Bắt 217 vụ, chỉ khởi tố hình sự 1 vụ Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân làm việc với lãnh đạo Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Báo cáo về công tác quản lý, khai thác cát, sỏi trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Thành phố có 26 điểm mỏ cát sông Hồng, trong đó 11 điểm mỏ chưa được cấp phép thăm dò và khai thác.
4 điểm mỏ cát sông Đà có 3 điểm mỏ chưa cấp phép thăm dò. UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp các Sở, ngành, UBND các quận huyện xây dựng ''Đề án đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát tại các điểm mỏ cát trên sông Hồng, đoạn qua địa bàn thành phố Hà Nội'' nhằm mục tiêu minh bạch hóa quyền khai thác khoáng sản; ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép gây thất thoát khoáng sản và nguồn thu cho ngân sách, bảo vệ môi trường.
Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát và trung chuyển vật liệu xây dựng được Sở Tài nguyên và Môi trường; Công an thành phố; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tích cực kiểm tra, xử lý các vi phạm trong khai thác cát, sỏi.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng chỉ rõ: Công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong khai thác cát, sỏi trái phép trên sông rất khó khăn do các tàu thuyền di chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác khi có lực lượng chức năng kiểm tra.
Việc tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính (tàu hút cát) gặp nhiều khó khăn do nơi để phương tiện quá xa nơi kiểm tra, xử lý; việc tịch thu phương tiện một số vụ khó thực hiện do các phương tiện này là nơi cư trú của gia đình đối tượng. Đồng thời chưa có Thông tư hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng nên khó khăn trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác nạo vét luồng đường thủy nội địa kết hợp thu hồi cát, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã phê duyệt hồ sơ đề xuất, ký hợp đồng triển khai thực hiện với một số tổ chức để nạo vét trên các sông thuộc địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, công tác giám sát triển khai còn hạn chế cũng là nguyên nhân để các đơn vị nạo vét lợi dụng khai thác cát trái phép.
Theo Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, hiện thành phố có 226 bến bãi, trong đó có 87 bến bãi có cơ sở pháp lý về đất đai, 151 bến bãi không phép hoặc cấp phép sai thẩm quyền; 59 bến bãi có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa; 47 bến bãi có thủ tục về môi trường.
Qua công tác điều tra cơ bản, Phòng cảnh sát môi trường (PC49) Công an thành phố xác định trên địa bàn có 82 tụ điểm có hoạt động khai thác cát diễn biến phức tạp, tập trung tại các địa bàn quận, huyện, thị xã: Ba Vì (13), Sơn Tây (4), Phúc Thọ (7), Mê Linh (4), Đan Phượng (6), Đông Anh (7), Bắc Từ Liêm (4), Tây Hồ (2), Long Biên (5), Hoàng Mai (3), Thường Tín (5), Phú Xuyên (5), Gia Lâm (8), Sóc Sơn (5), Thanh Trì (1), Hai Bà Trưng (2), Hoàn Kiếm (1).
Thiếu tướng Đinh Văn Toản nhấn mạnh: Việc đấu tranh đối với vi phạm khai thác cát, sỏi trái phép hiện còn một số bất cập. Điển hình như trong năm 2016, lực lượng công an thành phố đã bắt được 217 vụ khai thác cát sỏi trái phép nhưng mới chỉ khởi tố hình sự được một vụ.
Nguyên nhân của việc này là do pháp luật quy định phải chứng minh được hậu quả thiệt hại nghiêm trọng về môi trường hoặc số lượng khoáng sản khai thác bán được từ 300 triệu trở lên mới bị truy tố. Bên cạnh đó, phương tiện của lực lượng công an nghèo nàn, dẫn đến khó khăn trong việc truy quét loại tội phạm này...
Khai thác ngày hay đêm, cát vẫn phải đưa lên bờ Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân kiểm tra, giám sát việc kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn bến số 1, xã Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Để làm tốt công tác quản lý, khai thác cát, sỏi trên địa bàn, thành phố Hà Nội đã đề ra một số giải pháp trọng tâm: Tập trung hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm của thành phố; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản; triển khai thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản các điểm mỏ cát trên sông Hồng theo Đề án đấu giá sau khi được UBND Thành phố phê duyệt; thực hiện Kế hoạch khắc phục hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.
Đồng thời, các đơn vị liên quan lập phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, không để không xảy ra tình trạng vi phạm mới và tái vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản; tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác cát, hoạt động nạo vét kết hợp tận thu cát, hoạt động bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng; xây dựng bến tạm giữ phương tiện vi phạm trên sông phục vụ công tác kiểm tra, xử lý.