Kiểm soát tốt dịch bệnh
Thực tế đã diễn ra như dự đoán của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra. Tối 6/3, Việt Nam đã xuất hiện ca nhiễm COVID-19 thứ 17, là một người đi du lịch từ châu Âu về nước. Toàn bộ những người đã tiếp xúc gần với những bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 đều được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm. Còn những người tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần với bệnh nhân được thống kê lập danh sách và yêu cầu thực hiện cách ly y tế tại nơi ở theo quy định.
Sáng 7/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã họp với các chuyên gia y tế trước diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19 sau khi xuất hiện ca nhiễm thứ 17.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhiều lần nhấn mạnh, dù Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt tình hình, các ca bệnh đều đã được chữa khỏi, nhưng diễn biến dịch bệnh trên thế giới rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường.
"Nếu coi phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là một cuộc chiến, thì chúng ta mới chỉ chiến thắng chiến dịch mở màn, do đó không được mất cảnh giác, chủ quan, lơ là. Chúng ta đã xây dựng các kịch bản chi tiết, lường trước khả năng xuất hiện thêm những ca nhiễm bệnh mới để sẵn sàng triển khai các giải pháp ứng phó", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Để ứng phó với diễn biến mới, tại cuộc họp, các chuyên gia y tế đã phân tích, đánh giá tình hình ca bệnh số 17; nơi ở, nơi lưu trú, hành trình di chuyển của bệnh nhân, xác định những người tiếp xúc và khả năng lây nhiễm để tiến hành điều tra dịch tễ, rà soát các trường hợp nghi ngờ để thực hiện các giải pháp y tế theo quy định. Đến thời điểm hiện tại, các trường hợp nghi ngờ đã được cách ly, khu vực sinh sống của bệnh nhân cũng đã được khoanh vùng và kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn dịch bệnh lây lan.
Ngay sau khi ghi nhận thông tin về ca nghi nhiễm, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, Chủ tịch UBND quận Ba Đình và các lực lượng liên quan ở cơ sở đã trực tiếp xuống khu vực nhà bệnh nhân để chỉ đạo phòng chống dịch.
Bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu
Tại cuộc họp của Bộ Công Thương chiều 7/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Hàng hóa không thiếu, người dân cần hết sức bình tĩnh, bối cảnh đất nước đang khó khăn nên càng cần sự sẻ chia, chung sức, chung lòng. Các doanh nghiệp, nhà phân phối đều cam kết không thiếu hàng hóa, các lực lượng chức năng cũng đồng loạt ra quân kiểm soát thị trường. Người dân không nên đổ xô mua hàng tích trữ, tạo sốt hàng hóa ảo.
Nhằm tăng cường xử lý các trường hợp đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan, UBND TP Hà Nội khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách.
Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, vận động cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương phối hợp triển khai ngay các biện pháp để hỗ trợ, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu tại địa phương có dịch bệnh, nhất là thành phố Hà Nội; kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối xử lý các khó khăn vướng mắc trong quá trình cung ứng hàng hóa. Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân.
Đẩy mạnh các hình thức mua bán hàng hóa trực tuyến để đáp ứng nhu cầu hàng hóa của người dân, nhất là tại các khu vực bị cách ly. Triển khai các giải pháp để bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; củng cố thị trường nội địa, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu; có biện pháp cụ thể để đưa mặt bằng giá thịt lợn xuống mức hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích của người sản xuất, khâu lưu thông phân phối và người tiêu dùng; xử lý nghiêm các trường hợp thao túng giá, đầu cơ, trục lợi theo đúng chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 02/02/2020. UBND thành phố Hà Nội cập nhật và cung cấp đầy đủ thông tin về diễn biến dịch COVID-19 và nguồn cung hàng hóa trên địa bàn để ổn định tâm lý cho người dân, kiên quyết không để xảy ra tình trạng mua gom hàng hóa để dự trữ, gây bất ổn thị trường.
Chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp để bảo đảm nguồn cung, chất lượng hàng hóa, nhu yếu phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương thực hiện ngay các giải pháp điều hành, kiểm soát và bình ổn giá các mặt hàng theo chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, các vật tư, thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh và các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông kịp thời cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch, khách quan về diễn biến tình hình dịch bệnh, việc cung ứng hàng hóa; kiểm soát, xử lý nghiêm các thông tin không chính thống, sai sự thật gây tâm lý hoang mang cho người dân.
Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chủ động thực hiện ngay các biện pháp phù hợp để cung ứng đủ hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải khai báo y tế
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo: Từ 6 giờ sáng 7/3, hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc. Để thuận tiện, bên cạnh hình thức khai giấy hành khách có thể khai báo y tế bắt buộc bằng hình thức điện tử ngay trước khi thực hiện chuyến đi đến Việt Nam.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế phối hợp với các nhà mạng Viettel, VNPT và các công ty công nghệ thông tin đã nỗ lực nghiên cứu, hoàn thiện quy trình và ứng dụng khai báo y tế điện tử bắt buộc rất đơn giản, thuận tiện. Việc khai báo y tế bằng hình thức điện tử tại website http://suckhoetoandan.vn/khaiyte.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo cũng bàn thảo về việc huy động cơ sở vật chất của lực lượng công an, phối hợp cùng với quân đội chuẩn bị thêm các địa điểm tổ chức cách ly tập trung, trong đó có các cơ sở cách ly cho người nước ngoài. Bên cạnh đó, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng thống nhất triển khai các đội cơ động quân dân y kết hợp để kiểm tra, hướng dẫn việc tổ chức cách ly tại các doanh nghiệp…
Thời gian tới Bộ Y tế cũng sẽ ban hành các hướng dẫn chi tiết, cụ thể đối với các khách sạn, cơ sở lưu trú được sử dụng để cách ly tập trung; cách ly tại các DN, nhà máy...
Có 4 ca nhiễm, Hà Nội đề nghị công bố dịch COVID-19
Theo Thông tin từ Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị công bố dịch, do có 4 trường hợp nhiễm dịch COVID-19 và 1 ca nghi nhiễm (đã có ca lây nhiễm thứ phát).
Bốn trường hợp nhiễm dịch COVID-19 tại Hà Nội gồm: Bệnh nhân N.H.N, nữ, 26 tuổi, địa chỉ tại 125 Trúc Bạch, Ba Đình; D.Đ.P, nam, 27 tuổi, địa chỉ tại 113 Trúc Bạch, Ba Đình, là lái xe chở bệnh nhân N.H.N; L.T.H, nữ 64 tuổi, địa chỉ tại 125 Trúc Bạch, Ba Đình, là bác của bệnh nhân N; N.Q.T, nam, 61 tuổi, địa chỉ tại 7 Nguyễn Khắc Nhu, Trúc Bạch, Ba Đình, là người ngồi hàng ghế 5A cùng dãy với bệnh nhân N.H.N.
Các trường hợp tiếp xúc gồm có 130 người tiếp xúc với bệnh nhân N.H.N, 226 người tiếp xúc với người tiếp xúc. Các biện pháp Hà Nội đã triển khai: Đã lấy mẫu xét nghiệm 53 người và đã có kết quả là 32; 6 trường hợp đang chờ kết quả.
TP Hà Nội đã điều tra, khoanh vùng cách ly khu vực ở phường Trúc Bạch 66 hộ gia đình, với 189 người. Hiện đã lấy 148 mẫu xét nghiệm. Đã cách ly 20 người tiếp xúc gần tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương; 164 người tiếp xúc với người tiếp xúc gần trong đó 64 người là bệnh nhân ngoại trú thực hiện cách ly tại nhà; 60 người là bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện thực hiện cách ly tại Long Biên; 40 bác sĩ, nhân viên y tế còn lại thực hiện cách ly tại bệnh viện.
Ngoài ra, Thành phố đã lấy 20 mẫu là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân N.H.N, 19/20 kết quả âm tính, còn 1 mẫu đang chờ kết quả và phun khử khuẩn toàn bộ bệnh viện, yêu cầu bệnh viện không được tiếp bệnh nhân mới, với những bệnh nhân hiện có cần tiếp tục điều trị và cách ly tại bệnh viện, chưa cho ra viện.