vào cuộc phòng, chống dịch COVID-19, thành phố cũng đồng thời nỗ lực thực hiện các biện pháp, giải pháp phát triển kinh tế cũng như ổn định trật tự xã hội.

Thực hiện yêu cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIV, UBND thành phố Hà Nội báo cáo tổng hợp trả lời 25/25 ý kiến, kiến nghị của cử tri đối với những vấn đề rất cấp thiết, nhiều người quan tâm trong thời gian qua.

Chú thích ảnh
Xe chở rác vào Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN

Nổi bật là phản ánh của cử tri hiện nay tại các huyện Đan Phượng, Thường Tín, tỷ lệ người dân được dùng nước sạch còn thấp, đề nghị UBND thành phố Hà Nội đầu tư kinh phí, đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình nước sạch phục vụ người dân trên địa bàn.  

UBND thành phố Hà Nội cho biết, huyện Đan Phượng (có thị trấn Phùng và 15 xã với dân số khoảng 162.900 người) có các trạm cấp nước tập trung ở thị trấn Phùng và các xã Đan Phượng, Song Phượng, Tân Hội, Tân Tây Đô cùng một số khu vực thuộc xã Đồng Tháp, Phương Đình, Thượng Mỗ. Hệ thống cấp nước của huyện mới cung cấp đủ cho trên 43% dân số (khoảng 70.047 người). Để hoàn thành việc đầu tư phát triển hệ thống cấp nước cho huyện Đan Phượng, UBND thành phố Hà Nội đã giao Công ty Cổ phần nước sạch Tây Hà Nội triển khai dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho 8 xã Trung Châu, Thọ An, Thọ Xuân, Hạ Mỗ, Hồng Hà, Liên Hồng, Liên Hà, Liên Trung. 

Đối với việc cấp nước trên địa bàn huyện Thường Tín, để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã thuộc các huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai cho Liên doanh Công ty Cổ phần nước Aqua One và Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hai thành viên phân phối nước sạch huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai) triển khai xây dựng mới hệ thống cấp nước hoàn chỉnh cho 26 xã chưa có hệ thống cấp nước của huyện Thường Tín (Ninh Sở, Nhị Khê, Duyên Thái, Khánh Hà, Hòa Bình, Hiền Giang, Hồng Vân, Vân Tảo, Liên Phương, Tự Nhiên, Tiền Phong, Hà Hồi, Thư Phú, Nguyễn Trãi, Quất Động, Chương Dương, Lê Lợi, Thắng Lợi, Tân Minh, Dũng Tiến, Thống Nhất, Nghiêm Xuyên, Tô Hiệu, Văn Tự, Vạn Điểm, Minh Cường). 

Cử tri huyện Sóc Sơn đề nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét, sớm chỉ đạo rà soát, giải quyết dứt điểm việc quy hoạch rừng năm 2008 trùng, lấn với đất ở, đất nông nghiệp của các hộ dân để phục vụ cho công tác quản lý và quyền lợi của người dân.

Về việc này UBND thành phố trả lời như sau: Sau khi có kết luận của Thanh tra thành phố Hà Nội về quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, nội dung quy hoạch rừng huyện Sóc Sơn năm 2008 còn bất cập, chồng chéo quy hoạch rừng vào đất ở dân cư, bản đồ quy hoạch lấy theo mốc giả định. Ngày 11/12/2019, Thành ủy Hà Nội đã có Thông báo số 2351-TB/TU về kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về kết quả xử lý, khắc phục sau thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn 10 xã và thị trấn huyện Sóc Sơn giai đoạn 2008-2018. UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản về kết quả xử lý, khắc phục sau thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn 10 xã và thị trấn huyện Sóc Sơn giai đoạn 2008 -2018 và ra văn bản rà soát hoàn thiện nội dung đề nghị điều chỉnh quy hoạch đất rừng huyện Sóc Sơn. 

Hiện nay UBND Thành phố đã chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn tiến hành rà soát chi tiết diện tích rừng huyện Sóc Sơn. Sau khi có kết quả rà soát rừng của UBND huyện Sóc Sơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch kiến trúc và UBND huyện Sóc Sơn báo cáo đề xuất UBND thành phố Hà Nội xem xét điều chỉnh theo quy định.

Cử tri các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng duy tu, bảo trì, bảo dưỡng nhà chung cư cũ và hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu tập thể, chung cư cũ. UBND thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn các quận Thanh Xuân và Nam Từ Liêm đã bán hết nhà cho các hộ dân theo nghị định 61/CP (nay là Nghị định 99). Tổng số 150 nhà tập thể, chung cư cũ (quận Thanh Xuân 141 tòa, quận Nam Từ Liêm 9 tòa); số còn lại là 75 tòa thuộc quận Thanh Xuân đã bán cơ bản, còn lại một số căn hộ cho thuê do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý phát triển nhà là đơn vị được thành phố Hà Nội giao trực tiếp quản lý. Sở Xây dựng đã có văn bản báo cáo UBND thành phố Hà Nội để yêu cầu các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ tiếp nhận để quản lý…

Một vấn đề người dân quan tâm bức xúc lâu nay tiếp tục được cử tri phản ánh là về Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Cử tri đề nghị UBND thành phố Hà Nội tập trung giải quyết các kiến nghị của người dân: Đầu tư mở rộng tuyến đường từ ngã ba Hồng Kỳ đến cổng bãi rác để tạo thuận lợi cho người dân đi lại và chỉ đạo tăng cường tưới nước, rửa đường để đảm bảo vệ sinh môi trường trên đoạn đường này; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho nhân dân dọc 2 bên đường có xe chở rác chạy qua; xem xét, thực hiện bồi thường hỗ trợ cho nhân dân vùng ảnh hưởng môi trường phạm vi đến 3.000 m. 

UBND thành phố Hà Nội cho biết, về công tác đảm bảo vệ sinh môi trường Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Xây dựng và các sở, ngành rà soát, thực hiện các biện pháp hạn chế ảnh hưởng đến môi trường như: Sử dụng chế phẩm sinh học khử mùi được quy định phun khi đổ rác và trong khu vực Khu xử lý; áp dụng công nghệ màng phủ Posi Shell thay thế đất phủ tạm thời ô chôn lấp và sử dụng lớp vải nhựa HDPE để phủ kín các ô chôn lấp khi đóng bãi nhằm hạn chế triệt để mùi và côn trùng; đầu tư xây dựng các công trình cải tạo hạ tầng hàng năm đảm bảo an toàn vận hành bãi, tuyệt đối không để rò rỉ nước rác ra môi trường.

Đối với đề nghị tăng cường vệ sinh đường từ ngã ba Hồng Kỳ đến khu vực cổng Khu xử lý, UBND thành phố Hà Nội có văn bản chấp thuận thực hiện công tác tưới nước rửa đường tại các tuyến đường vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, bao gồm cả bổ sung kinh phí duy trì cho UBND huyện Sóc Sơn. Hiện nay, công tác này vẫn đang được thực hiện hàng ngày… Những vấn đề còn lại cũng được UBND thành phố Hà Nội trả lời cụ thể, xác đáng. 

Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội cũng đã trả lời bằng văn bản đối với nhiều ý kiến khác như: Cử tri đề nghị UBND thành phố Hà Nội cần cân nhắc, lựa chọn kỹ, có cơ sở khoa học, biện pháp giải quyết từ gốc để có phương án tối ưu cho việc đảm bảo môi trường không khí, môi trường nước và làm sạch nước sông, hồ (sông Tô Lịch, Hồ Tây...) để cải thiện môi trường Hà Nội. Bên cạnh đó, thành phố cần thận trọng, tránh lợi ích nhóm, lãng phí và giải quyết chưa triệt để từ gốc các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường.  

Cử tri huyện Mê Linh tiếp tục phản ánh bức xúc của nhân dân xung quanh Dự án Công viên tưởng niệm thiên đường Thanh Tước trên địa bàn các xã Thanh Lâm và Tam Đồng, huyện Mê Linh; đề nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét, chỉ đạo cơ quan chức năng đối thoại với người dân và sớm có ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền để dừng thực hiện Dự án trên.

Nguyễn Văn Cảnh   (TTXVN)
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 16 trên địa bàn thành phố
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 16 trên địa bàn thành phố

Sáng 15/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội đánh giá kết quả sau 2 tuần thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 31-CT/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN