Hai bên trao đổi về sự hợp tác kinh doanh của các doanh nghiệp Bắc Âu trên địa bàn thành phố Hà Nội và khả năng thiết lập quan hệ giữa Hà Nội với Thủ đô các nước Bắc Âu.
Tại buổi tiếp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định, thành phố luôn hoan nghênh các doanh nghiệp Bắc Âu sang tìm hiểu môi trường đầu tư, mở rộng cơ hội kinh doanh trên địa bàn.
Theo ông Chu Ngọc Anh, Hà Nội là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, là một trong hai trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ là thành phố “xanh – thông minh – hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Hà Nội đã và đang đẩy mạnh công nghệ, khoa học sáng tạo; giải quyết giao thông, đô thị, y tế; cơ sở hạ tầng viễn thông phát triển hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, cùng phủ dịch vụ thông tin di động thế hệ thứ 4 (4G) và thứ 5 (5G), bước đầu hình thành những thành phần cốt lõi của thành phố thông minh.
Về vấn đề thúc đẩy sự kết nối, hợp tác kinh doanh của các doanh nghiệp Bắc Âu tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, thành phố khuyến khích các doanh nghiệp Bắc Âu mở rộng kinh doanh trong các lĩnh vực tiềm năng như: xúc tiến đầu tư – thương mại – du lịch, thành phố thông minh, chính phủ điện tử, công nghệ xanh, năng lượng và phát triển bền vững, chuyển giao công nghệ, hợp tác lao động, đào tạo nguồn nhân lực và giao lưu văn hóa.
Về quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Hà Nội và thủ đô các nước Bắc Âu, ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, thành phố Hà Nội luôn chào đón và sẵn sàng thiết lập, mở rộng quan hệ hợp tác, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước Bắc Âu.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sẽ chỉ đạo các sở chuyên môn là đầu mối kết nối, làm việc với các doanh nghiệp Bắc Âu có nhu cầu tìm hiểu cơ hội hợp tác; trao đổi với các địa phương về khả năng hợp tác, tiến tới xây dựng và ký kết thỏa thuận làm việc trong thời gian tới.
Theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Bắc Âu tại Việt Nam Quist Thomasen, các công ty Bắc Âu đang phát triển thế mạnh của mình ở các lĩnh vực như: Smart City, Green City, năng lượng tái tạo và phát triển bền vững... Các công nghệ smart có thể giảm thiểu tối đa nhu cầu năng lượng cho giao thông công cộng, tăng cường kết nối giữa khu vực công và khu vực tư, giúp việc quản lý đô thị trở nên hiệu quả. Đồng thời, các công ty Bắc Âu sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm giúp Hà Nội phát triển thành phố xanh, tạo ra cơ cấu để sử dụng năng lượng hiệu quả; cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa người phát triển năng lượng tái tạo với các doanh nghiệp trên địa bàn.
Về hiệp định thương mại tự do, ông Quist Thomasen cũng đề xuất thành phố Hà Nội nên có những cơ chế cụ thể, tạo các đầu mối kết nối doanh nghiệp để sự hợp tác giữa Hà Nội và các doanh nghiệp Bắc Âu trở nên thuận lợi hơn. Về vấn đề lao động, với những quy định mới của thành phố Hà Nội, ông Quist Thomasen mong muốn NordCham sẽ có cơ hội làm việc với cơ quan chuyên môn của thành phố để giải quyết những vướng mắc về giấy phép lao động cho các doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Bắc Âu tại Việt Nam Quist Thomasen hy vọng có thể hiểu rõ nhu cầu, tầm nhìn của thành phố Hà Nội, qua đó truyền đạt cho các công ty; đồng thời, giới thiệu kinh nghiệm của các nước Bắc Âu, đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô.