Tại buổi làm việc, đại diện Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đoàn kiểm tra tập trung yêu cầu chủ đầu tư cung cấp những hồ sơ pháp lý liên quan đến quá trình triển khai xét duyệt bán nhà ở xã hội và thực tế quản lý, sử dụng của các chủ sở hữu. Trên cơ sở những tài liệu thu thập từ phía chủ đầu tư, đoàn kiểm tra dự kiến tổ chức kiểm tra thực tế các căn hộ có nghi vấn theo phản ánh của dư luận để làm rõ việc có hay không các sai phạm tại dự án này?
“Nếu phát hiện chủ đầu tư và người được quyền mua căn hộ theo danh sách đã được phê duyệt cũng như các chủ sử dụng căn hộ hiện tại có vi phạm trong quá trình nộp hồ sơ, xét duyệt quyền mua và quản lý, sử dụng nhà ở xã hội, đoàn kiểm tra sẽ kiến nghị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”, đại diện Thanh tra Sở Xây dựng nhấn mạnh.
Theo phản ánh của các cư dân sinh sống tại dự án này, mặc dù tòa nhà mới hoàn thành đưa vào sử dụng từ cuối năm 2015, nhưng đã xuất hiện tình trạng nhiều căn hộ nhà ở xã hội liền kề đứng tên các chủ sở hữu khác nhau đã được đập thông, tạo thành những căn hộ có diện tích lớn hơn, sai với thiết kế ban đầu, thậm chí còn có hiện tượng mua bán trục lợi trái quy định của nhà nước.
Dự án tổ hợp văn phòng, dịch vụ, thương mại và nhà ở xã hội số 30 Phạm Văn Đồng, do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại dịch vụ Bắc Hà làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, tòa nhà có 19 tầng; trong đó, từ tầng 1 đến tầng 2 là hệ thống văn phòng, dịch vụ, thương mại, từ tầng 3 đến tầng 19 bố trí 357 căn hộ nhà ở xã hội. Mỗi tầng có 21 căn, diện tích từ 57,6 – 69,2 m2.
Tuy nhiên, từ nhiều tháng qua, do buông lỏng quản lý từ phía chủ đầu tư, mà trực tiếp là Ban Quản lý dự án 30 Phạm Văn Đồng đã dẫn đến một số chủ sử dụng bất chấp các quy định của pháp luật, ngang nhiên phá thông các căn hộ liền kề, gây bức xúc cho cư dân, đặc biệt là các đối tượng thu nhập thấp có nhu cầu thực sự về nhà ở. Cụ thể, tại hai căn hộ số 20 và 21 của các tầng 8, 9, 14, 18 được đập thông với nhau, tạo thành những căn hộ lớn gấp đôi. Nghiêm trọng hơn, tại tầng 19 có tới 6 căn hộ là 1901, 1902, 1906, 1907, 1920, 1921 được nối thông thành ba căn hộ lớn…
Như vậy, có thể thấy rõ mục đích sử dụng và thiết kế của tòa nhà đã bị thay đổi, không còn là nhà ở xã hội dành cho những người khó khăn về nhà ở theo đúng chủ trương ưu đãi của nhà nước và thành phố, trong khi quy định của Bộ Xây dựng với loại hình nhà này diện tích cao nhất chỉ 70m2. Điều đáng nói là dù đập thông thành một căn hộ lớn và hiện do một chủ sử dụng nhưng người đứng tên sở hữu căn hộ trên danh sách được mua đã ký với chủ đầu tư vẫn là hai người khác nhau.
Còn theo quy định, đối với nhà ở xã hội, bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở; trường hợp trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bên mua, bên thuê mua đã thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội nếu đơn vị này không mua với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân…
Dư luận đặt ra câu hỏi, có hay không việc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại dịch vụ Bắc Hà, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội 30 Phạm Văn Đồng đã làm ngơ cho các hành vi sai phạm của các chủ sử dụng căn hộ để trục lợi cá nhân?
Cũng từ bức xúc của người dân tại dự án 30 Phạm Văn Đồng, cùng với sức 'nóng" của một số dự án nhà ở xã hội vừa mở bán trên địa bàn thành phố gần đây như Dự án 622 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), dự án nhà ở xã hội Đại Kim (quận Hoàng Mai) do Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội số 5 làm chủ đầu tư cho thấy, nhu cầu về nhà ở đối với những người có thu nhập thấp vẫn còn rất lớn, trong khi quỹ nhà ở này vẫn còn hạn chế, hoặc quy hoạch chưa phù hợp, khiến người dân vẫn phải ngậm ngùi nuôi dài "giấc mơ an cư".
Do vậy, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, triển khai đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội đã được phê duyệt, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cần phải siết chặt hơn nữa công tác quản lý nhà ở xã hội để tránh tình trạng các đối tượng đầu cơ trục lợi, ảnh hưởng đến quyền mua nhà của những người có nhu cầu thực sự đang khó khăn về nhà ở.