Hà Nội mở rộng hợp tác quốc tế - Bài 3: Điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài

Thời gian qua, Hà Nội đã "định vị" đúng, từ đó có nhiều giải đồng bộ thực hiện cơ chế, chính sách mới, nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao quyết định chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp tại hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và Phát triển”. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Trên cầu Thăng Long, chiếc xe lao nhanh hướng thẳng tiến ra sân bay Nội Bài, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với hai "mảng màu" rõ rệt, minh chứng cho sự đổi thay và phát triển của Hà Nội với gam màu ngói đỏ tươi của những nếp nhà san sát, còn bên kia phủ trắng cả đoạn đường kéo dài hàng cây số qua khu công nghiệp Nam Thăng Long là những nhà xưởng của các tập đoàn đa quốc gia... đang đồng hành cùng Hà Nội phát triển.

Đây là kết quả cho những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong nhiều năm phát huy nội lực, tận dụng ngoại lực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng việc "cởi trói" chính sách, tạo môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi chào đón các nhà đầu tư.

"Cởi trói" chính sách

Còn nhớ, tại Hội nghị “Hà Nội 2017: Hợp tác Đầu tư và Phát triển”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn chứng câu chuyện doanh nghiệp chia sẻ với Thủ tướng rằng, lãnh đạo Hà Nội đã giải quyết thấu đáo yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp chỉ trong vòng 1 ngày qua tin nhắn điện thoại.

Qua ví dụ này, Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương và đánh giá cao tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động của Hà Nội, đồng thời nhấn mạnh, bộ máy ở cơ sở phải chuyển động nhạy bén, kịp thời trước những chính sách.

Thực hiện theo phương châm chỉ đạo của Chính phủ, đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp, chính quyền thành phố Hà Nội cam kết đổi mới toàn diện và sâu sắc sẽ đổi mới để hành động cùng doanh nghiệp, xây dựng Chính phủ phục vụ lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc.

Một trong những giải pháp tốt nhất cho tinh thần "phục vụ" ấy chính là sự chuyển biến mạnh mẽ về nền hành chính hiện đại, năng động phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư.

Thực tế chứng minh, Hà Nội đã và đang tạo chuyển biến căn bản về xây dựng Chính phủ điện tử để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Những dịch vụ công liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp đều có thể thực hiện qua internet.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, việc thu hút đầu tư của Hà Nội sẽ tác động mạnh tới kinh tế - xã hội của Thủ đô trong thời gian tới. Theo đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh hợp tác, tìm kiếm đối tác phát triển và kết hợp hài hòa giữa thu hút nguồn nội lực với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tất cả nhằm thể hiện quyết tâm hội nhập, hấp dẫn đầu tư, để Hà Nội xứng đáng là trung tâm khởi nghiệp thành công của cả nước.

Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, hiện thực hóa các chỉ tiêu thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ ngoài nước, Hà Nội đã thực hiện nhiều nhóm giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tạo dựng hành lang pháp lý thông thoáng cho doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn.

Cụ thể như: thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh giảm 30%; lĩnh vực đầu tư giảm từ 40 - 60%; lĩnh vực quy hoạch, đất đai giảm từ 30 - 50%. Đáng chú ý, một số sở ngành và các quận, huyện đã tích cực tổ chức các hội nghị chuyên đề đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Theo đó, công tác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký kinh doanh, kê khai thuế, hải quan... tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này ngày càng được coi trọng hơn.

Kết quả là, trong năm 2017, môi trường đầu tư, kinh doanh của Hà Nội được cải thiện rõ nét; thu hút đầu tư đạt kết quả cao. Nhiều chỉ số của Hà Nội được xếp hạng trong nhóm tốt nhất Việt Nam như: chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc; chỉ số cải cách hành chính tăng 6 bậc; chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) xếp thứ 2 cả nước.

Hà Nội nằm trong nhóm 4 thành phố có chỉ số hạnh phúc cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt xấp xỉ 100%; doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt 98%; thủ tục hải quan điện tử đạt 100%; phê duyệt chủ trương đầu tư 160 dự án vốn ngoài ngân sách trị giá 110.000 tỷ đồng; vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cả cấp mới và tăng vốn ước đạt gần 3,4 tỷ USD.

Chuyên gia kinh tế Cao Thành Trung thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là một trong những động lực quan trọng và là "đòn bẩy" cho sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia nói chung hay một địa phương nói riêng.

Thời gian qua, chính quyền thành phố Hà Nội đã "định vị" đúng vai trò của nguồn lực này, từ đó có nhiều giải đồng bộ thực hiện cơ chế, chính sách mới, nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Minh chứng là Hà Nội đã giải quyết rất tốt những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư và các thủ tục liên quan khác để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Thêm nữa, theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, thành phố đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư cả trong và ngoài nước. Nhiều giải pháp đã được nhắc tới, như tạo thuận lợi trong tiếp cận đất đai, sử dụng quỹ đất, mặt bằng phục vụ đầu tư, kinh doanh; nâng cao hiệu quả công tác điều hành, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư...

Không chỉ với các dự án công nghệ cao, các dự án đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, Hà Nội cũng xác định khuyến khích các dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghệ sinh học, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin, phát triển nông nghiệp, thực phẩm sạch an toàn...

Thước đo của nhà đầu tư

Tòa nhà Lotte Center Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

"Hà Nội chào đón và mong muốn hợp tác với tất cả các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các chuyên gia, các tổ chức trong và ngoài để cùng phát triển bền vững” - là thông điệp mà thành phố Hà Nội đưa ra vào năm 2017 nhằm kêu gọi đầu tư nước ngoài. Điều đó không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành hành động thiết thực, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Sự hài lòng của các nhà đầu tư khắp nơi trên thế giới là minh chứng rõ nét cho bước "đột phá" đúng hướng của Hà Nội những năm gần đây.

Tập đoàn KinderWorld Vietnam bắt đầu tới Việt Nam được 17 năm, với mức vốn đầu tư hiện nay khoảng 25 triệu USD vào thị trường Hà Nội, dự kiến trong thời gian tới sẽ tăng thêm khoảng 100 triệu USD vốn đầu tư vào Thủ đô để mở rộng hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục.

Ông Ricky Tan Teck Yong, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn KinderWorld Vietnam đánh giá: Hà Nội là môi trường đầu tư hấp dẫn, có tầm ảnh hưởng với gần 8 triệu dân và sẽ tiếp tục là thị trường ưu tiên hàng đầu cho các chương trình của KinderWorld.

"Với kế hoạch biến Hà Nội thành một đô thị thông minh, tôi tin tưởng nguồn nhân lực chất lượng cao là một phần tất yếu trong sáng kiến này. KinderWorld sẵn sàng đồng hành với thành phố thông qua các chương trình đào tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kinh tế, ngoại ngữ, du lịch…", ông Ricky Tan Teck Yong chia sẻ.

Đặc biệt, với những cam kết của chính quyền thành phố, Tổng Giám đốc Tập đoàn KinderWorld Vietnam tin tưởng Hà Nội sẽ tiếp tục cải cách tinh giản các thủ tục đầu tư, quy trình cấp giấy phép, tăng cường minh bạch; trở thành trung tâm thu hút đầu tư hàng đầu cả nước.

Là doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực tư nhân, Tập đoàn KinderWorld Vietnam sẽ tiếp tục kết nối mạnh mẽ với chính quyền để hoạt động hiệu quả hơn nữa. Việt Nam và Singapore có mối quan hệ vững chắc, tiếp tục làm nền tảng cho các hợp tác sắp tới giữa doanh nghiệp Singapore và Thủ đô Hà Nội.

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng cho thấy, so với những năm trước đây, dòng vốn ngoại đầu tư vào Hà Nội năm 2017 bắt đầu có sự chuyển dịch, hướng đến ngành công nghiệp phát triển bền vững. Cụ thể, vốn đầu tư ở lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo đứng đầu với 40%, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 23,5%, dịch vụ mua bán hàng hóa chiếm 13%, phần còn lại là các loại hình khác. Trong số này, nguồn vốn các doanh nghiệp Singapore là 40%, Nhật Bản đứng thứ hai với 31% và Hàn Quốc chiếm 10,6%.

Theo ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, hiện có 1.130 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trước đây, doanh nghiệp Hàn Quốc như Lotteria, Keangnam... chủ yếu đầu tư vào Hà Nội lĩnh vực bất động sản, nhưng hiện nay, doanh nghiệp Hàn Quốc đã mở rộng đầu tư vào lĩnh vực y tế, giáo dục, linh kiện điện tử, ô tô...

Lý do, được các nhà đầu tư "xứ sở Kim Chi" đưa ra là cơ sở hạ tầng thành phố Hà Nội, đặc biệt là đường giao thông từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố và đường giao thông từ Hà Nội tới các tỉnh, thành khác đã có sự nâng cấp, mở rộng, điều này tạo ấn tượng tốt đẹp cho doanh nghiệp Hàn Quốc về cơ sở hạ tầng Hà Nội.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Jens Ruebbert cũng cho rằng, Hà Nội có nhiều lợi thế để thu hút vốn từ doanh nghiệp nước ngoài nhờ khả năng phát triển, lực lượng lao động chất lượng cao, có năng suất cao. Nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng tốt chính là các yếu tố mà các nhà đầu tư tìm kiếm. Đặc biệt, trên địa bàn Hà Nội hiện có rất nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất quan trọng như khu công nghiệp Thăng Long I, Nội Bài, khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội, Khu công nghệ cao Hòa Lạc… là những nơi thu hút nhiều vốn đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Có thể nói, sự hài lòng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp là "thước đo"  đánh giá tính chuyên nghiệp, tính hiệu quả trong hoạt động của hệ thống chính quyền thành phố. Tuy nhiên, những thành quả đó, không phải ngẫu nhiên mà có được. Đó còn là sự chỉ đạo xuyên suốt của trong các nghị quyết của Đảng bộ thành phố, là "dấu chân" ngoại giao của lãnh đạo chính quyền Hà Nội tới các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới.

Đặc biệt hơn cả, đó còn là sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tiên phong trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, xây dựng chính quyền phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp hợp tác cùng phát triển.
       
Văn Cảnh - Nguyễn Thắng (TTXVN)
Hà Nội mở rộng hợp tác quốc tế - Bài 2: Khẳng định hình ảnh du lịch Thủ đô
Hà Nội mở rộng hợp tác quốc tế - Bài 2: Khẳng định hình ảnh du lịch Thủ đô

Với lợi thế là Thủ đô ngàn năm văn hiến, chứa đựng các giá trị văn hóa, lịch sử, và nhân văn phong phú, Hà Nội luôn thu hút đông đảo du khách bốn phương, đồng thời được nhiều trang thông tin du lịch quốc tế đánh giá là điểm du lịch hàng đầu thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN