Sáng 8/3, tại khu resort Điền Viên Thôn (thuộc khu rừng Mu, thôn Chóng, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội), người dân vẫn được vào tham quan bình thường; nhiều khu nhà sang trọng đóng cửa không có người ở và một vài nhà tổ chức dịch vụ ăn uống.
Người dân địa phương bày tỏ sự lo lắng về việc khu du lịch này ảnh hưởng tới môi trường sống và sinh hoạt của người dân, nhất là việc xả thải từ một số bếp ăn trực tiếp xuống suối và các hoạt động gây ồn ào. Một nhân viên du lịch có mặt tại đây cho biết, riêng năm nay khu du lịch đã mở cửa đón khách từ mùng 5 Tết và lượng khách tới du xuân cũng khá đông.
Theo kết luận của Sở Xây dựng Hà Nội, về quản lý lĩnh vực đất đai, việc các hộ gia đình, cá nhân tự ý mua bán, chuyển quyền sử dụng đất khi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là vi phạm quy định về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 188, Luật Đất đai năm 2013; việc tự ý mua bán, chuyển nhượng không được công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền là vi phạm quy định Luật Công Chứng, chứng thực năm 2014, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Đối với các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, sử dụng đất sai mục đích đã được UBND xã Yên Bài kiểm tra, lập biên bản vi phạm và ban hành các Quyết định xử lý theo lĩnh vực đất đai tại Nghị định 105/2009/NĐ-CP ngày 11/11/2009 (nay là Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014). Tuy nhiên, UBND xã không áp dụng các biện pháp ngăn chặn, quyết liệt để xử lý triệt để các trường hợp vi phạm nên trách nhiệm thuộc Chủ tịch UBND xã Yên Bài.
Theo ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, về xây dựng các công trình xây dựng liên quan đất đai, Đội Thanh tra Xây dựng huyện Ba Vì đã phát hiện các trường hợp vi phạm từ năm 2013, đã làm việc với UBND xã Yên Bài và đề nghị UBND xã xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, có các báo cáo và đề xuất UBND huyện Ba Vì chỉ đạo các ngành của huyện, UBND xã Yên Bài xử lý dứt điểm triệt để theo quy định.
UBND huyện cũng đã thành lập tổ công tác để kiểm tra, chỉ đạo xử lý vi phạm về đất đai, xây dựng nhà trái phép tại khu rừng Mu, thôn Chóng, xã Yên Bài theo quy định nhưng đến nay tổ công tác vẫn chưa có báo cáo kết quả thực hiện. Trách nhiệm này thuộc UBND huyện Ba Vì, Chủ tịch UBND xã Yên Bài và các phòng, ban chuyên môn của huyện.
Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn, Sở Xây dựng đề nghị UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì chỉ đạo UBND xã Yên Bài phối hợp với các lực lượng của huyện đình chỉ mọi hoạt động đối với các trường hợp vi phạm.
Khẩn trương chỉ đạo tổ công tác liên ngành của huyện tập trung kiểm tra, làm rõ nguồn gốc đất đai, làm rõ ranh giới phạm vi khu đất có công trình vi phạm, hành vi vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng của chủ đầu tư; trách nhiệm của các đơn vị trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng để báo cáo, đề xuất UBND Thành phố xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Trong quá trình xử lý các vi phạm liên quan đến đất đai cần phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn, phối hợp.
Đặc biệt, Sở cũng đề nghị phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm (có hình thức xử lý) đối với Chủ tịch UBND xã Yên Bài và những cán bộ có liên quan trong việc buông lỏng quản lý đất đai, trật tự xây dựng.
Cũng theo Sở Xây dựng, khu rừng Mu, thôn Chóng, xã Yên Bài, huyện Ba Vì có diện tích khoảng 4,8 ha thuộc tờ bản đồ số 19 bám theo dưới chân núi Ba Vì. Tại đây từ những năm 1990 khu vực này có một số hộ dân khai hoang làm nhà ở, trồng cây lâu năm và sinh sống tại đây.
Qua kiểm tra và làm việc với UBND huyện Ba Vì, UBND xã Yên Bài và theo bản đồ hiện trạng sử dụng đất xã Yên Bài năm 2010, bản đồ Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và sơ đồ trích đo địa chính khu đất Xóm Chóng, xã Yên Bài tỷ lệ 1/1000 do UBND xã Yên Bài cung cấp thì vị trí xây dựng các công trình vi phạm trên là đất ở nông thôn nằm giáp ranh, xen kẹt đất lúa, đất rừng đặc dụng (Phạm vi chưa xác định chính xác về ranh giới và diện tích cụ thể).
Toàn bộ phần diện tích 4,8 ha nêu trên do ông Nguyễn Thành Ba, sinh năm 1979 có địa chỉ thường trú tại phòng 402, nhà C5, Khu đô thị Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội là đại diện nhóm cá nhân mua gom, gồm 13 thửa của các hộ gia đình tại địa phương. Việc mua bán, chuyển nhượng do các cá nhân tự thỏa thuận không được xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
Theo Sở Xây dựng, chủ đầu tư sau khi thực hiện việc mua gom đất của các hộ gia đình, cá nhân đã không lập quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng mà đã tổ chức xây dựng các công trình nhà vườn. Theo sơ đồ vị trí lô đất do UBND xã Yên Bài cung cấp (không có đơn vị có tư cách pháp nhân lập và được quan có thẩm quyền phê duyệt). Trên vị trí lô đất 4,8 ha được chủ đầu tư chia làm 99 lô đất xây dựng các nhà vườn; trong đó mỗi lô đất có diện tích từ 200 đến 500 m2, với diện tích xây dựng khoảng 80 đến 90 m2/căn/lô và 1 lô xây dựng nhà trung tâm dịch vụ. Trên thực tế chủ đầu tư đã triển khai xây dựng 58 nhà vườn/99 lô đất và 1 trung tâm dịch vụ.
Dự kiến chiều nay, 8/3, tại cuộc giao ban báo chí Thành uỷ, Hà Nội sẽ chính thức phát ngôn về vấn đề này.