Quy hoạch Khu phần mềm Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: TTXVN phát |
Trong quá trình thực hiện, cần ưu tiên tuyên truyền, vận động người dân tự giác phối hợp và tính toán để tìm ra phương án bồi thường có lợi nhất cho người dân.
Huyện Thạch Thất nằm ở phía Tây Thủ đô Hà Nội, gồm 22 xã và một thị trấn. Địa bàn huyện có nhiều dự án trọng điểm, diện tích đất thu hồi lớn như khu dự án khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại lộ Thăng Long, đường Hòa Lạc - Hòa Bình…
Theo ông Trần Đức Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, tổng diện tích đất thu hồi thuộc dự án xây dựng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trên địa bàn huyện là hơn 1.400 ha, diện tích đã bồi thường và bàn giao mặt bằng là 1.200 ha, diện tích chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng 232 ha.
Trong 232 ha diện tích chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng, diện tích đất công là 75 ha, diện tích đất doanh nghiệp 8,5 ha và diện tích đất của các hộ dân là 166,5 ha. Đến nay, huyện đã tiến hành thống kê, kiểm đếm được 80 ha.
Trong tổng diện tích 166,5 ha chưa bồi thường của các hộ dân, có khoảng 6 ha của 110 hộ tại xã Thạch Hòa đang gặp khó khăn, phức tạp trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng bởi toàn bộ diện tích đất này có nguồn gốc do UBND xã Tân Xã (cũ) giao không đúng thẩm quyền trong giai đoạn từ năm 1989 đến trước năm 1994.
Sau khi được giao đất, các hộ tự chia tách thửa đất và chuyển nhượng cho nhiều hộ khác sử dụng, có tranh chấp. Mặt khác, xã Thạch Hòa mới được thành lập từ năm 1994, một số hộ được giao đất nhưng không có tên trong hồ sơ quản lý nên UBND xã chưa có căn cứ để xác nhận phân loại đất cho các hộ có diện tích đất đã kiểm đếm.
Chủ tịch UBND xã Thạch Hòa Nguyễn Văn Thá đề nghị, thành phố sớm bố trí kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho nhân dân trên phần diện tích đất đã kiểm đếm. Với phần diện tích còn vướng mắc liên quan đến nguồn gốc đất, xã Thạch Hòa mong muốn thành phố có chính sách đặc thù cho từng hộ. Xã sẽ nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của huyện và thành phố.
Ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc cho biết, dự án Khu Công nghệ cao Láng - Hòa Lạc là dự án trọng điểm của thành phố với khả năng thu hút đầu tư cao. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng cho dự án đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn 232 ha trên địa bàn huyện Thạch Thất còn vướng mắc.
Ông Phạm Đại Dương đề nghị thành phố quan tâm hỗ trợ kinh phí, chỉ đạo thực hiện giải phóng mặt bằng theo phương thức “cuốn chiếu”, làm dứt điểm tại từng khu vực để tạo hiệu quả cao nhất, bên cạnh đó vận động các doanh nghiệp tham gia đầu tư ứng kinh phí giải phóng mặt bằng trước và sẽ khấu trừ vào tiền sử dụng đất sau này.
Qua khảo sát thực địa tại xã Thạch Hòa và nghe ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện Thạch Thất được triển khai từ nhiều năm với nhiều thay đổi nên việc xác định nguồn gốc đất còn phức tạp, việc thực hiện cơ chế, chính sách cho người dân trong quá trình giải phóng mặt bằng gặp khó khăn.
Để tháo gỡ những khó khăn, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đề nghị huyện Thạch Thất tập trung thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng sớm cho các hộ đã bàn giao đất. Đặc biệt, huyện cần ưu tiên tuyên truyền, vận động để người dân tự giác chấp hành. Với những hộ có quyết định cưỡng chế, khi triển khai phải tiến hành nghiêm túc, đảm bảo an ninh trật tự.
Với những phần đất ở của các hộ dân chưa kiểm đếm, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo huyện Thạch Thất tuyên truyền, vận động nhân dân phối hợp kê khai, xác định nguồn gốc đất. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, cần tính toán để có cơ chế bồi thường có lợi nhất cho người dân.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Láng - Hòa Lạc phối hợp với các sở, ngành của thành phố tính toán, sắp xếp thứ tự các khu vực cần ưu tiên khi giải phóng mặt bằng, tập trung triển khai sớm ở những khu vực đã có nhà đầu tư đăng ký, bố trí ngân sách phù hợp, đúng quy hoạch, đảm bảo không lãng phí.